Việt Nam trở thành thị trường xuất khẩu bán dẫn tiềm năng đối với Hàn Quốc
Để đánh giá tác động của chính quyền dưới thời tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc, Chosun Ilbo đã khảo sát 129 văn phòng Cơ quan Xúc tiến thương mại - đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) trên 84 quốc gia. Kết quả khảo sát chỉ ra ra các thị trường ASEAN sẽ trở thành những thị trường xuất khẩu, thay thế cho Trung Quốc và Mỹ đối với Hàn Quốc.
Ông Donald Trump từng nhiều lần cho biết có kế hoạch áp thuế nặng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ để tăng cường nền kinh tế trong nước. Đối mặt với nhiều thách thức, Hàn Quốc cho rằng các quốc gia ASEAN sẽ nổi lên như những lựa chọn thay thế quan trọng. Một nửa số văn phòng thương mại KOTRA được khảo sát (50 trên 100) xếp hạng ASEAN là điểm đến xuất khẩu đầy hứa hẹn nhất đối với Hàn Quốc.
Xuất khẩu của Hàn Quốc sang Trung Quốc, từng chiếm gần 30% tổng số, đã giảm xuống dưới 20% do lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Bắc Kinh. Trong khi đó, xuất khẩu sang Mỹ, chủ yếu danh mục ô tô và chất bán dẫn, có thể phải đối mặt với những trở ngại từ thuế quan và áp lực mở rộng sản xuất trong nước.
Trong bối cảnh này, các nước Đông Nam Á, nhất là Việt Nam - với nhiều nhà máy lắp ráp điện tử, chẳng hạn như Samsung Electronics đang tăng cường năng lực sản xuất, được cho là sẽ trở thành thị trường quan trọng để bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu đối với Hàn Quốc, trong đó có mặt hàng chip.
Trong khi đó, theo các chuyên gia của Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất công nghệ của Mỹ. Các tập đoàn nước ngoài lớn, bao gồm Apple, Foxconn và Intel đã bắt đầu chuyển sang Việt Nam như một cách để đa dạng hóa danh mục sản xuất.
Một giáo sư tại Đại học Indiana đã nói với Forbes: “Việt Nam có thể thành công ít hoặc thành công lớn tùy thuộc vào cách họ tạo điều kiện cho làn sóng đầu tư”.
"Ngoài Việt Nam, các quốc gia như Indonesia, Thái Lan và Malaysia cũng đang mở rộng hoạt động sản xuất", Cho Sang-hyun, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế và thương mại quốc tế tại Hiệp hội thương mại quốc tế Hàn Quốc cho biết. "Năng lực cạnh tranh của Hàn Quốc trong hàng hóa trung gian khiến Đông Nam Á trở thành một thị trường thiết yếu".
Mặc dù ASEAN có thể chưa thể thay thế Trung Quốc trong tương lai gần, nhưng dự kiến sẽ hấp thụ một phần hàng hóa của Hàn Quốc. Lee Sang-ho, Phó chủ tịch Bộ phận nghiên cứu kinh tế và công nghiệp tại Liên đoàn công nghiệp Hàn Quốc cho biết: "Không giống như Trung Quốc, các quốc gia Đông Nam Á ít có khả năng phải đối mặt với sự giám sát của Mỹ, khiến họ trở thành một lựa chọn thay thế hấp dẫn cho hàng xuất khẩu của Hàn Quốc".
Cuộc khảo sát cũng đánh giá các ngành có khả năng phát triển mạnh hoặc gặp khó khăn của Hàn Quốc trước các dự báo chính sách thắt chặt của Donald Trump. Đóng tàu, chất bán dẫn và hóa dầu nổi lên là những ngành có tiềm năng xuất khẩu mạnh mẽ nhất, trong khi ô tô và pin thứ cấp được nhìn nhận như những sản phẩm sẽ là dễ bị tổn thương.
Đóng tàu được đánh giá tích cực nhất, với 43 văn phòng thương mại nêu bật tiềm năng của ngành này. Chất bán dẫn cũng có triển vọng tích cực, với 15 văn phòng thương mại dự đoán sẽ tăng.
Các hạn chế của Mỹ đối với chất bán dẫn của Trung Quốc và kiểm soát chặt chẽ hơn đối với chuỗi cung ứng công nghệ tiên tiến, bao gồm AI và điện toán lượng tử, có thể thúc đẩy nhu cầu đối với chip giá trị cao của Hàn Quốc. Những diễn biến này có thể giúp Hàn Quốc duy trì lợi thế của mình trong các lĩnh vực như bộ nhớ băng thông cao (HBM).
Mặc dù có triển vọng lạc quan, nhưng bán dẫn cũng được đánh giá là ngành dễ bị tổn thương đối với Hàn Quốc, xếp thứ ba trong số các ngành có khả năng phải đối mặt với thách thức. Mối lo ngại bắt nguồn từ khả năng tăng thuế quan đối với bán dẫn của Mỹ, 19 văn phòng thương mại Hàn Quốc cho biết.
Bạch Dương