Đường rớt giá sau cơn sốt 'ngọt ngào'

Đường rớt giá sau cơn sốt 'ngọt ngào'
5 giờ trướcBài gốc
So với các loại hàng hóa khác, thị trường đường có những nét rất riêng và nhiều khi không tuân theo quy luật thông thường.
Sau đợt giảm sâu trong tuần trước, giá đường thô kỳ hạn tại thị trường New York ngày 5/5 giao dịch ở mức 17,44 xu Mỹ/pound (1 pound=0,454 kg). Tuy vậy, nông sản này vẫn duy trì gần mức thấp nhất kể từ giữa năm 2021, khi thị trường tiếp tục đánh giá kỳ vọng về nguồn cung toàn cầu dồi dào và nhu cầu yếu đi.
Đường là nguyên liệu không thể thiếu trong chế biến đồ ăn và thức uống vì cả trẻ em và người lớn đều có xu hướng chuộng đồ ngọt. Mặc dù vậy, sự bất ổn xung quanh triển vọng kinh tế toàn cầu khó tránh tiếp tục gây sức ép lên triển vọng tiêu thụ.
Sản lượng đường ở Brazil và Ấn Độ - hai nước xuất khẩu đường hàng đầu thế giới - dự kiến sẽ duy trì ở mức cao. Ảnh minh hoa: BNEWS phát
* Khi nguồn cung dồi dào
Sản lượng đường ở Brazil và Ấn Độ - hai nước xuất khẩu đường hàng đầu thế giới - dự kiến sẽ duy trì ở mức cao. Số liệu thống kê của UNICA hôm 30/4 cho hay sản lượng đường mía tại khu vực Trung-Nam Brazil chạm ngưỡng 16,59 triệu tấn trong nửa đầu tháng 4, tăng 2,99% so với cùng kỳ niên vụ 2024/25.
Công ty Cung cấp Quốc gia Brazil (Conab) dự báo sản lượng đường niên vụ 2025/26 đạt 45,87 triệu tấn, tăng 4% so với niên vụ trước, mặc dù đã có những gián đoạn do hạn hán và cháy rừng. Tại Ấn Độ, điều kiện thời tiết thuận lợi được kỳ vọng sẽ thúc đẩy năng suất trồng mía, từ đó đóng góp thêm vào nguồn cung toàn cầu.
Trong khi đó, thời tiết thuận lợi và giá dầu thấp được đánh giá là những yếu tố khiến các nhà máy ở Brazil ít có động lực chuyển mía sang sản xuất ethanol. Điều này vô hình chung đang tạo áp lực lên giá đường trắng.
Dù đà phục hồi giá trong tuần này có thể phản ánh rằng đợt bán tháo gần đây là quá mức, song các nhà phân tích tại StoneX cảnh báo lưu ý rằng giá dầu thô giảm có thể tiếp tục tạo áp lực giảm đối với thị trường đường.
Giá đường và dầu có mối liên hệ chặt chẽ, bởi những nước như Brazil và Ấn Độ sử dụng mía để sản xuất cả đường và nhiên liệu sinh học. Hiện tại, giá ethanol trung bình tại Brazil không đủ hấp dẫn để thúc đẩy sản xuất nhiên liệu sinh học, trong khi mức giá tương đối giữa đường và nhiên liệu đang khuyến khích các nhà máy ưu tiên sản xuất đường. Tại Brazil, mía thường được dùng để sản xuất nhiên liệu một khi giá đường thô giảm xuống dưới 15-16 xu Mỹ/pound.
Thị trường đường từ lâu cũng chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố phi thị trường. Ảnh minh họa: BNEWS phát
* Tác động của các yếu tố phi thị trường
Thị trường đường từ lâu cũng chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố phi thị trường. Pháp và Anh hiện nằm trong số hơn 100 quốc gia sản xuất đường. Khoảng 70% nguồn cung đường thô toàn cầu đến từ Brazil.
Châu Âu đã bắt đầu cắt giảm chính sách trợ cấp và bán phá giá từ giữa những năm 2000, nhưng phải đến 2017 mới chính thức xóa bỏ hạn ngạch. Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục hỗ trợ ngành đường, khiến giá trong nước cao gấp đôi so với giá thị trường quốc tế. Ấn Độ vẫn áp đặt hạn chế xuất khẩu. Ấn Độ, với dân số và thu nhập đều tăng, hiện là thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới, đồng thời là nhà sản xuất đường lớn thứ hai thế giới.
Đường mang dáng dấp của một tài sản phòng hộ. Bởi ngay cả những thay đổi nhanh chóng trong chính sách, đặc biệt liên quan đến thuế quan, của Tổng thống Mỹ cũng không thể làm suy giảm khẩu vị ngọt ngào của con người. Trên thực tế, theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Tài chính (IFS) tại Anh, người dân nước này thậm chí tiêu thụ nhiều đường hơn trong thời kỳ khủng hoảng tài chính.
Về tổng thể, nhu cầu tiêu dùng tăng cùng với tăng trưởng kinh tế và dân số. Ấn Độ, Đông Nam Á và châu Phi phía Nam sa mạc Sahara đều đang chứng kiến mức tiêu thụ đi lên. Khó có thể đong đếm chính xác nhu cầu tiêu dùng cuối cùng, bởi đường có mặt trong đủ loại sản phẩm, từ tương cà đến khoai tây chiên. Tuy vậy, theo ước tính của CZ Advise, mức tiêu thụ đường tại Anh đã đạt đỉnh vào những năm 1960.
Tuy nhiên, khoa học và vấn đề sức khỏe có thể là rào cản lớn cho nhu cầu trong tương lai. Các loại thực phẩm siêu chế biến ngày càng bị người tiêu dùng quay lưng. Ngoài ra, loại thuốc giảm cân nhóm GLP-1, có tác dụng ức chế cảm giác thèm ăn, nhiều khả năng sẽ khiến mức tiêu thụ đường sụt giảm. Khảo sát hồi năm ngoái cho thấy cứ 8 người Mỹ trưởng thành thì có 1 người đã từng sử dụng thuốc GLP-1. Các loại thuốc generic có giá rẻ hơn - thuốc có thành phần hoạt chất giống hệt với thuốc biệt dược nhưng lại không được cấp bản quyền bảo vệ độc quyền - sẽ được tung ra tại Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ khi bằng sáng chế hết hạn vào năm tới. Điều này hứa hẹn sẽ làm tăng mức độ sử dụng.
Dù vậy, "cơn nghiện" bảo hộ thương mại hàng thế kỷ của chính phủ các nước sẽ giúp làm dịu bớt dư vị đắng từ bất kỳ làn sóng tẩy chay đường nào trong tương lai.
Như Mai (Tổng hợp)
Nguồn Bnews : https://bnews.vn/duong-rot-gia-sau-con-sot-ngot-ngao/372569.html