Đường dành cho xe đạp và người đi bộ 'ế ẩm'

Đường dành cho xe đạp và người đi bộ 'ế ẩm'
6 giờ trướcBài gốc
Tuyến đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ ven sông Tô Lịch từng được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn về giao thông xanh, thân thiện với môi trường tại thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, sau hơn một năm đưa vào sử dụng thí điểm, tuyến đường này vẫn rơi vào tình trạng vắng bóng người, dù được đầu tư hạ tầng bài bản, lại nằm ở khu vực mật độ dân cư và giao thông đông đúc.
Tuyến đường ven sông Tô Lịch dài 2,3 km với làn xe đạp rộng 3 m được tổ chức giao thông hai chiều và làn đi bộ rộng 1 m có vị trí địa lý rất thuận lợi khi chạy song song sát đường Láng - một trong những tuyến giao thông thường xuyên ùn tắc ở Hà Nội. Hai bên đường là các khu dân cư đông đúc, lẽ ra phải là nơi lý tưởng để người dân đi bộ, đạp xe tập thể dục hoặc di chuyển. Tuy nhiên, vào các khung giờ cao điểm sáng sớm hay chiều tối - những thời điểm người dân thường tập thể dục đông đúc nhất, tuyến đường này vẫn vắng vẻ.
Điều này càng trở nên đáng tiếc khi tuyến đường được đầu tư lên tới gần 65 tỉ đồng. Ban đầu, đây là tuyến đường đi bộ, nhưng do tình trạng xe máy thường xuyên đi lấn vào nên TP Hà Nội đã phải lắp rào chắn hai đầu để hạn chế phương tiện. Trong đợt thí điểm giao thông xanh đầu năm 2024, tuyến đường này được cải tạo, kết nối thêm 6 trạm xe đạp công cộng với tổng số 100 chiếc phục vụ người dân miễn phí.
Có nhiều nguyên nhân khiến tuyến đường ven sông Tô Lịch "ế ẩm", trong đó nổi bật là vấn đề môi trường. Dù đã được cải thiện nhiều năm qua song sông Tô Lịch vẫn ô nhiễm nặng nề. Mùi hôi từ dòng nước đen đặc trưng vẫn là thứ rào cản vô hình khiến nhiều người ngần ngại khi đi bộ hoặc đạp xe ven sông, nhất là với hoạt động rèn luyện sức khỏe vốn cần không khí trong lành.
Bên cạnh đó, hạ tầng kết nối tuyến đường này với mạng lưới giao thông công cộng cũng chưa thực sự thuận tiện. Dù đã có các nút giao với nhiều trục đường lớn như Nguyễn Chí Thanh, Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương… nhưng nếu không có phương tiện cá nhân, người dân vẫn khó tiếp cận hoặc phải đi bộ khá xa để đến được tuyến đường ven sông Tô Lịch. Điều này làm giảm tính khả thi trong việc sử dụng tuyến đường như một phần của hành trình đi lại hằng ngày.
Để đường dành cho xe đạp, người đi bộ "đắt khách", cần phải có những giải pháp đồng bộ và lâu dài. Trước hết, cần cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch, xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm để tạo không gian xanh, sạch, hấp dẫn. Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối với hệ thống xe buýt, tàu điện… để người dân dễ dàng tiếp cận tuyến đường mà không phải dùng phương tiện cá nhân. Khi ấy, tuyến đường ven sông Tô Lịch mới thực sự phát huy được vai trò là không gian giao thông xanh, đúng như kỳ vọng ban đầu của chính quyền và người dân.
Phạm Dương
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/duong-danh-cho-xe-dap-va-nguoi-di-bo-e-am-196250424205119757.htm