Đường đến Washington: Thắt chặt quan hệ đồng minh đặc biệt

Đường đến Washington: Thắt chặt quan hệ đồng minh đặc biệt
3 giờ trướcBài gốc
Ngày 5/2, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đến Washington và hội đàm với Tổng thống Donald Trump. Dự kiến ngày 7/2, đến lượt Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba. Những gì mà lãnh đạo hai nước này cố gắng thỏa hiệp với Tổng thống Donald Trump sẽ được cộng đồng quốc tế đặc biệt chú ý.
Thực tế, Tổng thống Donald Trump và ê-kíp của ông đã bắt đầu triển khai chính sách đối ngoại từ lâu, thậm chí trước khi ông Trump chính thức nhậm chức. Song do lệnh cấm tương ứng trong luật pháp Mỹ (Đạo luật Logan), nên hoạt động này mang tính chất không chính thức và chỉ được thực hiện thông qua các “sứ giả”, những thân tín của Tổng thống Donald Trump. Do đó, sự xuất hiện của các nhà lãnh đạo Israel và Nhật Bản, ngoài ý nghĩa mang tính nghi lễ, còn được xem là biểu tượng của mối quan hệ đồng minh đặc biệt.
Israel củng cố mối quan hệ đồng minh đặc biệt với Mỹ
Đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, chuyến thăm lần này tới Washington có tầm quan trọng quyết định. Vì nhiều lý do, chính sách Trung Đông mới của Tổng thống Donald Trump sẽ rất khác so với nhiệm kỳ đầu tiên. Bất chấp những tuyên bố liên tục ủng hộ Israel, chính quyền Trump rõ ràng không hài lòng đối với các hoạt động quân sự của Israel từ Tây Jerusalem đến Dải Gaza. Theo truyền thông Mỹ đưa tin, vào tháng 12/2024, ông Trump đã thúc giục Thủ tướng Benjamin Netanyahu chấm dứt các hoạt động quân sự trước ngày nhậm chức. Dù thông tin này chưa được kiểm chứng, song hiện nay một nền hòa bình mong manh đã được thiết lập trong khu vực, và đảng Cộng hòa đã nhanh chóng tuyên bố thỏa thuận giữa chính phủ Israel và phong trào Hamas là một thành công trong chính sách đối ngoại của họ.
Giới phân tích cho rằng, có vẻ như Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã đưa ra những điều kiện đủ để thuyết phục nhà lãnh đạo Mỹ tiếp tục thúc đẩy quan hệ đồng minh đặc biệt giữa hai nước. Theo đó, ngày 5/2, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố ý định để Mỹ tiếp quản Dải Gaza và tái thiết khu vực này. Ông đề xuất di dời khoảng 2 triệu người Palestine sống tại Gaza đến các quốc gia láng giềng như Jordan và Ai Cập, nhằm biến Gaza thành “Riviera của Trung Đông” với các cơ hội kinh tế mới.
Grigory Lukyanov, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Arab và Hồi giáo thuộc Viện Nghiên cứu Phương Đông/Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận định, mặc dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ nhiều phía, các quốc gia Ả Rập như Ai Cập, Jordan và Saudi Arabia đến các đồng minh châu Âu của Mỹ như Anh, Đức, Pháp, song tuyên bố của Tổng thống Donald Trump mang lại nhiều lợi ích chiến lược cho Israel. Ở góc độ an ninh, Mỹ có thể giúp duy trì an ninh, bảo đảm Hamas không tái lập quyền kiểm soát tại Gaza, điều mà Israel đã cố gắng thực hiện qua các chiến dịch quân sự nhưng chưa thể đạt được.
Bên cạnh đó, nếu Mỹ kiểm soát Gaza, khả năng các nhóm vũ trang tấn công Israel bằng tên lửa hoặc tổ chức các cuộc đột kích sẽ giảm đáng kể. Mỹ và Israel có thể kiềm chế sự hỗ trợ của Iran đối với các nhóm vũ trang ở Gaza, làm suy yếu “Trục kháng chiến” do Tehran dẫn dắt trong khu vực. Ở góc độ kinh tế, nếu Israel thành công tái chiếm và kiểm soát Gaza, nhà nước Do Thái sẽ phải chịu trách nhiệm quản lý hơn 2 triệu người Palestine, một gánh nặng kinh tế và chính trị khá lớn. Việc Mỹ đảm nhận vai trò này giúp Israel tránh được vấn đề đó. Hơn nữa, nếu Mỹ điều hành Gaza thay vì Israel, áp lực từ cộng đồng quốc tế đối với Israel về các vấn đề nhân đạo có thể giảm xuống. Ở góc độ chính trị nội bộ, Thủ tướng Benjamin Netanyahu có thể củng cố vị thế; bởi lẽ, nếu Mỹ tiếp quản Gaza, chính phủ Israel có thể tuyên bố chiến thắng trước Hamas mà không cần gánh trách nhiệm quản lý khu vực này, giúp ông Netanyahu giữ được sự ủng hộ trong nước.
Nhật Bản - Địa vị đặc quyền và những yêu cầu mới
“Cuộc chiến thương mại” mà Tổng thống Donald Trump liên tục nhắc đến chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến Nhật Bản, mặc dù đây là đồng minh thân cận của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Nền kinh tế Nhật Bản có mối liên hệ chặt chẽ với nền kinh tế Mỹ. Do đó, bất kỳ sáng kiến nào của Nhà Trắng trong lĩnh vực này đều sẽ có tác động, dù ít hay nhiều, đến kinh tế Nhật Bản. Theo Tomoko Hayashi, Cố vấn kinh tế của Chính phủ Nhật Bản, việc Tổng thống Trump tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ khiến kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản giảm. Nguyên nhân là do Tokyo cung cấp các linh kiện (chủ yếu là vi điện tử) cần thiết để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng cho Trung Quốc. Do đó, không khó để lý giải tại sao Nhật Bản đón nhận chính sách thuế quan mới của Mỹ (đối với Canada, Mexico và Trung Quốc) một cách thận trọng. Cố vấn an ninh quốc gia Nhật Bản Akihisa Nagashima thậm chí đã kêu gọi các nhà sản xuất trong nước nên chuẩn bị phương án B để thay đổi chuỗi cung ứng của mình.
Có vẻ như Nhật Bản đã lường trước được những khó khăn và có động thái “lấy lòng” Mỹ trước cuộc gặp thượng đỉnh vào ngày 7/2 tới. Tokyo đã công bố khả năng đầu tư xây dựng đường ống dẫn khí đốt mới ở Alaska, cho phép vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ đến Nhật Bản. Chiều dài của đường ống sẽ là 1.300 km và ước tính tổng chi phí đầu tư cho dự án lên tới 44 tỷ USD. Ngoài ra, gã khổng lồ viễn thông SoftBank đang có kế hoạch đầu tư thêm 100 tỷ USD vào các dự án tại Mỹ trong lĩnh vực công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Phía Nhật Bản kỳ vọng những điều này có thể sẽ thuyết phục Tổng thống Trump giữ lại vị thế của Tokyo là “đối tác kinh tế đặc quyền”.
Theo Dmitry Streltsov, Trưởng Khoa Nghiên cứu phương Đông/Học viện Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO) cho rằng, Nhà Trắng nhiều khả năng sẽ đưa ra 2 yêu cầu đối với Nhật Bản trong cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới: cân bằng cán cân thương mại và tăng chi tiêu quốc phòng. “Vấn đề thâm hụt thương mại khá lớn mà Mỹ đang phải gánh là nội dung đáng chú ý trước cuộc gặp sắp tới, trong trường hợp với Nhật Bản là khoảng 50 tỷ USD. Do đó, Tổng thống Donald Trump nhiều khả năng sẽ đe dọa tăng thuế đối với hàng hóa Nhật Bản, trong khi Thủ tướng Nhật Bản sẽ nhấn mạnh rằng các công ty Nhật Bản đang tạo ra việc làm tại Mỹ và thuyết phục nhà lãnh đạo Mỹ xem xét lại quyết định hủy bỏ việc bán một công ty thép của Mỹ cho Nhật Bản. Ngoài ra, ông Trump sẽ yêu cầu Tokyo tăng ngân sách quốc phòng để bảo đảm an ninh cho chính mình”, Dmitry Streltsov nhấn mạnh.
Mục tiêu của Mỹ là buộc Nhật Bản phải chi nhiều tiền hơn, đồng thời chịu trách nhiệm lớn hơn trong việc duy trì các căn cứ của Mỹ. Theo quan điểm của nhà lãnh đạo Mỹ, Tokyo cần phải tăng ngân sách quốc phòng để hiện đại hóa kho vũ khí của mình, thay vì hoàn toàn dựa vào viện trợ của Mỹ. Thực tế, Nhật Bản, ngay cả dưới thời của Thủ tướng Kishida, đã quyết định tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP vào năm 2027. Ngoài ra, Tokyo vẫn tiếp tục mua vũ khí của Mỹ, bao gồm tên lửa hành trình Tomahawk và máy bay chiến đấu hiện đại. Đổi lại, phía Nhật Bản cần bảo đảm rằng Mỹ thực hiện nghĩa vụ đồng minh với nước này, nhất là trong bối cảnh tình hình an ninh khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn khó lường.
HÙNG ANH (CTV)
Nguồn Thanh Hóa : http://baothanhhoa.vn/duong-den-washington-that-chat-quan-he-dong-minh-dac-biet-238842.htm