Đường Cao Sơn - Mỹ Thanh đã hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2024, giúp người dân đi lại thuận tiện.
Việc quan tâm đầu tư của Nhà nước phát triển hạ tầng giao thông ở đây có tính đột phá, bởi con đường vừa rút ngắn khoảng cách địa lý giữa xã vùng cao đặc biệt khó khăn này, vừa mở ra cơ hội phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội cho đồng bào địa phương.
Trước đây, việc đi lại từ Cao Sơn ra thành phố Bắc Kạn khó khăn khiến việc vận chuyển nông sản gặp nhiều trở ngại, chi phí cao làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm địa phương. Con đường kiên cố là niềm mong mỏi của hơn 220 hộ đồng bào dân tộc xã vùng cao đặc biệt khó khăn này.
Đối với những hộ dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp như trồng dong riềng, thuốc lá, lạc đỏ hay chăn nuôi trâu, bò, con đường mới đã mở ra cơ hội lớn. Sản phẩm nông sản dễ dàng được vận chuyển đến các chợ đầu mối hoặc nhà máy chế biến tại thành phố, giúp tăng giá trị kinh tế. Nhiều hộ dân cho biết, thu nhập từ các hoạt động kinh doanh đã tăng lên rõ rệt nhờ tiết kiệm chi phí vận chuyển và tiếp cận thị trường lớn.
Ông Dương Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cao Sơn (Bạch Thông) cho biết: “Con đường được Nhà nước quan tâm đầu tư đã mở ra nhiều cơ hội phát triển cho địa phương, góp phần hoàn thiện tiêu chí hạ tầng giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Nhân dân rất ủng hộ chủ trương làm đường nên quá trình vận động nhiều hộ đã hiến đất, tài sản, cây cối”.
Ông Dương Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Cao Sơn (Bạch Thông).
Không chỉ cải thiện kinh tế, con đường còn là cầu nối quan trọng trong việc giao lưu văn hóa và nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số. Việc tiếp cận với các dịch vụ giáo dục, y tế và văn hóa tại thành phố Bắc Kạn của người dân giờ đây trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Trẻ em ở vùng cao có thể đến trường đúng giờ mà không phải lo lắng về những đoạn đường hiểm trở vào mùa mưa. Các chương trình giáo dục và hội thảo kỹ thuật sản xuất mới cũng được tổ chức thường xuyên hơn, giúp người dân nâng cao kỹ năng và kiến thức để áp dụng vào thực tiễn.
Ông Triệu Phúc Đường, Trưởng thôn Thôm Phụ, xã Cao Sơn cho biết: “Người dân xã Cao Sơn biết ơn Đảng và Nhà nước đã quan tâm mở đường mới khang trang, sạch đẹp, thỏa lòng mong ước của bà con lâu nay”.
Ông Triệu Phúc Đường, Trưởng thôn Thôm Phụ, xã Cao Sơn.
Cao Sơn có vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng và lưu giữ được nhiều nét bản sắc văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số, đang dần trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thiên nhiên. Con đường Cao Sơn - Mỹ Thanh đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các thôn bản vùng cao với thành phố, giúp du khách dễ dàng tiếp cận và khám phá.
Những hàng rào đá đặc trưng, các phiên chợ vùng cao và lòng hiếu khách của người dân địa phương là những yếu tố hứa hẹn đưa Cao Sơn trở thành điểm nhấn trong bản đồ du lịch của Bắc Kạn.
Việc hoàn thành con đường Cao Sơn - Mỹ Thanh không chỉ là một thành tựu về hạ tầng mà còn là biểu tượng cho sự đoàn kết và nỗ lực vượt khó của chính quyền và người dân địa phương. Đây là bước đệm quan trọng để xã Cao Sơn thoát khỏi danh sách các xã khó khăn nhất của tỉnh Bắc Kạn, hướng tới xây dựng nông thôn mới thực chất và bền vững.
Trong tương lai, khi các dự án phát triển nông nghiệp, giáo dục, và du lịch được triển khai mạnh mẽ, con đường này sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy sự phát triển toàn diện cho các thôn bản vùng cao. Đó không chỉ là con đường dẫn đến thành phố, mà còn là con đường dẫn đến những cơ hội mới, một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Cao Sơn. Mong ước trong thời gian tới người dân xã Cao Sơn sẽ khấm khá, tỷ lệ hộ nghèo sẽ giảm mạnh hơn, không còn giữ ở mức 35% như hiện nay./.
Phương Thảo - Dương Long
Nguồn Bắc Kạn : https://baobackan.vn/duong-cao-son-my-thanh-don-bay-phat-trien-cho-vung-dac-biet-kho-khan-post68810.html