Đường đến thành công không đo bằng ánh đèn đô thị

Đường đến thành công không đo bằng ánh đèn đô thị
14 giờ trướcBài gốc
Trần Duy Trinh - chàng trai “bỏ phố về quê” để bán hàng tạp hóa giúp bố mẹ và phát triển đam mê làm truyền thông của mình.
Trinh đưa ra quyết định này bởi lẽ, anh thấy rằng ngành đang học không phù hợp với mình. Từ 2020 đến 2024, anh làm nhiều công việc khác nhau, từ nhân viên viết nội dung, lễ tân phòng gym cho đến làm ở cửa hàng bán thú nhồi bông. Cuối cùng, anh nhận ra đam mê của mình là truyền thông và quyết định theo đuổi lĩnh vực này. Cuối năm 2024 Trinh quyết định trở về Thanh Hóa để có thể vừa chăm sóc gia đình và phát triển công việc làm truyền thông.
Trinh chia sẻ: “Sau khi làm nhiều năm ở Hà Nội, mình nhận ra rằng, ở Hà Nội có quá nhiều sự cạnh tranh khốc liệt trong khi tại quê hương mình truyền thông vẫn là lĩnh vực khá mới mẻ".
Với suy nghĩ ấy, Trinh đã bỏ đi ánh hào quang ở đô thị lớn để làm công việc giản dị ở quê như phụ bố mẹ bán tạp hóa, đồng thời làm truyền thông cho các doanh nghiệp địa phương. Nhờ kinh nghiệm làm việc tại Hà Nội, anh nhanh chóng bắt nhịp và được đánh giá cao. Song điều Trinh thấy quý nhất không phải chỉ là triển vọng nghề nghiệp, mà là sự cân bằng: có thể đi làm, rồi về nhà ăn cơm với bố mẹ, thấy người thân vẫn khỏe mạnh, cùng nhau vượt qua khó khăn.
Trinh đã đưa câu chuyện của mình lên Tiktok với tiêu đề “Chấp nhận làm một người bình thường cũng không đơn giản lắm”, thu hút nhiều sự quan tâm và đồng cảm trên mạng xã hội này. Trong thời đại mà mạng xã hội tràn ngập những hình ảnh hào nhoáng, khoe thành tích, những chuyến đi sang chảnh hay công việc “trăm triệu/tháng”, thì việc Trinh dám kể một câu chuyện bỏ phố về quê đã trở thành một làn gió lạ thu hút hơn 10 triệu lượt xem và gần 800.000 lượt tương tác, qua đó cũng cho thấy sự lan tỏa của một thông điệp giản dị: sống thật, biết mình là ai và dám lựa chọn điều mình tin là đúng.
Trinh tâm sự: "Trước đây, khi có một vài thành tích nhỏ mình đã ảo tưởng rằng mình là một người tài giỏi hơn mọi người và ngủ quên trên chiến thắng, nhưng khi đối mặt với cuộc sống thực mình mới biết những điều mình biết là rất nhỏ nhoi. Bây giờ chẳng còn giải nhất nào, cũng không danh hiệu gì, nhưng mình hài lòng vì có thể được về nhà, được sống bên cạnh bố mẹ và làm điều mình thích mà vẫn có thu nhập rất tốt cùng nhiều cơ hội phát triển. Ngày trước tưởng về quê là thua cuộc, bây giờ lại thấy đó là một bước đi đúng hơn với chính mình".
Hiện nay, Trinh là nhân viên truyền thông cho một doanh nghiệp tại Thanh Hóa, đồng thời tiếp tục sáng tạo nội dung trên mạng xã hội. Anh mong muốn truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ khác về một cách nghĩ rằng: thành công không nhất thiết phải đi đôi với hào quang, mà đôi khi là được làm điều mình yêu bên những người mình thương.
Trong suy nghĩ của một bộ phận các bạn trẻ gen Z hiện nay, “về quê” từng bị gán với hình ảnh của sự thất bại, tụt lại phía sau. Nhiều người trẻ mặc định rằng chỉ có thành phố lớn mới là nơi phát triển, làm giàu và khẳng định bản thân. Thế nhưng, thực tế ngày nay đã khác: về quê không còn là bước lùi, mà đang trở thành lựa chọn tiên phong của nhiều bạn trẻ có tư duy độc lập và khát vọng đóng góp cho cộng đồng.
Trinh đang góp phần giúp các bạn trẻ hiện nay thấy rằng, quê hương - nơi ít cạnh tranh, nhiều tiềm năng và đang khát khao đổi mới, chính là “mảnh đất màu mỡ” để người trẻ cắm rễ, làm giàu từ chính giá trị bản địa. Về quê khởi nghiệp không chỉ là hướng đi đúng đắn trong bối cảnh đô thị hóa quá tải, mà còn góp phần thiết thực vào công cuộc phát triển đất nước, giảm khoảng cách vùng miền, giữ gìn bản sắc văn hóa và phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững.
Bài và ảnh: Phương Đỗ
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/duong-den-thanh-cong-khong-do-bang-anh-den-do-thi-248423.htm