Đường sắt cao tốc Bắc – Nam ấp ủ triển khai suốt 18 năm

Đường sắt cao tốc Bắc – Nam ấp ủ triển khai suốt 18 năm
3 giờ trướcBài gốc
Tại cuộc trao đổi, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, đây là dự án được ấp ủ rất lâu. Bộ GTVT đang quyết tâm hoàn thành dự án trong 2035 thậm chí là sớm hơn.
"Hơn 18 năm qua (kể từ năm 2006), Bộ GTVT đã triển khai nhiều nghiên cứu với sự hỗ trợ của các tổ chức, tư vấn quốc tế, trong đó Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (NCTKT) dự án năm 2010 đã được Bộ Chính trị tán thành chủ trương đầu tư, tuy nhiên chưa được cấp có thẩm quyền thông qua.
Đến ngày 28/2/2023, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 49-KL/TW trong đó đã định hướng "xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao hiện đại, đồng bộ, khả thi, hiệu quả, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, phát huy được các lợi thế tiềm năng của đất nước, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới", Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy chia sẻ.
Hình ảnh buổi trao đổi thông tin với báo chí về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Căn cứ Kết luận số 49-KL/TW, Bộ GTVT đã tổ chức nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện, tổng hợp kinh nghiệm phát triển đường sắt tốc độ cao trên thế giới.
Bộ GTVT đã tổ chức đoàn công tác liên ngành khảo sát tại 6 quốc gia có hệ thống đường sắt tốc độ cao phát triển, gồm: Nhật Bản, Đức, Tây Ban Nha, Trung Quốc, Hàn Quốc và Pháp. Trong số này, có 3 nước tự phát triển công nghệ là: Đức, Pháp, Nhật Bản. Các chuyến đi có sự tham gia của nhiều Bộ, ban, ngành, việc đánh giá rất cẩn trọng và minh bạch.
Về tốc độ, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, tuyến đường sắt tốc độ cao đầu tiên vào khai thác năm 1964 tại Nhật Bản với tốc độ 200 - 250 km/h. Tốc độ 250 km/h hình thành phổ biến cách đây khoảng 25 năm. Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, tốc độ 350 km/h và cao hơn đang là xu thế phát triển trên thế giới, phù hợp với các tuyến dài từ 800 km trở lên, tập trung nhiều đô thị có mật độ dân số cao như hành lang Bắc - Nam của nước ta.
"Sau nhiều cuộc họp, Chính phủ đã thống nhất phương án đầu tư, đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với tốc độ thiết kế 350 km/h, bảo đảm hiện đại, đồng bộ, phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới theo đúng Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị", Thứ trưởng Huy cho hay.
Tiếp đó, ngày 18/9/2024, Bộ Chính trị ban hành kết luận về chủ trương đầu tư dự án, trong đó xác định: đường sắt tốc độ cao là công trình có tính biểu tượng, ý nghĩa chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế.
Qua nhiều thời gian nghiên cứu, Bộ GTVT "chốt" kiến nghị phương án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao với tốc độ thiết kế 350 km/h; chiều dài khoảng 1.541 km; đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa; tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD. Suất đầu tư khoảng 43,7 triệu USD/km là mức trung bình so với một số nước khi quy đổi về thời điểm năm 2024.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy, lộ trình dự kiến, dự án sẽ được trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tháng 10/2024; khởi công cuối năm 2027; phấn đấu hoàn thành toàn tuyến năm 2035.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy phát biểu.
"Đấu thầu lựa chọn tư vấn quốc tế, triển khai khảo sát, lập Báo cáo nghiên cứu khả thi trong năm 2025-2026; triển khai GPMB, đấu thầu lựa chọn nhà thầu và khởi công cuối năm 2027. Phấn đấu hoàn thành xây dựng toàn tuyến năm 2035, sớm hơn 10 năm so với Kết luận số 49-KL/TW", Thứ trưởng Huy cho hay.
Về nguồn lực, với quyết tâm Bộ Chính trị đặt ra hoàn thành vào năm 2035, Thứ trưởng cho hay, dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035.
Cụ thể, sẽ bố trí vốn trong khoảng 12 năm, mỗi năm bình quân khoảng 5,6 tỷ USD tương đương khoảng 16,2% trong giai đoạn 2026-2030 nếu giữ nguyên tỷ lệ đầu tư công trung hạn như hiện nay.
Về chuyển giao công nghệ, theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, chúng ta xác định hoàn toàn làm chủ công nghiệp xây dựng (cầu, đường, hầm); Phải tự chủ hoàn toàn trong vận hành, bảo trì, sửa chữa. Quá trình triển khai, chúng ta sẽ tiếp tục nghiên cứu các vấn đề khác để phát huy tính tự lực, tự cường để tự tin bước vào kỷ nguyên mới.
Khẳng định chắc chắn sẽ có nhiều thách thức do quy mô dự án lớn, tiến độ rất áp lực, song Thứ trưởng cũng cho hay, giải quyết bài toán này, cơ quan thực hiện sẽ mời tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu trong nước, quốc tế cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Về việc đầu tư đường sắt tốc độ cao cần nguồn vốn lớn có tác động đến nguồn vốn đầu tư các lĩnh vực khác không, Thứ trưởng nói: "Đây là công trình thể hiện quyết tâm chính trị lớn của Đảng, là công trình động lực cần phải ưu tiên nguồn lực đầu tư. Bộ GTVT đang tiếp tục làm việc với các cơ quan để nhận diện các vấn đề rõ hơn, đảm bảo tính khả thi".
Cuối cùng, về nhân lực, Thứ trưởng khẳng định, công tác đào tạo trong nước, đào tạo nước ngoài đã được tính đến.
Lê Khánh
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/duong-sat-cao-toc-bac-nam-ap-u-trien-khai-suot-18-nam-10291489.html