Chiều 21.2, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì cuộc họp về tiến độ thực hiện dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên.
Theo dự thảo Quy hoạch Điện 8 (điều chỉnh), dự kiến từ nay đến năm 2030 Việt Nam cần đạt công suất toàn hệ thống khoảng 230.000MW, gấp 3 lần tổng công suất hiện tại, nhằm đạt được những mục tiêu đã đề ra về tăng trưởng kinh tế. Do vậy, việc phát triển nguồn điện để đáp ứng nhu cầu trong nước và mục tiêu xuất khẩu điện trong tương lai đòi hỏi việc đầu tư hệ thống truyền tải, nhất là truyền tải liên miền để giải tỏa công suất là hết sức cấp thiết.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp về tiến độ thực hiện dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên
Dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên sẽ là một trong những công trình trọng điểm vừa đáp ứng việc giải tỏa công suất của các dự án điện khu vực Tây Bắc ở thời điểm hiện tại và tương lai, vừa sẵn sàng cho việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc khi Việt Nam có nhu cầu. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu trong tháng 2.2025, chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải triển khai khởi công dự án.
Bộ trưởng Diên nhấn mạnh: "Để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án trước ngày 30.8.2025, chủ đầu tư và các bộ ngành, địa phương có liên quan phải triển khai các hoạt động một cách quyết liệt".
Báo cáo về tình hình triển khai Dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên, Chủ tịch HĐQT EVN Đặng Hoàng An cho biết dự án được EVN giao Ban Quản lý dự án điện 1 (EVNPMB1) thực hiện quản lý, có tổng mức đầu tư khoảng 7.411 tỉ đồng, điểm đầu là Trạm biến áp 500kV Lào Cai, điểm cuối là Trạm biến áp 500kV Vĩnh Yên, với chiều dài khoảng 229,5km đi qua địa phận 4 tỉnh gồm 12 huyện (Lào Cai: 2 huyện; Yên Bái: 2 huyện; Phú Thọ: 3 huyện; Vĩnh Phúc: 5 huyện), tổng cộng có 468 vị trí móng cột điện (Lào Cai: 100 vị trí; Yên Bái: 173 vị trí; Phú Thọ: 94 vị trí; Vĩnh Phúc: 101 vị trí), tổng diện tích chiếm đất bởi chân móng cột điện là 63,03ha, ảnh hưởng đến 2.189 hộ dân, trong đó có 248 hộ phải tái định cư.
Hiện nay, EVN đã phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thẩu tổng thể của dự án và hoàn thành lập, thẩm tra, phê duyệt và phát hành hồ sơ mời thầu tất cả các gói thầu PC (cung cấp cột thép và xây lắp), cung cấp vật tư thiết bị (dây dẫn, cáp quang, cách điện, phụ điện…); phối hợp với 4 địa phương có dự án đường dây đi qua tích cực triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao các vị trí móng cột, hành lang tuyến...
Chủ tịch EVN cũng khẳng định đây là dự án quan trọng, cấp bách, thời gian triển khai rất gấp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Để đảm bảo hoàn thành thắng lợi dự án đòi hỏi phải có sự quyết tâm về ý chí chính trị, sự đồng hành của các cấp chính quyền, sự ủng hộ của người dân.
Theo đó, chủ đầu tư EVN đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất với các bộ ngành quyết liệt chỉ đạo các hoạt động hỗ trợ chủ đầu tư trong quá trình thi công dự án. Các địa phương hoàn thành sớm việc phê duyệt giá đất để chủ đầu tư làm cơ sở cho việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng; hỗ trợ người dân trong việc tái định cư, chi trả tiền cho người dân và vận động người dân bàn giao mặt bằng.
Tuy nhiên, trong công tác phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư mới chỉ có tỉnh Lào Cai hoàn thành 100%, các tỉnh còn lại đạt tỷ lệ rất thấp. Đối với việc chi trả tiền bồi thường, ghi nhận tỉnh Lào Cai đạt 98%, các tỉnh còn lại chưa thực hiện. Trên toàn tuyến chưa bàn giao vị trí móng cột nào. Việc này có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ cũng như chất lượng của công trình.
Trước những khó khăn trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, thứ nhất là huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc để chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng để hỗ trợ chủ đầu tư trong công tác triển khai dự án. Phát huy tinh thần của cấp ủy chính quyền hai địa phương Lào Cai, Vĩnh Phúc đã có sự chỉ đạo rất quyết liệt. Các địa phương khác đã có cách làm sáng tạo song cần quyết liệt hơn nữa. Cùng với đó, cần tăng cường công tác truyền thông, vận động người dân trong khu vực dự án đồng thuận, ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thi công công trình, đồng thời ủng hộ, giúp đỡ trong việc bảo vệ dự án khi đi vào hoạt động.
Thứ hai, khẩn trương xem xét việc triển khai song song tất cả các công việc có liên quan để tiến độ lập, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chi trả tiền cho người dân và vận động nhân dân bàn giao mặt bằng, phấn đấu bàn giao mặt bằng các vị trí móng cột trong tháng 2.2025 (trước ngày 28.2). Triển khai đồng loạt thi công hành lang tuyến với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc và quyết liệt.
Thứ ba, đề nghị các địa phương chỉ đạo các chủ rừng khẩn trương lập phương án khai thác tận dụng, tận thu lâm sản để trình cấp thẩm quyền phê duyệt trong tháng 2.2025 và làm các thủ tục liên quan thanh lý, đấu giá tài sản (nếu có), lưu ý thủ tục thanh lý, đấu giá tài sản phải được phê duyệt trước ngày 15.3.2025.
Thứ tư, đề nghị UBND các tỉnh Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc chỉ đạo UBND các huyện có văn bản chấp thuận vị trí bãi đổ thải trước ngày 10.3.2025 (huyện Lục Yên - Yên Bái; huyện Đoan Hùng và Thanh Ba - Phú Thọ; huyện Tam Đảo, Lập Thạch - Vĩnh Phúc). Bộ trưởng cũng hoan nghênh tỉnh Vĩnh Phúc đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng trước ngày 25.2.2025.
Đối với EVN, Bộ trưởng Diên yêu cầu tiếp tục phối hợp với các địa phương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tổ chức chi trả tiền cho người dân, tiếp tục tuyên truyền và vận động người dân bàn giao mặt bằng. Đồng thời cần triển khai thỏa thuận sớm với các địa phương những nội dung liên quan đến việc đo đạc vị trí cột, xác định bàn giao hành lang tuyến, đường công vụ, ranh giới, vị trí đổ thải... để đảm bảo khởi công dự án trong tháng 2.2025 và hoàn thành dự án trước ngày 30.8.2025, vì đây là công trình chào mừng ngày Quốc khánh (2.9).
Bộ trưởng chỉ đạo EVN khẩn trương hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu để triển khai thi công ngay khi có mặt bằng và đủ điều kiện thi công; phối hợp với các địa phương trong việc tuyên truyền, vận động người dân ủng hộ để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, sau đó là bảo vệ công trình, khai thác công trình hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần chuẩn bị sẵn các điều kiện thiết bị, vật tư, phương tiện và nhân lực, kinh phí giải phóng mặt bằng, phát huy tinh thần triển khai dự án đường dây 500kV Quảng Trạch - Phố Nối với phương châm 4 tại chỗ "chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ" để gắn kết giữa nhà đầu tư, nhà thầu với các địa phương, gắn kết quyền lợi và trách nhiệm cố gắng hoàn thành đúng tiến độ mục tiêu đã đề ra. Yêu cầu EVN lên đường găng tiến độ thi công, làm cơ sở cho triển khai tổ chức thực hiện, và cũng là cơ sở để kiểm tra giám sát, đôn đốc thi công.
Người đứng đầu ngành công thương cho biết tất cả kiến nghị của các địa phương liên quan đến trách nhiệm các bộ ngành, thẩm quyền của Chính phủ, Quốc hội đều được Bộ Công Thương tập hợp và báo cáo cấp có thẩm quyền để xem xét quyết định. Đồng thời, bộ giao EVN tổng hợp và đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành, kiến nghị cấp có thẩm quyền để có chủ trương, cơ chế thực hiện theo tình thần "vướng ở đâu, gỡ ở đó".
Tuyết Nhung