Đường sắt cao tốc Bắc Nam: Cần có phương án dự trù rủi ro tài chính

Đường sắt cao tốc Bắc Nam: Cần có phương án dự trù rủi ro tài chính
13 giờ trướcBài gốc
Đại biểu Huỳnh Thành Chung (đoàn Bình Phước) thảo luận tại tổ sáng 13/11 về chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Bắc Nam
Đại biểu Huỳnh Thành Chung (đoàn Bình Phước) thảo luận tại tổ sáng 13/11 về chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Bắc Nam
Sáng 13/11, Quốc hội họp tổ để cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết thí điểm mở rộng đất cho nhà ở thương mại và Chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Đóng góp ý kiến cho chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc, các đại biểu Tổ 15 (gồm đoàn ĐBQH các tỉnh Yên Bái, Quảng Trị, Bình Phước, Bình Thuận) đồng thuận với chủ trương đầu tư của Chính phủ song lưu ý Chính phủ một số vấn đề liên quan đến nguồn vốn và rủi ro phải trả nợ.
Sử dụng đầu tư công là hợp lý
Đại biểu Huỳnh Thành Chung (đoàn Bình Phước) cho biết, với chiều dài lãnh thổ xấp xỉ 1.750km, Việt Nam cần có một loại hình vận tải có hiệu suất cao để phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng; đặc biệt đối với các vùng khó khăn, tuyến đường sắt này đi qua sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, giao lưu hàng hóa; đồng thời đa dạng hóa các loại hình phương tiện, làm giảm áp lực cho hệ thống hạ tầng giao thông.
Về kỹ thuật và công nghệ, đại biểu nhận thấy, nên chọn tốc độ tối thiểu của tuyến đường là 350km/h và hướng tới 380km/h – 400km/h, việc này sẽ giúp rút ngắn thời gian khai thác. Giá vé cũng phải thấp hơn, đối với tuyến đường dài đề xuất không quá 70% và tuyến đường ngắn không quá 85% so với giá vé máy bay. “Nếu khai thác tốt thời gian, giá vé hợp lý thì chắc chắn đây sẽ là loại hình giao thông được người dân ưu tiên lựa chọn”, vị đại biểu nêu quan điểm.
Băn khoăn việc các vùng, khu vực mà Dự án đi qua đa phần thường phải gánh chịu nhiều cơn bão, mưa lũ hàng năm, đại biểu Huỳnh Thành Chung đề nghị Chính phủ cần xác định tỷ lệ đường trên cao, tỷ lệ hầm, hầm xuyên núi, hệ thống cầu phải bảo đảm an toàn vận hành trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Ngoài ra, công tác định hướng, hỗ trợ các ngành liên quan đến đường sắt cũng phải được đầu tư tương xứng, bảo đảm công tác thay thế, sửa chữa, bảo trì về sau.
Liên quan đến vấn đề vốn đầu tư, đại biểu Huỳnh Thành Chung nhận xét, đối với một dự án mang tính chiến lược quốc gia, có vai trò lớn đối với nền kinh tế thì chủ trương đầu tư công sẽ mang tính bền vững và mang lại hiệu quản lý tốt hơn sau này.
"Nguồn vốn đầu tư công sẽ cho phép Chính phủ chủ động tính toán, vận hành, khai thác, phục vụ cho các mục đích khác nhau", đại biểu Chung nói.
Có thể đa dạng hóa nguồn lực đầu tư
Trong khi đó, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đánh giá, với tổng vốn đầu tư ước tính 67 tỷ USD, dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam hứa hẹn góp phần thay đổi diện mạo giao thông vận tải, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng có thể đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư dự án để giảm áp lực và rủi ro cho ngân sách
Theo đại biểu, với một dự án có quy mô vốn lớn như vậy thì rất cần có một cơ chế linh hoạt và đặc thù. Để giảm tải áp lực và rủi ro trả nợ nếu sử dụng vốn đầu tư công, đại biểu đề nghị ngoài đầu tư công, có thể kêu gọi nguồn vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế, vay vốn ưu đãi hoặc huy động trái phiếu trong nước.
Ngoài ra, cần phải có các giải pháp minh bạch, quản lý chặt chẽ và kiểm soát nguy cơ rủi ro về tài chính dài hạn.
Việc đầu tư phân kỳ theo từng giai đoạn của dự án cũng là một phương án mà theo đại biểu, không chỉ giúp Chính phủ giám sát kỹ càng hơn mà còn tạo điều kiện phân bổ nguồn lực hợp lý, tránh lãng phí các nguồn lực và phù hợp với năng lực tài chính của từng thời kỳ của nước ta.
Việt Nam chưa có kinh nghiệm về đường sắt tốc độ cao nên sẽ phát sinh rủi ro trong việc vận hành và bảo trì. Do đó, đại biểu cũng đề nghị cần dự trù ngân sách và kế hoạch bảo trì dài hạn để bảo đảm tính bền vững.
Nhất trí cao việc có 19 cơ chế, chính sách đặc thù đối với Dự án này, đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng đề nghị, khi áp dụng các cơ chế đặc thù cần quán triệt chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể và có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để đạt hiệu quả tốt nhất, tránh tiêu cực, lãng phí trong quá trình thực hiện.
Liên quan đến việc chuyển giao công nghệ, đại biểu cho rằng, cần tập trung đào tạo nhân lực kỹ thuật chất lượng cao và hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm trong lĩnh vực này để bảo đảm dự án vận hành hiệu quả.
Dự án cũng sử dụng diện tích đất lớn, bao gồm đất lâm nghiệp và các loại đất khác dẫn đến phải di dân, tái định cư khoảng 30.209 hộ dân. Đại biểu lưu ý rút kinh nghiệm về công tác giải phóng mặt bằng và bảo vệ môi trường, có quy trình khoa học và đặc biệt có sự đồng thuận của nhân dân, tránh khiếu kiện.
Bổ sung nguồn vốn từ nguồn tăng thu ngân sách hàng năm
Đại biểu Nguyễn Thành Trung (đoàn Yên Bái)phản ánh, giai đoạn 2021-2025 ngân sách trung ương bố trí cho ngành đường sắt là 18.000 tỷ đồng, chỉ chiếm khoảng 4,7% tổng chi ngân sách cho ngành giao thông, chủ yếu tập trung cho các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp kết cấu hạ tầng đường sắt chứ chưa quan tâm đầu tư hình thành một tuyến đường sắt mới.
Đại biểu Nguyễn Thành Trung (đoàn Yên Bái)
Do đó, đại biểu cho rằng là việc nghiên cứu xây dựng dự án thời điểm này là phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế xã hội và cũng phù hợp với điều kiện nền kinh tế có quy mô GDP 430 tỷ USD hiện tại.
Liên quan đến tổng mức đầu tư của dự án khoảng gần 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương 67 tỷ USD) thì việc xác định tổng mức đầu tư dự án cũng phụ thuộc nhiều vào yếu tố biến động, đại biểu cho rằng khả năng tổng mức đầu tư tăng là hiện hữu (nhất là việc xây dựng vốn cho giải phóng mặt bằng, vấn đề áp dụng công nghệ, lựa chọn thiết bị...).
Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội giao nắm thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Trong trường hợp khẩn cấp, cấp bách thì có thể giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giữa hai kỳ họp và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Về nguồn vốn, đại biểu Thành Trung ủng hộ phương án dùng vốn đầu tư công để thực hiện dự án và tập trung trong hai giai đoạn 2026-2030 và 2031-2035.
Xác định là có bội chi ngân sách và nguồn vốn đầu tư công chủ yếu từ vay nợ, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ tác động của việc đầu tư dự án đến bội chi ngân sách nhà nước, đến nợ công và khả năng trả nợ của ngân sách trong trung và dài hạn.
Ngoài ra, đại biểu kiến nghị bổ sung thêm một nguồn vốn là nguồn tăng thu hàng năm. Theo đại biểu, quy định của Luật Ngân sách nhà nước thì toàn bộ phần tăng thu ngân sách trung ương sẽ để dành 50% để cải cách tiền lương, 50%, còn lại ưu tiên để giảm bội chi và bố trí vốn cho các dự án quan trọng.
Cần nhiều giải pháp huy động nguồn lực; tăng thu, giảm chi thường xuyên
Ở tổ 16, đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh) nhận định, dự án có tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 67 tỷ USD, vượt 114% tổng vốn đầu tư công trung hạn từ ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025, do đó cần áp dụng nhiều giải pháp huy động nguồn lực, đẵ biệt là tăng thu ngân sách, cắt giảm chi thường xuyên.
Đại biểu Trần Đình Gia (đoàn Hà Tĩnh)
Theo đại biểu, có thể chấp nhận mức bội chi ngân sách nhà nước tăng tạm thời, dù điều này tiềm ẩn rủi ro về vay và trả nợ trong tương lai. Chính phủ cần nghiên cứu kỹ lưỡng và báo cáo Quốc hội về các phương án huy động vốn.
"Mặc dù nợ công nằm trong giới hạn nhưng bội chi NSNN bình quân và chi trả nợ trực tiếp có xu hướng tăng, dự kiến vượt mục tiêu 3% GDP lên 4,1%. Do vậy, cần quản lý chặt chẽ nợ công, bám sát Nghị quyết 07-NQ/TW để đảm bảo ổn định tài chính quốc gia, tránh áp lực nợ cho các giai đoạn sau", đại biểu nói.
Minh Minh
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/duong-sat-cao-toc-bac-nam-can-co-phuong-an-du-tru-rui-ro-tai-chinh-post357986.html