Đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ kết nối với đường sắt liên vận quốc tế Á, Âu

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ kết nối với đường sắt liên vận quốc tế Á, Âu
7 giờ trướcBài gốc
Thông tin từ Báo Chính phủ, vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn gửi tới Tổng thư ký Quốc hội về việc báo cáo giải trình, tiếp thu, làm rõ một số nội dung Đại biểu Quốc hội quan tâm liên quan tới hồ sơ chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, phương án hướng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã tính đến kết nối với hệ thống đường sắt liên vận quốc tế Á, Âu.
Cụ thể, đối với khu vực phía Bắc, từ tổ hợp Ngọc Hồi, ga Thường Tín, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc thông qua tuyến vành đai phía Đông (nối ga Ngọc Hồi với ga Kim Sơn).
Ga Kim Sơn kết nối tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đi Hà Khẩu - Trung Quốc và kết nối với ga Yên Thường đi Nam Ninh - Trung Quốc thông qua tuyến Hà Nội - Lạng Sơn.
Tại khu vực miền Trung, tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam kết nối liên vận quốc tế với Lào tại ga Vũng Áng thông qua tuyến Mụ Giạ - Vũng Áng - Viêng Chăn.
Tại khu vực miền Nam, đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam kết nối vào ga Trảng Bom thông qua tuyến nhánh, từ ga Trảng Bom đã quy hoạch tuyến đường sắt kết nối với ga An Bình để đi Campuchia qua tuyến đường sắt TP HCM - Lộc Ninh và tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài.
Trong quá trình khai thác, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam mở tuyến liên vận quốc tế như đã triển khai hiện nay để khai thác hiệu quả tuyến đường sắt này.
Tại báo cáo này, Bộ GTVT cũng đã làm rõ ý kiến của đại biểu Quốc hội về việc đánh giá khả năng tiếp nhận công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam và làm rõ trường hợp nếu như không được nước ngoài chuyển giao công nghệ thì giải pháp thay thế cũng như khả năng tự chủ nội địa hóa công nghệ đường sắt tốc độ cao của Việt Nam sẽ như thế nào.
Theo Bộ GTVT, hiện nay, công nghiệp đường sắt trong nước mới chỉ đáp ứng nhu cầu bảo dưỡng, sửa chữa đường sắt hiện hữu, đóng mới toa xe hàng, toa xe khách với tốc độ dưới 120 km/h.
Theo kinh nghiệm quốc tế, để phát triển công nghiệp đường sắt đòi hỏi các quốc gia phải làm chủ công nghệ lõi, có nền công nghiệp phụ trợ phát triển và đặc biệt là cần có nguồn vốn rất lớn để đầu tư công nghệ, cơ sở vật chất.
Do đó, các quốc gia đều rất cân nhắc khi quyết định lựa chọn phạm vi phát triển công nghiệp đường sắt vì việc chuyển giao công nghệ chỉ hiệu quả khi quy mô thị trường đủ lớn.
Trong dự án đã nghiên cứu, đưa ra một số chính sách, điều kiện về chuyển giao công nghệ; đồng thời, Bộ GTVT cũng đã làm việc với một số doanh nghiệp trong nước như Tổng Cục công nghiệp - Bộ Quốc phòng, Tập đoàn Hòa Phát, Tập đoàn Thành Công,... để định hướng các doanh nghiệp có chiến lược và chủ động chuẩn bị nguồn lực tham gia quá trình triển khai và phát triển công nghiệp đường sắt sau này nhằm đạt được các mục tiêu định hướng phát triển công nghiệp đến năm 2045.
Tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, trong bước tiếp theo, Chính phủ sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ lưỡng hơn về khả năng tự chủ đội địa hóa công nghệ đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.
Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, trong đó đã cập nhật dự kiến nhu cầu sử dụng đất của dự án đường sắt tốc độ cao là khoảng 10.827 ha, các địa phương cũng đã cập nhật hướng tuyến và các công trình trên tuyến, nhu cầu quỹ đất dành cho dự án.
Tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại thành phố Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541km.
Về quy mô đầu tư của dự án, xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (hơn 67 tỷ USD). Dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035, bố trí vốn trong khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD, tương đương khoảng 1,3% GDP năm 2023, khoảng 1,0% GDP năm 2027 (thời điểm khởi công dự án). Quá trình triển khai sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư.
Hải Quân
Nguồn Doanh Nhân VN : https://doanhnhanvn.vn/duong-sat-cao-toc-bac-nam-se-ket-noi-voi-duong-sat-lien-van-quoc-te-a-au.html