Theo ghi nhận, tình trạng ùn tắc xảy ra ở nhiều địa bàn như quận Đống Đa, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm. Trong ảnh, tuyến đường Trường Chinh hướng về Ngã Tư Sở thuộc quận Thanh Xuân người và xe đông nghịt, các phương tiện di chuyển chậm.
Người đi xe máy di chuyển khó khăn giữa dòng ô tô đông đúc, có thời điểm phải dừng giữa đường chờ khá lâu.
Ngã ba cầu Cống Mọc - Láng (quận Đống Đa) ùn tắc kéo dài, cùng với đó là tình trạng xung đột giao thông giữa các luồng phương tiện. Đây là một trong những vị trí nóng về ùn tắc giao thông tại Hà Nội bất kể khung giờ nào trong ngày.
Đường Nguyễn Ngọc Vũ (quận Cầu Giấy) trong tình trạng tương tự, ken đặc ô tô và xe máy.
Lực lượng Công an ứng trực rất vất vả để điều tiết các luồng phương tiện di chuyển.
Tuyến đường Láng hướng về Ngã Tư Sở cũng trong cảnh ùn tắc ở cả 2 chiều, ô tô và xe máy phải đi theo kiểu "điền vào chỗ trống". “Đường Hà Nội mấy ngày nay ùn tắc thường xuyên, gần như năm nào cũng vậy, cứ đến gần Tết là đường xá lại đông đúc. Phải chấp nhận chứ cũng không biết phải làm sao“, anh Nguyễn Long (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ.
Nút giao Láng - Yên Lãng mặc dù ùn tắc nhưng người dân vẫn chấp hành rất tốt hiệu lệnh tín hiệu đèn giao thông.
Thống kê của Sở GTVT Hà Nội, tính đến tháng 3/2024, Hà Nội có trên 8,1 triệu phương tiện, trong đó ôtô khoảng 1,1 triệu, môtô khoảng 7 triệu, chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố khác tham gia giao thông trên địa bàn. Tốc độ gia tăng phương tiện giao thông trung bình khoảng 4-5 %/năm.
Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới đạt được khoảng 10,07%; diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới chưa đến 1%; tỷ lệ vận tải công cộng đạt được khoảng 17,8%. Trong khi đó, hàng năm các phương tiện giao thông gia tăng từ 4-5%/năm, vì vậy tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố là không thể tránh khỏi và diễn biến ngày càng phức tạp. 20 năm qua, dù hạ tầng đã được đầu tư xây dựng, phát triển, ùn tắc giao thông vẫn là phổ biến ở Hà Nội.
Trường Thắng