Từ minh chứng thành công của đường dây 500 kV mạch 3
Thảo luận ở hội trường Quốc hội sáng 5/11 về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, đại biểu Tạ Văn Hạ - đoàn Quảng Nam - đã góp ý về lĩnh vực đầu tư công.
Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Theo đại biểu, trong năm vừa qua, cử tri và nhân dân đánh giá rất cao về hiệu quả, kết quả điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt vấn đề về kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định.
Mặc dù lương tăng cao nhưng CPI của chúng ta dưới 4%, tỷ lệ này theo đúng với chỉ tiêu Quốc hội đã thông qua. Đặc biệt, chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cũng được điều hành rất linh hoạt và hiệu quả, việc này cử tri đánh giá rất cao.
Bên cạnh đó, đầu tư công cũng được ghi nhận với quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là đường cao tốc Bắc - Nam đã được hoàn thành nhanh và sớm đưa vào sử dụng những đoạn đường. "Chưa bao giờ tôi đi từ Hà Nội vào Quảng Nam bằng ô tô mà có thể ăn sáng ở tại thị xã Hồng Lĩnh" - đại biểu phấn khởi.
Đại biểu dẫn thêm ví dụ, các đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối có thời gian hoàn thành rất sớm và đạt hiệu quả rất cao, rút ngắn được thời gian và sớm đưa vào khai thác, sử dụng có hiệu quả, chống lãng phí rất lớn. "Việc này từ trước đến nay chưa làm được, có những đoạn đường làm đến mấy nhiệm kỳ cũng không xong nên tôi đánh giá rất cao vấn đề này" - đại biểu nói.
Tuy nhiên, về đầu tư công, ngoài kết quả đạt được, đại biểu cho rằng, vẫn còn có những vấn đề hạn chế, đặc biệt trong đó là giải ngân vẫn còn chậm, thậm chí có những vấn đề hơi ngược. Đúng ra càng về giai đoạn cuối kết thúc của kế hoạch đầu tư công, lượng giải ngân càng nhanh, bởi vì đầu nhiệm kỳ còn công tác chuẩn bị đầu tư..., nhưng năm nay lại có chiều hướng chững xuống.
Phân tích cụ thể, đại biểu Tạ Văn Hạ cho hay, một trong những tác nguyên nhân là về nguyên vật liệu rất khó khăn, đang đội giá lên nên nhà thầu không triển khai được. Ví dụ, nguyên liệu cát, đất để san lấp như đấu giá một mỏ cát giá khởi điểm là 1,8 tỷ đồng, nhưng qua 200 vòng đấu giá từ sáng hôm nay đến sáng hôm sau đã lên đến 375 tỷ đồng, có nghĩa là gấp hơn 200 lần. "Giá đất bình thường là 55.000 đồng/m3 mà hiện nay lên đến hơn 200.000 đồng/m3, giá cát quy định của nhà nước là 120.000 đồng/m3, bây giờ nếu đấu giá là lên đến 2.300.000 đồng/m3, như vậy làm sao các nhà thầu có thể làm được cho nên ách tắc hết tất cả" - đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh.
Ông Hạ nhận định, trong luật có kẽ hở. Luật Đấu thầu quy định, khi tham gia đấu thầu chỉ phải nộp hay đặt cọc 20% giá trị của gói thầu, nhưng Nghị định 126 lại quy định thời gian chậm nhất để hoàn thành nghĩa vụ 100% của người trúng thầu 90 ngày là quá dài, cho nên mới có việc lợi dụng đấu giá rồi bỏ cọc, sau đó bán tăng giá phần trục lợi, phần mỏ hiện đang khai thác. Đấu giá đất cũng có bài học từ bất cập trong Luật Đấu thầu cũng như quy định của chúng ta về đặt cọc và đấu thầu như thế này nên cần phải sửa.
Một bất cập nữa đó là cát tại chỗ. Đối với những dự án nhỏ, cát tại chỗ ở một huyện miền núi đương nhiên không thiếu nhưng vì không được cấp phép cho nên không khai thác được, chính vì vậy phải đi sang các huyện khác, các nơi khác để mua cát, mua nguyên vật liệu nên đội giá lại tăng lên và đó là một bất cập cần phải gỡ ngay, gỡ sớm chúng ta mới hoàn thành được kế hoạch và đến năm 2025, chúng ta mới hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Nguyên nhân sâu xa là do công tác chuẩn bị xây dựng kế hoạch, chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn của chúng ta chưa tốt cho nên công tác chuẩn bị đầu tư các dự án còn kém dẫn đến chậm tiến độ, gây khó khăn rất nhiều.
Sang năm 2025, ngoài việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2025 còn công tác chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030. Do đó, đại biểu kiến nghị với Chính phủ cần phải sớm triển khai công tác chuẩn bị cho kế hoạch đầu tư công cho giai đoạn tới.
Đến nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công
Tại phiên họp, đại biểu Triệu Quang Huy - đoàn Lạng Sơn - cho biết, theo Báo cáo số 652 của Chính phủ về tình hình kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm 2024 của cả nước ước đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 là 51,38%.
Đại biểu Triệu Quang Huy - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn
Đại biểu thống nhất nhiều nội dung đánh giá về kết quả đạt được cũng như tồn tại, hạn chế, nguyên nhân khách quan, chủ quan trong triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 đã được nêu trong Báo cáo số 652 của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách.
Góp ý về nội dung công tác chuẩn bị đầu tư dự án, đại biểu cho rằng, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (chiều ngày 1/1/2021), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về thực trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, theo đó có nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó, có đánh giá công tác chuẩn bị dự án rất kém, chất lượng không cao, mang tính hình thức, sau khi được chấp thuận chủ trương mới bắt đầu thực hiện thực tế dẫn đến lãng phí thời gian.
Theo Báo cáo số 652 của Chính phủ, công tác chuẩn bị đầu tư vẫn còn là khâu yếu, dẫn đến tình trạng vốn chờ dự án hoàn thiện thủ tục đầu tư, kéo dài thời gian giao vốn và ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện giải ngân cũng như hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.
Nguyên nhân chủ yếu do vai trò của người đứng đầu tại một số cơ quan và địa phương chưa phát huy được đầy đủ năng lực tập trung; kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn hạn chế; một số quy định pháp luật còn chưa đồng bộ, thống nhất, khả thi, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; một số bất cập trong cơ chế, chính sách đã được phát hiện nhưng vẫn còn chậm được sửa đổi, bổ sung thuộc các lĩnh vực ngân sách nhà nước, công sản, xây dựng, đầu tư công, đấu thầu.
Qua rà soát những quy định pháp luật chưa rõ ràng hoặc chưa tương thích, Chính phủ đã nhận diện vấn đề và đã đề cập trong báo cáo trình Quốc hội và tại Kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội sẽ thảo luận và quyết định sửa đổi một số luật liên quan.
Theo chương trình sẽ có Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo đối tác công tư, Luật Đấu thầu để tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm nói chung, trong đó có công tác chuẩn bị đầu tư nói riêng.
Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo một số nội dung sau:
Thứ nhất, danh mục dự án khi đưa vào kế hoạch vốn cần phải làm rõ sự phù hợp của dự án đối với các quy hoạch ảnh hưởng đến việc triển khai dự án, giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến thực hiện dự án đó.
Thứ hai, người phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án phải chịu trách nhiệm đối với dự án đầu tư xây dựng mà mình đã phê duyệt.
Thứ ba, nghiên cứu, bố trí kinh phí và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương quản lý, sử dụng kinh phí trong công tác chuẩn bị đầu tư theo các quy định của pháp luật về đầu tư ngân sách để đảm bảo triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư của năm tiếp theo, chúng ta có thể chủ động triển khai ngay từ đầu năm.
"Việc nâng cao chất lượng công tác đầu tư, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, quyết định đầu tư dự án sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công trong thời gian tới" - đại biểu nhấn mạnh.
Quỳnh Nga