Đường dây trộm iPhone chỉ mất 10 giây tại Mỹ

Đường dây trộm iPhone chỉ mất 10 giây tại Mỹ
2 ngày trướcBài gốc
Vào buổi chiều lạnh giá tháng 12/2024, một người đàn ông kéo chiếc vali đen vào cửa hàng sửa điện thoại ở Brooklyn và đưa chiếc túi cho nhân viên đứng sau quầy. Khoảng 40 phút sau, một người đàn ông khác bước vào, mang theo túi nhựa lớn, để lại rồi lập tức rời đi.
Cuối ngày hôm đó, người thứ ba bước vào cửa hàng nhỏ bé này, mang theo hai túi lớn và trao chúng cho cùng một nhân viên đã đứng quầy lúc người đàn ông đầu tiên bước vào.
Điểm đến là Wyckoff Wireless, một cửa hàng không mấy nổi bật ở New York City, ngoại trừ việc nó được các đặc vụ liên bang đang bí mật theo dõi hiện trường.
Theo đơn tố cáo, các nhà chức trách cho rằng cửa hàng điện thoại di động này là trung gian vận chuyển hàng nghìn chiếc iPhone bị đánh cắp.
Tháng 2, các nhà chức trách liên bang đã bắt giữ 13 người liên quan đến một đường dây tội phạm quốc tế, với mục tiêu nhắm vào các kiện hàng của FedEx trên toàn nước Mỹ.
Chỉ mất 10 giây để trộm iPhone
Trộm cắp bưu kiện không phải là điều mới mẻ, nhưng chúng ngày càng trở nên tinh vi hơn. Năm 2024, nạn ăn cắp iPhone tại Mỹ bất ngờ nở rộ với thủ đoạn "chớp nhoáng".
Cụ thể, kẻ trộm thường nhắm vào kiện FedEx gửi bởi nhà mạng AT&T. Thời gian diễn ra vụ trộm chỉ cách vài phút, thậm chí vài giây sau khi kiện hàng được giao trước cửa nhà.
Tên trộm lấy kiện hàng iPhone trước cửa nhà Jaqueline Rosales tại Georgia. Ảnh: WSJ.
Kịch bản trộm hàng khá giống nhau, khi nhân viên FedEx đặt kiện hàng iPhone của AT&T trước nhà. Sau đó, một kẻ lạ mặt tiếp cận (thường mặc áo giao hàng của Amazon), lấy gói hàng rồi lên xe tẩu thoát. Vụ trộm có thể diễn ra nhanh đến mức trong một số video, tài xế FedEx và tên trộm chạm mặt nhau.
Theo nhân viên điều tra, tên trộm biết trước mã vận đơn nên hành động rất nhanh. Yếu tố khác khiến gói hàng từ AT&T dễ bị ăn cắp bởi nhà mạng này không yêu cầu ký tên khi nhận hàng.
Nhờ khai thác Wyckoff Wireless, giới chức trách tiết lộ thực tế đường dây ăn cắp iPhone này đã khai thác công nghệ và sử dụng hối lộ theo kiểu truyền thống.
Theo đơn tố cáo hình sự được đệ trình tại New Jersey, nhóm tội phạm này đã tạo ra phần mềm để thu thập số mã vận đơn của FedEx và hối lộ nhân viên cửa hàng AT&T để có được thông tin chi tiết về đơn hàng cùng địa chỉ giao hàng.
Sau đó, nhóm này đã cử những tên trộm đến lấy các gói hàng và mang chúng trở lại địa điểm trung gian như Wyckoff Wireless.
Được biết, phần mềm này do Demetrio Reyes Martinez, hay còn được biết đến trên mạng với biệt danh "CookieNerd" tạo ra.
Các công tố viên cho biết người đàn ông 37 tuổi này đã viết mã để vượt qua các giới hạn của FedEx đối với yêu cầu dữ liệu giao hàng. Sau đó, hacker này bán dữ liệu qua Telegram, kèm theo hướng dẫn cách chạy chương trình.
Điều phối các "chân chạy"
Tiếp tục quá trình điều tra, nhà chức trách tiếp tục phát hiện Alejandro Then Castillo, một nhân viên cửa hàng AT&T ở Paterson, New Jersey đã sử dụng thông tin đăng nhập của mình để theo dõi hàng trăm lô hàng.
Những lô hàng được Castillo theo dõi sau đó đều bị đánh cắp trong quá trình vận chuyển. Theo đơn tố cáo, nhân viên này đã chụp ảnh tên, đính kèm địa chỉ và mã vẫn đơn của khách hàng rồi chia sẻ chúng với nhóm tội phạm.
Các công tố viên cho biết nhóm trộm cắp bưu kiện chuyên nghiệp đã hối lộ nhân viên AT&T để có được dữ liệu chi tiết. Ảnh: Bloomberg.
Một mắt xích quan trọng khác trong đường dây tội phạm này bao gồm những người điều phối, quản lý các "chân chạy". Đây là thuật ngữ chỉ tên trộm được cung cấp cho địa chỉ giao hàng và hướng dẫn để đánh cắp các gói hàng khi xe tải FedEx xuất hiện.
Theo hồ sơ, các "chân chạy" hoạt động trên khắp nước Mỹ, với mục tiêu là trộm các thiết bị bao gồm điện thoại Samsung, đồng hồ Apple và AirTag.
Chủ sở hữu cửa hàng Wyckoff Wireless, Joel Suriel, 31 tuổi, hay còn có biệt danh "La Melma", là một trong những cá nhân từng bị buộc tội âm mưu vận chuyển và nhận tài sản bị đánh cắp.
Cụ thể, năm 2018, Suriel đã nhận tội âm mưu lừa đảo qua đường dây trong một vụ án sử dụng danh tính khách hàng bị đánh cắp để mua điện thoại di động từ AT&T.
FedEx và AT&T cho biết họ đã hợp tác với cuộc điều tra, trong đó có sự tham gia của Bộ An ninh Nội địa (DHS, FBI, sở cảnh sát địa phương và văn phòng công tố ở Cộng hòa Dominica chuyên về tội phạm công nghệ cao.
“Với việc những kẻ xấu ngày càng trở nên tinh vi hơn, ngành vận chuyển đã chủ động hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật để giải quyết sự gia tăng của nạn trộm cắp bưu kiện”, phát ngôn viên của FedEx cho biết.
Cửa hàng điện thoại Wyckoff Wireless bị đóng cửa sau khi bị cáo buộc là trung gian vận chuyển iPhone ăn cắp. Ảnh: WSJ.
Khác với Verizon hay T-Mobile, AT&T thường không yêu cầu ký tên khi nhận hàng smartphone. Đây có thể là lỗ hổng khiến đối tượng phạm tội đặc biệt nhắm vào nhà mạng này.
"Chúng tôi thỉnh thoảng đối phó những tên tội phạm tinh vi, muốn đánh cắp hàng giá trị cao. Chúng tôi hiểu điều đó có thể gây khó chịu và căng thẳng cho khách hàng.
Khi sự cố đáng tiếc xảy ra, chúng tôi sẽ làm việc nhanh nhất có thể với khách hàng để giải quyết vấn đề", phát ngôn viên AT&T cho biết.
Đại diện nhà mạng nói rằng muốn quy trình giao hàng diễn ra dễ dàng nhất, và chỉ yêu cầu khách hàng ký tên tại những nơi có tỷ lệ trộm cắp cao. Nhà mạng nhấn mạnh vận chuyển hàng chục nghìn kiện hàng mỗi ngày mà không gặp sự cố.
Anh Tuấn
Nguồn Znews : https://znews.vn/duong-day-trom-iphone-chi-mat-10-giay-tai-my-post1540520.html