Đường dây sữa giả: Thêm bệnh viện cho sản phẩm trúng thầu

Đường dây sữa giả: Thêm bệnh viện cho sản phẩm trúng thầu
một ngày trướcBài gốc
Chị N.O., một bà mẹ ở Bắc Kạn, vẫn chưa hết bàng hoàng khi phát hiện con mình suốt thời gian qua đang sử dụng một loại sữa nằm trong danh sách 573 nhãn hiệu sữa giả do cơ quan chức năng công bố.
"Xót đến quặn lòng, tôi không ngờ lại nuôi con bằng sữa giả"
"Ngay từ khi mang thai, tôi đã rất cẩn trọng chuẩn bị mọi thứ cho con. Trước ngày sinh, tôi đã mua sẵn sữa cho con nhưng khi ở phòng bệnh sau sinh, một nhân viên y tế khẳng định: 'Không được dùng sữa mang theo, phải dùng sữa do bệnh viện chỉ định'. Vì tin tưởng vào hệ thống y tế, tôi làm theo", chị O. kể lại.
Con chị O. sinh non, sức khỏe yếu nên cả gia đình càng đặt niềm tin tuyệt đối vào nguồn sữa mua tại nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn, nơi chị nghĩ là an toàn nhất, không thể có chuyện "trôi nổi" hay kém chất lượng.
"Tôi đã mua tới 4 hộp sữa 400 g và 8 hộp loại 900 g cho con dùng. Nhưng rồi tôi chết lặng khi thấy tên loại sữa Hapomil bé đang dùng nằm trong danh sách sản phẩm sữa giả, liên quan đến Công ty Cổ phần Dược phẩm quốc tế Rance Pharma. Điều đau lòng là bé nhà tôi đã quen dùng loại này, đổi sang sữa khác thì không chịu ăn", bà mẹ này chia sẻ.
Sản phẩm sữa và hóa đơn chị O. đã mua tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: NVCC.
Khi biết sự thật, chị lập tức báo với bệnh viện. Thế nhưng, hiện tại, chị vẫn chưa nhận được bất kỳ phản hồi nào.
"Nếu không phải do sự giám sát lỏng lẻo, làm sao sữa giả có thể đường hoàng bán ngay tại nơi mà ai cũng tin tưởng là an toàn? Tôi cần một lời giải thích rõ ràng và minh bạch từ bệnh viện. Và hơn cả, tôi cần một sự chịu trách nhiệm đối với những em bé như con tôi", chị O. bức xúc nói.
Sản phẩm vào sử dụng được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu
Trước thông tin liên quan đến việc một số sản phẩm sữa dành cho trẻ sơ sinh bị xác định là hàng giả, ngày 18/4, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn cho biết đã khẩn trương rà soát toàn bộ các sản phẩm sữa đang được sử dụng trong bệnh viện.
Liên quan sản phẩm sữa Hapomil được bán tại nhà thuốc bệnh viện, bệnh viện xác nhận đây là mặt hàng do Công ty Cổ phần Dinh dưỡng quốc tế Happy World cung ứng. Việc đưa sản phẩm vào sử dụng được thực hiện thông qua hình thức đấu thầu, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật hiện hành.
Đáng chú ý, bệnh viện này khẳng định không có bất kỳ hợp đồng trực tiếp nào với Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma - một trong những đơn vị đang bị điều tra trong vụ việc liên quan đến đường dây sữa giả.
Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Dinh dưỡng quốc tế Happy World hiện không có tên trong danh sách các đơn vị bị công bố có liên quan đường dây sản xuất sữa giả.
Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi và sự an toàn cho người bệnh, từ ngày 12/4, bệnh viện đã chủ động ngừng toàn bộ hoạt động tư vấn và sử dụng sản phẩm sữa Hapomil tại tất cả khoa điều trị, đồng thời thu hồi toàn bộ số sữa còn lại để trả về nhà cung cấp.
Đại diện bệnh viện nhấn mạnh hiện chưa có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng về việc sản phẩm sữa Hapomil có phải là hàng giả hay không. Trong trường hợp sản phẩm bị kết luận là hàng giả, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn cùng với người sử dụng loại sữa trên đều là bên bị hại. Bệnh viện cam kết sẽ đồng hành cùng người bệnh để đòi lại quyền lợi chính đáng.
Theo lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hiện nay đa phần việc quản lý thực phẩm đã phân cấp về địa phương và giao địa phương quản lý. Thực tế, quy định hiện hành giao Bộ Y tế quản lý nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, phụ gia thực phẩm..
Do phân cấp quản lý về địa phương, Cục An toàn thực phẩm ngày 14/4 có công văn yêu cầu các địa phương rà soát, cung cấp thông tin liên quan đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh sữa giả.
Phương Anh
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/duong-day-sua-gia-them-benh-vien-cho-san-pham-trung-thau-post1546892.html