Thời tôi mới về làm việc trên đường Cao Thắng năm 1983, đường này vẫn mang dáng dấp của Sài Gòn trước năm 1975, vốn duyên dáng và sầm uất với hàng dầu thẳng tắp, với hai rạp xi nê nổi tiếng. Vẫn còn nhiều nhà phố với hàng rào xi măng có ô gió, những hàng bông giấy đỏ cam che chắn mặt tiền và những bức tường tô đá rửa còn nguyên vẹn dù đã cũ kỹ dần.
Đường Cao Thắng nằm gần đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) với Bảo sanh viện Từ Dũ, khu bán đồ gỗ nổi tiếng và sau này là khu bán sách cũ. Học trò ngôi trường trăm năm Petrus Ký và sinh viên các trường Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học ắt hẳn lui tới nhiều trên con đường này, ăn bánh mì Hòa Mã, ghé đường Nguyễn Thiện Thuật ăn chè hột gà, mua dây đàn guitar… Con đường và khu vực chung quanh nó là khu phố điển hình cho sự sầm uất của Sài Gòn, cân bằng giữa việc làm ăn kinh doanh và đời sống văn hóa.
Hai rạp hát trên đường này, Văn Hoa Saigon (sau đổi thành Capitol, rồi Thăng Long) và Đại Đồng quá xa nhà khi tôi còn nhỏ nên không có dịp đến xem phim ở đó trừ một lần cùng bạn đi xe buýt năm 1974 ra bến xe Nguyễn Tri Phương mua đồ sinh hoạt hướng đạo và ghé xem phim ở rạp Đại Đồng, không nhớ là phim gì.
Anh Huệ, nhà gần đó kể với tôi về rạp này: “Hồi tôi còn nhỏ, khoảng cuối thập niên 1950, cứ vài tuần, má cho 5 đồng đi xem phim. Lúc đó rạp Đại Đồng chiếu thường trực, cứ bỏ 5 đồng vô cửa thì xem hai phim từ sáng đến tối, quên ăn cơm luôn. Phim cao bồi đánh với dân da đỏ là ăn khách nhất, phe ta là cao bồi, ăn mặc đẹp đẽ, ngang tàng, rất anh hùng với người đẹp, có tài bắn súng bá phát bá trúng… đánh người da đỏ te tua (sau 1975 thì ngược lại dân da đỏ quýnh cao bồi chạy không còn manh giáp). Đám khán giả nhi đồng thường ngồi chồm hổm trên hàng ghế xếp cây, hai cánh tay tựa vào thành ghế cho đừng té ngửa, còn vì sợ… rệp. Có lần, tôi bị té lọt vào giữa mặt ghế và khung ghế, phải nhờ mấy đứa bạn kéo lên”.
Rạp Đại Đồng giờ là nơi biễu diễn của sân khấu Kịch Sài Gòn nhưng gần như “cửa đóng then cài”. Hai chữ "Đại Đồng" đúc bằng xi măng ẩn khuất sau tàng cây vẫn còn trên nóc.
Còn rạp Thăng Long, nhớ khoảng năm 1987, 1988 tôi vào xem bộ phim hai tập của Cộng hòa Dân chủ Đức Thủ lĩnh áo nâu, một phim Hungary là Nhiệm vụ hoa hồng và một phim có tựa hấp dẫn: Tình yêu của tôi, nỗi buồn của tôi… Giờ không nhớ nội dung phim nào!
Lúc mới về đây, tôi đã nghe nói gần đó có lớp nhạc của nhạc sĩ Trịnh Hưng, tác giả ca khúc Lối về xóm nhỏ mà giới học trò thường nghe: “Về thôn xưa ta hát khúc hoan ca/ Ngọt bông lúa tình quê thêm đậm đà…”. Lớp nhạc của ông chỉ cách chỗ tôi làm vài căn, số nhà 9/1. Theo trang Nhạc Xưa, lớp nhạc này mở ra năm 1956, dạy đủ loại đàn: mandoline, hạ uy cầm, guitare và luyện thanh, trong đó guitare là sở trường của ông.
Nhiều nghệ sĩ sau này thành danh đã từng lui tới đây để học hoặc nhờ ông chỉ dẫn, đỡ đầu như ca sĩ Thanh Thúy, Bạch Yến, Túy Hồng… và các nhạc sĩ nổi tiếng như Trúc Phương, Phạm Thế Mỹ, Ðỗ Lễ… Theo trang này, nhạc sĩ Trúc Phương đã đến gặp nhạc sĩ Trịnh Hưng khoảng năm 1957 để học thêm về kỹ thuật sáng tác, hai người đã viết chung ca khúc Tình thắm duyên quê. Trịnh Hưng sống ở địa chỉ này đến 1990 mới định cư ở Pháp.
Rạp Thăng Long ngày xưa nay đã trở thành cao ốc, địa chỉ 19 Cao Thắng.
Những năm đầu thập niên 1990, thỉnh thoảng lại thấy ký giả Thanh Việt Thanh trong Ban chấp hành Trung tâm Văn Bút trước năm 1975 đi qua, tóc chải ngược ra sau, gầy còm và đã già nhưng còn nhanh nhẹn sải chân đi trên đường với cái túi simili đen nhỏ kẹp nách. Qua lại thường xuyên có vợ chồng họa sĩ Hoa Tươi mà tôi gọi bằng thầy vì từng học vẽ chỗ ông. Còn có nhạc sĩ Triều Dâng mái tóc bồng bạc phơ, mũi thẳng và gương mặt phong trần.
Gần chỗ vỉa hè bán dưa hấu đầu đường có một tiệm sửa xe gắn máy. Thỉnh thoảng tay guitare bass Lý Được ra đứng nói chuyện với bạn hoặc với nhà thơ của giới thanh niên xung phong là Cao Vũ Huy Miên. Nhà thơ Chim Trắng đeo cái túi đi bộ trên vỉa hè, đôi mắt sắc sảo dưới hàng mày rậm vừa đi vừa quan sát. Trong quán cà phê đặt ngoài sân của tòa biệt thự mà báo Thiếu Niên Tiền Phong đóng, người đến chơi thường xuyên là diễn viên Hồ Kiểng. Ông thích chắp tay sau lưng, lom khom đi lùi lũi tới, mặt luôn tươi cười… Đáng nhớ nhất là họa sĩ Lê Chánh, buổi chiều đến quán gọi mấy chai bia ngồi uống một mình, mặt đỏ hồng.
Hàng cây dầu cổ thụ trên đường Cao Thắng.
Ngoài phố xá, cuộc sống dần hồi sinh sau thời bao cấp, không khí làm ăn chộn rộn, nhiều người trong giới giảng viên đại học nắm bắt nhu cầu xã hội đang nở rộ chuyện học hành, tham gia làm sách dạy tiếng Anh, sách tham khảo, ăn nên làm ra, có người đi dạy bằng xe hơi. Quán xá mở ra tưng bừng, tạp chí bán chạy, quảng cáo trên báo phát triển rầm rộ, nhiều tập thơ được in ra để tặng nhau… Những năm 1990 tưng bừng vui vẻ hiển hiện trên con đường này.
Không thể không kể đến thế giới ăn uống ở đường Cao Thắng và khu vực chung quanh. Nổi tiếng nhất là bánh mì Hòa Mã của nhà thơ người Bắc di cư Lê Minh Ngọc. Thời đó, nhạc hải ngoại đã được nghe dễ dàng qua band cassette và video. Tôi nghe Tuấn Ngọc hát bài Tâm sự gởi về đâu do nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Lê Minh Ngọc với những câu đầy tâm sự của người sầu xứ: “Ngoài ấy tuổi xuân lạnh/ Rét căm lòng cỏ hoa/ Em nhìn mây không cánh/ Bay về phương trời xa...”, đầy cảm xúc nên không khỏi nhiều lần vào quán của ông ăn bánh mì ốp la thịt nguội với mong muốn gặp nhà thơ nhưng không khi nào thấy ông xuất hiện.
Bù lại, gần chỗ tôi làm cũng có một quán bánh mì ốp la pa tê nằm trong con hẻm với mấy bộ bàn ghế đặt dọc vách tường mà chủ quán cũng là một… nhà thơ. Tôi và bạn bè ăn ở đó, hoặc có khi sang phía bên kia đường ăn mì hoành thánh của đôi vợ chồng người Hoa. Ông chồng chủ quán mì chuyên bận áo thun màu cháo lòng nhưng nấu mì hoành thánh khá ngon, nước lèo đậm đà.
Tiệm bánh mì Hòa Mã hơn nửa thế kỷ tại địa chỉ 53 Cao Thắng.
Nếu muốn ăn ngon hơn, đi xuống phía ngã ba Cao Thắng, vào Võ Văn Tần ăn bánh xèo, hủ tíu Hồng Phát, quán cháo vịt trong một con hẻm. Riêng tôi trung thành với quán cơm tấm của một bác gái miền Nam có mấy cô con gái vui vẻ hiền hòa. Bác pha nước mắm thật ngon, đồ chua nhẹ nhàng, thịt ướp chiên xắt nhỏ vừa ăn, bì thịt... Tôi ăn gần như mòn răng suốt 16 năm ở đó cho đến khi chuyển sang cơ quan khác.
Quá nhiều kỷ niệm về con đường này trong ký ức để bồi hồi khi nhớ lại. Mười năm trước, không có ngày đưa Ông Táo về trời nào mà tôi không có mặt ở miếu Thành Hoàng Bổn Cảnh, có người gọi là “miếu cô hồn”, trong con hẻm đầu đường Cao Thắng đi sâu hút vào trong, mang địa chỉ đường Điện Biên Phủ. Ở đó, ngày 23 tháng Chạp, các bác giỏi chữ Hán sẽ cho chữ miễn phí. Đó là những buổi sáng cuối năm ấm áp, nhẹ nhàng, người có mặt trong miếu như quay về không khí xa xưa của một thời nào đó trong khói hương trầm nghi ngút và giữa những người yêu mến phong tục cổ xưa.
Sau khi thắp nén nhang, tôi về cùng đôi liễn đối trong tay, cùng nhà nghiên cứu Lý Lược Tam vào một quán nào đó ăn bữa cơm trước khi chú về An Giang ăn Tết. Chú Lý Lược Tam cho biết miếu này thực chất để thờ gần 2.000 người bị xử tử trong thành Phiên An xưa, sau vụ loạn Lê Văn Khôi thời vua Minh Mạng.
Miếu Thành Hoàng Bổn Cảnh trong con hẻm sâu thông ra đường Cao Thắng. Miếu thờ gần 2.000 người bị xử tử sau loạn Lê Văn Khôi thời Minh Mạng.
Bây giờ hầu như không còn mấy quán xá quen thuộc của thời tươi vui đó. Những sạp báo tôi thường ghé cũng vậy. Nhà thơ Lê Minh Ngọc đã về trời. Chú Lý Lược Tam và một số văn nghệ sĩ tôi từng gặp trên con đường Cao Thắng không còn nữa. Thỉnh thoảng tôi đi về phía Chợ Lớn, ngang qua ngã ba Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai và thấy bóng dáng tuổi trẻ của mình ở những năm tám mươi, chín mươi khi một cơn gió thổi qua thả những bông hoa dầu rơi xuống phố xá. Hoặc trong dáng hình vài cây bã đậu, cây đề lâm vồ mà tôi từng nhiều lần đi qua vẫn còn đến bây giờ.
Mới đó đã hơn bốn mươi năm gieo xuống mái đầu...
Bài: Phạm Công Luận - Ảnh: Trung Dũng