Đường sắt kết nối tạo sự phát triển trong tương lai

Đường sắt kết nối tạo sự phát triển trong tương lai
7 giờ trướcBài gốc
Đoàn tàu liên vận chở gần 70 tấn dừa tươi miền Tây đi Trung Quốc
Ngày 25/10, tại ga Sóng Thần (tỉnh Bình Dương), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp các địa phương tổ chức lễ khởi hành chuyến tàu đầu tiên vận chuyển dừa tươi xuất khẩu sang Trung Quốc. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong số 63 tỉnh, thành cả nước, có ba địa phương có diện tích trồng dừa lớn nhất là Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang.
Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang cũng đã xây dựng đề án phát triển cây dừa nhưng chưa được triển khai rộng khắp vì chưa tìm được đầu ra cho cây dừa. Khi Chính phủ ký kết với Trung Quốc nghị định thư về xuất khẩu trái dừa tươi đã mở ra cơ hội cho việc thực hiện đề án. Đây cũng là cơ hội cho người nông dân trồng dừa tăng thu nhập, thay đổi cuộc sống. Vận chuyển dừa tươi bằng tàu liên vận sẽ tiết giảm chi phí và thủ tục hải quan thuận lợi hơn. Điều này giúp doanh nghiệp có thêm lợi nhuận để chia sẻ với nông dân.
Tại buổi lễ, ông Phan Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, với 10 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực đã mở rộng cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu ra quốc tế. Hiện Trung Quốc đã cấp phép nhập khẩu cho nhiều loại trái cây của Việt Nam, trong đó có mặt hàng dừa tươi. Chuyến tàu chở 67,5 tấn dừa tươi với hành trình 7 ngày là sản phẩm hợp tác giữa Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt (đơn vị vận hành đoàn tàu) và Công ty cổ phần Fado iExport. Thời gian qua, vận tải liên vận quốc tế đã được Nhà nước quan tâm, ưu tiên phát triển. Nước ta cũng đang nỗ lực để khẩn trương xây dựng các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào...
Đoàn tàu liên vận chở gần 70 tấn dừa tươi miền Tây đi Trung Quốc ngày 25/10.
Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp, so với các phương thức khác, vận chuyển bằng đường sắt sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí hơn, đảm bảo thời gian vận chuyển đúng giờ. Doanh nghiệp cũng kiến nghị các cơ quan chức năng có kế hoạch nâng cấp, mở rộng các ga liên vận như ga Sóng Thần để phát triển thành trung tâm logistics khu vực.
Quy hoạch xong hai tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc trong năm 2024
Bộ GTVT cũng vừa báo cáo Chính phủ kế hoạch nghiên cứu quy hoạch hai tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái kết nối Trung Quốc. Bộ GTVT cho biết, hành lang Hà Nội - Lạng Sơn có hai phương thức vận tải đường bộ và đường sắt. Trong đó vận tải hành khách chủ yếu thực hiện thuận lợi thông qua tuyến đường bộ cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn, quy mô 4-6 làn xe, tốc độ thiết kế 100-120km/h. Tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng hiện hữu có khổ lồng (khổ 1.000mm và khổ 1.435mm); tàu hàng và tàu khách chạy suốt từ ga Yên Viên đến ga Bắc Kinh Nam, kết nối liên vận quốc tế thuận lợi với Trung Quốc.
Tuy nhiên hiện mới khai thác 3 đôi tàu/ngày đêm (khoảng 20% năng lực của tuyến), trong khi năng lực hạ tầng có thể khai thác được 15 đôi tàu/ngày đêm và cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải đến sau năm 2030.
Theo quy hoạch, sau năm 2030, trên hành lang này tiếp tục xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435mm, vận chuyển hàng hóa và hành khách. Dự báo nhu cầu vận tải bằng đường sắt đến năm 2050 khoảng 9 triệu tấn hàng, khoảng 7,5 triệu lượt khách. Trên hành lang Hạ Long - Móng Cái có hai phương thức vận tải đường bộ và đường thủy. Trong đó vận tải hàng hóa chủ yếu bằng đường thủy nội địa và ven biển do chi phí thấp. Tuyến đường bộ cao tốc Hạ Long - Móng Cái mới đưa vào khai thác, quy mô 4 làn xe, có thể đáp ứng được nhu cầu vận tải hành khách đến năm 2040.
Theo quy hoạch, trên hành lang này có ba phương thức vận tải đường biển, đường bộ và đường sắt. Để giảm chi phí, hàng hóa sẽ ưu tiên vận tải bằng đường biển, đường sông; vận tải hành khách do đường bộ đảm nhận. Khi nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa liên vận quốc tế tăng cao sẽ đầu tư tuyến đường sắt. Bộ GTVT cũng cho hay, trước mắt triển khai lập quy hoạch chi tiết của hai tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng và Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái làm cơ sở để xác định hướng tuyến, tiêu chuẩn kỹ thuật, phương án đầu tư. Sau khi quy hoạch được duyệt sẽ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư.
Cụ thể, dự án tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng, chiều dài khoảng 156km; điểm đầu tại cửa khẩu Đồng Đăng, điểm cuối tại ga Yên Viên; kết nối Thủ đô Hà Nội với một số tỉnh phía Đông Bắc (Bắc Ninh, Bắc Giang và Lạng Sơn) và kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc qua cửa khẩu liên vận quốc tế đường sắt - Đồng Đăng. Dự kiến quy mô đầu tư: Khổ đường 1.435mm, điện khí hóa, vận tải hành khách và hàng hóa; tốc độ tàu khách 160km/h, tàu hàng khoảng 120km/h; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 6 tỷ USD. Dự án tuyến đường sắt Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái, chiều dài khoảng 187km, thuộc tuyến đường sắt Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định; điểm đầu tại ga Nam Đình Vũ (phường Hải An, TP Hải Phòng), điểm cuối tại điểm nối ray gần khu vực cầu Bắc Luân (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh). Tuyến kết nối các tỉnh ven biển phía Bắc và kết nối liên vận quốc tế với Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Dự kiến quy mô đầu tư: Khổ đường 1.435mm, điện khí hóa, vận tải hành khách và hàng hóa; tốc độ tàu khách 160km/h, tàu hàng khoảng 120km/h; tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 7 tỷ USD.
Hiện Bộ GTVT đã phê duyệt hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại của Chính phủ Trung Quốc để nghiên cứu, lập quy hoạch, làm cơ sở triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Bộ GTVT cũng đã giao Cục Đường sắt Việt Nam phối hợp với phía Trung Quốc để triển khai nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết, hoàn thành năm 2025, làm cơ sở đánh giá tính khả thi, xác định lộ trình đầu tư.
Bên cạnh đó, tại Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), Bộ GTVT cũng đề xuất bổ sung nội dung quy định các sản phẩm công nghiệp đường sắt được ưu tiên phát triển. Cụ thể, xác định công nghiệp đường sắt bao gồm: Sản xuất, lắp ráp, sửa chữa, hoán cải phương tiện giao thông đường sắt; sản xuất phụ kiện, phụ tùng, vật tư, thiết bị chuyên dùng cho đường sắt. Trên cơ sở đó, quy định các sản phẩm công nghiệp đường sắt gồm: thiết bị thông tin, tín hiệu, đầu máy, toa xe, ray, phụ kiện liên kết ray và thiết bị có yêu cầu kỹ thuật đặc biệt thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đại diện Cục Đường sắt Việt Nam, nhu cầu của thị trường đối với các sản phẩm công nghiệp đường sắt rất ít. Do đó dây chuyền công nghệ sản xuất chủ yếu do các doanh nghiệp công nghiệp đường sắt tự đầu tư nên còn manh mún, nhỏ lẻ, tập trung vào những sản phẩm có hàm lượng công nghệ thấp như: sản xuất tà vẹt, lắp ráp đầu máy, sản xuất khung vỏ toa xe...
Trong khi, theo quy định hiện nay, việc đầu tư các dự án đường sắt phải thực hiện theo cơ chế đấu thầu cạnh tranh trong nước và quốc tế. Việc này dẫn đến các doanh nghiệp của Việt Nam khó có khả năng tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng trang thiết bị đường sắt, đặc biệt là sản phẩm công nghiệp đường sắt hiện đại do không cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài đã có sẵn công nghệ và kinh nghiệm. Chính vì vậy, để từng bước tự chủ trong việc nghiên cứu sản xuất một số loại vật tư, trang thiết bị chủ yếu như ray, ghi, thiết bị thông tin tín hiệu điện, phương tiện đường sắt, cần thiết có cơ chế đặc thù để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước được Nhà nước đặt hàng thực hiện một số nhiệm vụ phát triển công nghiệp đường sắt trọng điểm, có tính chiến lược, làm tiền đề phát triển công nghiệp đường sắt.
Đặng Nhật
Nguồn CAND : https://cand.com.vn/giao-thong/duong-sat-ket-noi-tao-su-phat-trien-trong-tuong-lai-i748329/