Ngày 1/4, TAND TP Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử đối với các bị cáo Lin Chao Yang (SN 1971, Quốc tịch Trung Quốc), Phạm Thị Quỳnh Hoa (SN 1982), Trần Thị Ngọc Bích (SN 1986, cùng trú quận Lê Chân, TP Hải Phòng), Bạch Thị Thanh (SN 1995, trú TX Hoàng Mai, Nghệ An) về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức”.
Theo cáo trạng, năm 2017, xuất phát từ mối quan hệ quen biết từ trước Lin Chao Yang và Wu Jin Biao (Quốc tịch Trung Quốc) cùng hợp tác đầu tư vào chuỗi 5 PKĐK mở tại các tỉnh, thành trong cả nước. Gồm PKĐK Hữu Nghị (TP Đà Nẵng); PKĐK Hồng Phát (TP Hải Phòng); PKĐK Trường Hải (tỉnh Hải Dương); PKĐK Lê (Nghệ An) và PKĐK Thái Dương (Đồng Nai).
Mỗi phòng khám, Lin Chao Yang và Wu Jin Biao góp số vốn từ 30 – 70% tổng chi phí đầu tư. Các đối tượng góp vốn chui và không đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam. 5 PKĐK nói trên đều đăng ký kinh doanh và do người Việt Nam làm đại diện pháp luật nhưng những người này chỉ đứng tên trên danh nghĩa, không được can thiệp vào việc kinh doanh của các phòng khám. Còn lại mọi quyết định về nhân sự, kinh doanh của PKĐK đều đều do Lin Chao Yang chỉ đạo.
Nhóm bị cáo Lin Chao Yang (Quốc tịch Trung Quốc), Phạm Thị Quỳnh Hoa; Trần Thị Ngọc Bích; Bạch Thị Thanh tại phiên xét xử.
Trong hoạt động của chuỗi PKĐK, Lin Chao Yang có vai trò phụ trách chung, trực tiếp điều hành PKĐK Hồng Phát và thường xuyên có mặt tại đây. Wu Jin Biao trực tiếp điều hành PKĐK Hữu Nghị và PKĐK Lê Lợi.
Phạm Thị Quỳnh Hoa là trợ lý của Lin Chao Yang, có vai trò chỉ đạo các nhân viên hành chính- nhân sự tại các phòng khám. Trần Thị Ngọc Bích là nhân viên hành chính - nhân sự tại PKĐK Hồng Phát. Bích có trách nhiệm xin cấp đăng ký hành nghề cho các bác sĩ Trung Quốc tại PKĐK Hồng Phát; đồng thời, theo chỉ đạo của Phạm Thị Quỳnh Hoa, Bích có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ cho Bạch Thị Thanh các giấy tờ thủ tục xin cấp đăng ký hành nghề cho các bác sĩ Trung Quốc tại PKĐK Hữu Nghị.
Bạch Thị Thanh là nhân viên hành chính, nhân sự tại PKĐK Hữu Nghị. Thanh có trách nhiệm xin cấp đăng ký hành nghề cho các bác sĩ Trung Quốc tại PKĐK Hữu Nghị. Đồng thời Thanh còn phụ trách công tác tuyển dụng nhân sự tại PKĐK Hữu Nghị.
Theo quy định của Luật khám chữa bệnh năm 2009, bác sĩ nước ngoài phải đáp ứng điều kiện về ngôn ngữ thì mới đủ điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam. Bác sĩ nước ngoài trực tiếp khám bệnh, chữa bệnh cho người Việt Nam phải biết tiếng Việt thành thạo; trường hợp không biết tiếng Việt thành thạo thì phải đăng ký ngôn ngữ sử dụng và có người phiên dịch.
Căn cứ vào Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Khi bác sĩ nước ngoài đăng ký sử dụng tiếng Trung để khám bệnh, chữa bệnh thì hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề của người này phải có bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch tiếng Trung của người phiên dịch…
Sau khi thành lập các doanh nghiệp và đăng ký hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực khám chữa bệnh, Lin Chao Yang và Wu Jin Biao trực tiếp tuyển dụng nhân sự là các bác sĩ người Trung Quốc và các phiên dịch viên người Việt Nam. Tại thời điểm tuyển dụng ban đầu, Lin Chao Yang và Wu Jin Biao biết rõ nhiều bác sĩ người Trung Quốc chưa có chứng chỉ hành nghề và chưa được cấp đăng ký hành nghề.
Đối với các phiên dịch viên người Việt Nam, chỉ cần biết tiếng Trung (không bao gồm thêm điều kiện nào khác) là có thể tham gia ứng tuyển làm việc tại chuỗi phòng khám.
Lin Chao Yang và Wu Jin Biao đều biết rõ những người này không có Giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch tiếng Trung trong khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, xuất phát từ động cơ vụ lợi, muốn nhanh chóng vận hành chuỗi phòng khám nên khoảng tháng 6/2018, Wu Jin Biao đã đề xuất với Lin Chao Yang việc đặt làm giả các Giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch tiếng Trung trong khám bệnh, chữa bệnh cho các phiên dịch viên người Việt Nam.
Sau đó, Lin Chao Yang đồng ý với Wu Jin Biao về việc đặt làm các Giấy chứng nhận này. Các phiên dịch viên đã được tuyển dụng chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân và ảnh thẻ, còn lại Wu Jin Biao sẽ trực tiếp liên hệ với một người Việt Nam tên gọi là “Lập" (trong tiếng Trung Quốc là “Ali” – chưa rõ nhân thân, lai lịch) để đặt làm giả.
Theo đó, trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2019, Ling Chao Yang và Wu Jin Biao đã thống nhất đặt làm giả 16 giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch tiếng Trung trong khám chữa bệnh của các cá nhân làm việc tại PKĐK Hữu Nghị và Hồng Phát và chỉ đạo nhân viên Phạm Thị Quỳnh Hoa, Trần Thị Ngọc Bích và Bạch Thị Thanh sử dụng các giấy này để nộp vào cơ quan có thẩm quyền nhằm hoàn tất thủ tục đăng ký khám chữa bệnh cho các bác sĩ người Trung Quốc.
Trong chuỗi 5 PKĐK có bác sĩ Trung Quốc "khám chui" do Lin Chao Yang và Wu Jin Biao (Quốc tịch Trung Quốc) hợp tác đầu tư có PKĐK Hữu Nghị (TP Đà Nẵng).
Mặc dù biết rõ các giấy chứng nhận đủ trình độ phiên dịch tiếng Trung trong khám chữa bệnh của các cá nhân làm việc tại phòng khám đa khoa Hữu Nghị và Hồng Phát được đặt làm giả nhưng dưới sự chỉ đạo của Ling Chao Yang và Wu Jin Biao, Phạm Thị Quỳnh Hoa, Trần Thị Ngọc Bích và Bạch Thị Thanh đã nhiều lần sử dụng các giấy này gửi đến Cục quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế, Sở Y tế TP Hải Phòng, Sở Y tế TP Đà Nẵng để đăng ký và hoàn tất các thủ tục cho các bác sĩ người Trung Quốc được khám chữa bệnh tại PKĐK Hữu Nghị tại Đà Nẵng và PKĐK Hồng Phát tại Hải Phòng.
Trong vụ án này Wu Jin Biao đã rời khỏi Việt Nam và Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã.
Tại tòa, Lin Chao Yang quanh co chối tội. Các bị cáo Phạm Thị Quỳnh Hoa, Trần Thị Ngọc Bích và Bạch Thị Thanh thành khẩn khai báo, hối hận với hành vi của mình.
Với những hành vi, sai phạm của các bị cáo, Hội đồng xét xử TAND TP Đà Nẵng đã tuyên phạt Lin Chao Yang mức án 3 năm tù; Phạm Thị Quỳnh Hoa mức án 2 năm 6 tháng tù; Trần Thị Ngọc Bích 1 năm 6 tháng tù; riêng bị cáo Bạch Thị Thanh mức án 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức”.
Hoài Thu