Những năm tháng mở lối giữa lửa đạn
Cuối năm 1967, khi mặt trận phía Nam bước vào giai đoạn khốc liệt, hậu cần cho chiến trường trở thành nhiệm vụ sống còn. Trong hồi ký của Trung tá Đỗ Ngọc Ngạn, người sau này là Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương Tổng cục Dầu khí có ghi: “Đầu năm 1968, việc vận chuyển xăng dầu chi viện cho Đoàn 559 thật sự bế tắc. Đoàn 559 có hai ngàn xe chỉ sử dụng được một nửa, có lúc chỉ đủ xăng cho 20% xe hoạt động. Dù ta đã vận dụng rất nhiều biện pháp như cho xăng dầu vào thùng phuy, túi ni lông để thả trôi theo sông suối, nhưng không có hiệu quả, dọc đường bị tổn thất quá nhiều”.
Trung tá Đỗ Ngọc Ngạn kể lại, những ngày đầu phải gùi từng túi xăng qua Khe Ve, qua Hương Khê, nơi “một bên là vực sâu hàng trăm mét, bên kia là vách núi lởm chởm đá tai mèo”. Không ít chiến sĩ bị rộp lưng, bỏng hóa chất, bị thương vì bom bi, bom lá khi đang gùi xăng.
Trong đó, Thượng tướng Phùng Thế Tài, nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam ghi lại rằng, suốt tháng 12/1967, tất cả các binh trạm cửa khẩu gặp khó khăn trong vận chuyển, tuyến Trường Sơn chỉ nhận được 20 tấn xăng. Nguồn xăng cạn đến mức chỉ dành cho cấp cứu, chỉ phát khi có lệnh của chỉ huy trưởng binh trạm trở lên. Lúc đó, cả lực lượng cơ giới gần như tê liệt.
Xăng thiếu, vận tải đình trệ, chiến dịch có nguy cơ bị ngưng trệ. (Ảnh tư liệu)
Trong lúc cấp bách ấy, một tia hy vọng lóe lên từ chuyến đi công tác Liên Xô của đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị dẫn đầu. Tại đây, đoàn được giới thiệu về hệ thống đường ống dã chiến của Hồng quân Liên Xô. Mỗi đoạn ống dài 6m, nặng 40kg, có thể tháo lắp nhanh, máy bơm PNY đẩy được 10-12km qua địa hình bằng phẳng.
Khi tin tức này về tới Hà Nội, Tướng Đinh Đức Thiện, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần lập tức đề xuất kế hoạch viện trợ khẩn cấp. Với sự đồng thuận của Phó Thủ tướng Đỗ Mười và Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp, chỉ vài tháng sau, hai bộ đường ống đầu tiên, kèm 20 máy bơm và xe chuyên dụng đã vượt biên giới đến Việt Nam.
Và cũng từ đây, những cán bộ đầu tiên của ngành xăng dầu quân đội, những kỹ sư chưa từng học qua đường ống, bắt đầu viết nên kỳ tích.
Đường ống xăng dầu chảy dọc Trường Sơn
Ngày 12/4/1968, Tổng cục Hậu cần ra quyết định thành lập một đơn vị đặc biệt - Công trường Thủy lợi O gồm 34 cán bộ, chiến sĩ, đa số là sinh viên Đại học Bách khoa vừa tốt nghiệp và một số kỹ thuật viên của gang thép Thái Nguyên. Họ chưa hề học qua kỹ thuật đường ống, nhưng lại là những người đầu tiên viết nên trang sử vàng của ngành xăng dầu quân đội. Những cái tên như Trần Xanh, Đặng Thế Hải, Nguyễn Sùng, Đỗ Ngọc Ngạn, Phan Ninh... sau này đều trở thành nòng cốt của ngành Dầu khí cách mạng.
Tuyến ống đầu tiên dài 42km, mang mật danh X42, được lắp ráp thành công ngay giữa “tam giác lửa” Vinh - Nam Đàn - Linh Cảm. Mùa mưa năm 1968, xăng đã chảy qua X42, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam tự thiết kế, lắp đặt và vận hành hệ thống vận chuyển xăng dầu bằng đường ống xuyên rừng, xuyên đèo.
Tuyến ống kéo từ Truông Bồn (Nghệ An) qua sông Lam về Nga Lộc (Hà Tĩnh). Việc kéo ống qua sông Lam, nơi dòng chảy siết, lòng sông rộng là thử thách đầu tiên. Cả đoạn ống nặng hàng trăm tấn phải được giữ thăng bằng, hàn kín từng đoạn. Sau 41 ngày thi công liên tục, đến ngày 19/8/1968, dòng xăng đầu tiên chảy về kho Nga Lộc. Đó là mốc son mở đầu cho công nghệ vận chuyển nhiên liệu bằng đường ống tại Việt Nam.
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên duyệt phương án thi công đường ống xăng dầu qua Tây Nguyên tại thực địa, cuối năm 1969. (Ảnh tư liệu)
Đại tá Phan Tử Quang, nguyên Phó Cục trưởng Cục Xăng dầu nhớ lại, thời điểm ấy không ai được đào tạo bài bản về đường ống. Họ phải “vừa làm, vừa nghĩ”, vừa học từ máy bơm của Liên Xô, vừa chế tạo bản vẽ ngay trên chiến trường. Để có đủ máy bơm, Tổng cục Hậu cần chỉ đạo tháo tung máy mẫu, đưa về các nhà máy cơ khí Duyên Hải, Trần Hưng Đạo, Hải Dương... nghiên cứu và chế tạo hàng loạt. Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa đích thân góp ý và theo dõi quá trình chạy thử. Mỗi chiếc bơm làm ra là một kỳ công của trí tuệ và lòng dũng cảm của những người lính xăng dầu Việt Nam.
Đường ống Trường Sơn từ đó được nối dài theo cả hai hướng Bắc - Nam. Từ X42, một đầu kéo về tận Lạng Sơn để nối thông với nguồn xăng từ biên giới Trung Quốc. Đầu còn lại vượt Trường Sơn, theo đường 12 sang Hạ Lào, tiến vào Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ. Đến năm 1972, hai tuyến ống Đông - Tây Trường Sơn đã dài tới 700km, với hơn 12.800m³ dự trữ và hơn 100 kho xăng dầu được hình thành trong rừng.
Có đoạn vượt đèo Mụ Dạ, cao hàng nghìn mét, phải tháo bơm ra khênh từng bộ phận qua núi. Cứ 100-200m lại đặt một trạm bơm. Có đoạn vượt đèo Đá Bàn, xăng không bơm nổi lên độ cao gần 1.000m. Các kỹ sư trẻ nghĩ ra cách đặt nhiều trạm bơm nối tiếp, bơm từng cấp nhỏ một, cho đến khi dòng xăng có thể vượt đỉnh rừng mà không vỡ ống.
Nữ chiến sĩ xăng dầu trên đường Trường Sơn (Ảnh: Vương Khánh Hồng)
Đến năm 1975, từ 34 người ban đầu, lực lượng đường ống đã phát triển thành 9 trung đoàn, 2 nhà máy cơ khí, 3 tiểu đoàn xe, 114 trạm bơm, hơn 300.000m³ sức chứa, đồng thời hệ thống đường ống đã dài hơn 5.000km, trở thành tuyến ống dẫn xăng dầu dài nhất thế giới lúc bấy giờ, vượt qua cả các hệ thống kỹ thuật tân tiến ở châu Âu.
Cho đến trước tháng 7/2010, khi Trung Quốc khánh thành đường ống dẫn khí tự nhiên dài 8.700km thì kỷ lục đường ống dài nhất thế giới trong hàng chục năm vẫn thuộc về đường ống Trường Sơn, tuyến ống dẫn xăng dầu từ biên giới Việt - Trung đến miền Đông Nam Bộ.
Đồng thời, đây cũng là con đường huyền thoại mà quân Mỹ không thể nào biết rõ, bởi họ không thể nào tưởng tượng được rằng trong điều kiện kỹ thuật của Việt Nam khi đó, lại bị bom đạn đánh phá liên tục mà Việt Nam vẫn hình thành được một đường ống dẫn xăng dầu dài hàng nghìn km, lại còn nối với nhiều cảng nhỏ để tiếp nhận dầu từ các tàu biển...
Tuyến ống dẫn xăng dầu từ biên giới Việt - Trung đến miền Đông Nam Bộ được xây dựng bằng quyết tâm, lòng dũng cảm, trí thông minh và cả sự hy sinh của cán bộ chiến sĩ ngành xăng dầu Quân đội nhân dân Việt Nam. (Ảnh tư liệu)
Theo Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, hệ thống đường ống đó “đã thực sự thỏa mãn kịp thời cho vận tải, đảm bảo yêu cầu cơ động cao của các quân và binh chủng với mọi quy mô, mọi thời gian, mọi địa điểm, phục vụ đắc lực cho các chiến dịch”.
Dầu khí giữa chiến tranh, góp phần tạo nền móng của một ngành Công nghiệp - Năng lượng quốc gia
Có thể nói, đường ống Trường Sơn không chỉ là đường ống xăng dầu đơn thuần, nó còn là trường học đầu tiên cho đội ngũ người lính dầu khí cách mạng. Từ đây, những cán bộ như Đỗ Ngọc Ngạn, Trần Xanh (sau là Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam), Phan Tử Quang... bắt đầu học nghề ngay trong hành lang chiến tranh, để sau này trở thành những người đặt nền móng cho ngành công nghiệp dầu khí quốc gia.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp kiểm tra tuyến đường ống cung cấp xăng dầu. (Ảnh tư liệu)
Họ là những người Việt đầu tiên vận hành máy bơm PNY của Liên Xô, chế tạo máy phát từ máy nổ, thử nghiệm hàn ống dưới bom nổ chậm, thiết kế đường ống bám theo địa hình rừng núi để tránh máy bay trinh sát. Những kinh nghiệm ấy đã được mang ra áp dụng ngay trong hòa bình, khi Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt ra đời, tiền thân của Petrovietnam, đã tiếp quản công tác tìm kiếm, khai thác, vận chuyển và chế biến dầu thô, khí thiên nhiên.
Đường ống Trường Sơn vì thế không đơn thuần là “đường vận tải” mà chính là “mạch máu” đầu tiên của một ngành công nghiệp dầu khí, nơi những người lính xăng dầu vừa chiến đấu, vừa khai mở cho ngành Dầu khí Việt Nam trên con đường khoa học kỹ thuật đầy gian nan, khói lửa. Đồng thời, là những bước khởi đầu của một nền Công nghiệp - Năng lượng quốc gia sau này.
Hằng Nga