Đuổi theo ánh sáng phương Bắc

Đuổi theo ánh sáng phương Bắc
6 giờ trướcBài gốc
Tháng 10.2024, giới yêu thích các hiện tượng thiên nhiên đồng loạt chia sẻ các bức hình chụp được các vệt ánh sáng trên bầu trời đêm ở rất nhiều nơi trên Trái đất mà xưa nay cực hiếm.
Đó là cực quang, còn gọi là Aurora Borealis hay Northern Lights, được nhìn thấy từ nhiều nơi ở Anh, Mỹ, Úc, New Zealand. Nhiều người ngồi ngay trong vườn nhà cũng có thể chiêm ngưỡng những khoảnh khắc kỳ ảo của thiên nhiên, trong khi nhiều người phải bỏ ra những khoản tiền lớn, thời gian dài, đến những nơi xa xôi để có thể trải nghiệm.
Các nhà chiêm tinh trước Công nguyên từng ghi chép hiện tượng này thông qua nhiều cách như khắc trên đá, ẩn trong thơ ca. Đầu Công nguyên, nhiều nhà chiêm tinh đã ví hiện tượng này là những vực thẳm của bầu trời đêm hay những vệt lửa và máu từ trời sa xuống. Nhưng những ghi chép sớm nhất về Aurora Borealis được tin là ẩn trong những bức vẽ theo trường phái ấn tượng cách đây 30 ngàn năm trước Công nguyên, mô tả cực quang rực sáng trên bầu trời đêm trong những hang động Cro-Magnon, nằm tại vùng Nam Âu.
Mãi cho đến thế kỷ XVII, Galileo Galilei mới lần đầu đặt tên cho hiện tượng thiên văn xảy ra ở vĩ độ rất cao về cực Bắc mà ông quan sát được là Aurora Borealis, ghép từ tên hai vị thần cổ đại: Aurora là nữ thần bình minh trong thần thoại La Mã, và Boreas là thần gió lạnh phương Bắc trong thần thoại Hy Lạp. Ông tin hiện tượng này do ánh sáng Mặt trời phản chiếu từ bầu khí quyển. Cách hiểu của Galieo sau này được các nhà khoa học chứng minh chưa chính xác, nhưng tên do ông đặt vẫn giữ nguyên.
Chuyến đi săn cực quang tại Iceland của tác giả cùng một số du khách đến từ nhiều quốc gia, tháng 10.2024.
Đầu thế kỷ XX, nhiều nhà vật lý và thiên văn, đặc biệt là nhà khoa học người Na Uy Kristian Birkeland lập luận rằng cực quang do các electron phát ra từ các vết đen mặt trời tạo ra ánh sáng khí quyển sau khi được từ trường Trái đất dẫn hướng về các cực.
Diễn giải nôm na về hiện tượng cực quang là do hoạt động trên bề mặt Mặt trời tạo ra những luồng gió, mang theo đám mây lớn chứa các hạt tích điện. Các hạt này di chuyển hàng triệu dặm, với tốc độ trên 70 triệu km/giờ. Một số hạt va chạm với Trái đất. Từ trường có nhiệm vụ bảo vệ Trái đất khỏi bị va chạm, làm chệch hướng các hạt này. Tuy nhiên có một số hạt được giữ lại trong từ trường, tăng tốc ra hai cực và vào bầu khí quyển. Các hạt này va vào các nguyên tử và phân tử trong khí quyển làm chúng nóng lên và tỏa ra các màu sắc khác nhau.
Thành phần hóa học của bầu khí quyển Trái đất quyết định màu sắc của cực quang vì mỗi loại nguyên tử hoặc phân tử đều hấp thụ và phát ra bộ màu riêng biệt. Hai loại khí chính trong bầu khí quyển là nitơ và oxy tạo ra các màu sắc khác nhau trong quá trình cực quang. Màu xanh lá cây là đặc trưng của oxy; còn nitơ tạo ra các sắc tím, xanh lam hoặc hồng. Khi cực quang đặc biệt mạnh, màu đỏ tươi xuất hiện nhờ oxy ở độ cao lớn tương tác với các hạt từ Mặt trời.
Các kiểu gợn sóng đặc trưng và các mảng ánh sáng của cực quang mắt thường có thể nhìn thấy là do các đường sức từ trong từ trường của Trái đất gây ra. Phần thấp nhất của cực quang thường cách bề mặt Trái đất khoảng 130 km, trong khi đỉnh của cực quang có thể kéo dài vài trăm km.
Thực tế thì hiện tượng này luôn xảy ra 24 giờ trong ngày, 365 ngày trong năm và có thể được nhìn thấy gần các cực Bắc và Nam của bán cầu. Nếu xuất hiện ở phía Nam, nó có tên gọi là Southern Lights hay Aurora Australis. Trong những dịp rất hiếm, khi thời gian hoạt động năng lượng mặt trời tăng cao, cực quang phương Bắc có thể được nhìn thấy từ miền Trung và Nam châu Âu, thay vì chỉ Bắc Âu.
Trong khi các nhà khoa học nghiên cứu và định nghĩa về sự va chạm dữ dội của các hạt từ gió Mặt trời với từ trường Trái đất, sự lãng mạn mà màn bạo lực của hệ Mặt trời mang lại cho con người lại là các điệu vũ ánh sáng tuyệt đẹp, mang lại cảm giác choáng ngợp và tạo cảm hứng cho sức tưởng tượng không giới hạn của bộ não con người.
Nhiều nhà chiêm tinh cổ xưa đã ví hiện tượng cực quang là những vệt lửa và máu từ trời sa xuống.
Kể cả sau các giải thích khoa học cho hiện tượng này, cực quang vẫn tạo ra cảm xúc trái ngược cho người nhìn thấy trong văn hóa và truyền thống riêng của những tộc người sống trong vùng cực quang bao đời nay. Người thì coi là điềm lành, người thì cho là sự dữ, người thì cho là dấu hiệu của hy vọng, người lại tin nó đại diện cho người đã chết, báo hiệu chiến tranh loạn lạc.
Rất nhiều câu chuyện truyền miệng ra đời và được kể lại cho bất cứ du khách ngắm cực quang nào từ xa tới. Thí dụ ở Scandinavia, thần thoại khu vực cho rằng vị thần mùa đông Ullr đã tạo ra cực quang để chiếu sáng những đêm dài và đen tối nhất trong năm. Hay một huyền thoại cho rằng cực quang do con cáo lửa chạy nhanh qua tuyết đến mức khiến tia lửa bay lên và đốt cháy bầu trời. Người Algonquin thì tin cực quang xuất phát từ ngọn lửa do đấng sáng tạo Nanabozho của họ nhóm lên để nhắc nhở ông ta đang dõi theo họ.
Đối với người Viking, cực quang là ánh sáng phản chiếu từ bộ giáp chiến đấu của các nữ chiến binh cưỡi ngựa trên bầu trời Valkyrie, được thần Odin phái đi tìm linh hồn của những chiến binh và đưa họ đến cung điện Valhalla của Odin.
Ngư dân Thụy Điển tin ánh sáng cực quang là phản chiếu của những đàn cá trích khổng lồ đang bơi gần đó, hứa hẹn sự may mắn và một vụ đánh bắt bội thu.
Trong thần thoại Sami hay nhiều thổ dân ở phía Bắc Âu Á và Bắc Mỹ, cực quang phương Bắc được tin là máu của người chết hay máu của những chiến binh tử trận phun lên bầu trời. Nhiều tộc người tin cực quang là linh hồn của những người chết đang nhảy múa trên bầu trời, và khi cực quang rực rỡ có nghĩa những người đã khuất rất vui vẻ, đang cố gắng giao tiếp với những người thân yêu vẫn còn sống.
Nhiều người còn cho rằng cực quang là một thứ thần bí thiêng liêng nên họ luôn tỏ ra khiêm tốn khi cực quang xuất hiện. Người Eskimo ở Bắc Mỹ tin rằng nếu bạn huýt sáo, cực quang sẽ quét xuống và đưa bạn khỏi Trái đất, nhưng bạn có thể đuổi nó đi bằng cách vỗ tay.
Cực quang được coi là đỉnh cao của bộ môn quan sát bầu trời. Nhưng để ngắm nó bằng mắt thường, cần rất nhiều điều kiện về thời tiết và vị trí. Ở Bắc bán cầu, Iceland là nơi có cơ hội ngắm cao nhất, mạnh nhất. Thời điểm dễ thấy nhất rơi vào từ tháng 9 đến tháng 4, thời tiết lạnh và gió thổi mạnh, đặc biệt trong những đêm tối, bầu trời quang đãng. Các tour săn cực quang được coi là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo, bền vững nhất của ngành công nghiệp không khói tại đảo quốc này.
Các tour săn cực quang được coi là một trong những sản phẩm du lịch độc đáo, bền vững nhất của ngành công nghiệp không khói tại đảo quốc Iceland.
Tôi dành cả tuần đầu tháng 10.2024 đến Iceland đi săn cực quang cùng một số du khách đến từ nhiều nước. Cả tuần đi săn mỗi đêm, chúng tôi may mắn tận hưởng một đêm cực quang rất mạnh tại thị trấn đầy những cánh đồng và đồi thấp có tên Hvolsvöllur, cách thủ đô Reykjavík của Iceland hơn 100km về phía Nam.
Giữa đồng cỏ rộng mênh mông, gió lạnh thổi phần phật, nhiều nhóm khách đứng sát nhau, chống chọi cái lạnh giữa đêm đông ở băng đảo, ngước mặt lên trời chờ những vệt sáng mờ mờ rồi rõ dần xuất hiện. Các vệt sáng xanh, rồi vàng và đỏ vừa di chuyển, vừa nhảy múa, đậm lên, nhạt dần, thay đổi liên tục, khiến du khách đứng ngắm không ngớt thốt lên những tiếng trầm trồ thích thú.
Thông thường, với dân đi ngắm cực quang không chuyên, camera của máy ảnh hay điện thoại sẽ ghi lại cực quang rõ hơn mắt thường. Nhưng nếu cực quang mạnh lên, mắt thường có thể nhìn rõ nhiều hình dạng, màu sắc của hiện tượng này, từ các vệt, các mảng sáng rải rác, đến các mảng liền như những dải băng, uốn lượn, tạo thành vòng cung, hay cả một bức màn ánh sáng gợn sóng không ngừng di chuyển thay đổi hình dáng và màu sắc như đang nhảy múa.
Tôi tận hưởng hiện tượng độc đáo này hơn 3 giờ đồng hồ, hết ngồi rồi nằm dài xuống bãi cỏ, cố lưu lại trong đầu nhiều nhất có thể hiện tượng mà tôi tin là lần đầu và là lần duy nhất có cơ hội ngắm trong đời một con người sống ở vùng cận xích đạo.
Bài và ảnh: Ninh Hạ
Nguồn Người Đô Thị : https://nguoidothi.net.vn/duoi-theo-anh-sang-phuong-bac-46362.html