Tại cuộc họp ngày 10-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã thống nhất sự cần thiết và trình QH xem xét chủ trương đầu tư dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Dự án này sẽ được trình QH tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, dự kiến khai mạc vào ngày 12-2.
Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh cho biết dự án đi qua 9 tỉnh, thành phố nước ta, có điểm đầu tại vị trí kết nối ray qua biên giới giữa ga Lào Cai mới và ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc); điểm cuối tại khu bến Lạch Huyện (TP Hải Phòng). Dự án có chiều dài tuyến chính khoảng 391 km, 3 tuyến nhánh khoảng 28 km. Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án vào khoảng 203.231 tỉ đồng (8,369 tỉ USD), từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn trong nước, nguồn vốn nước ngoài (vay Chính phủ Trung Quốc) và các nguồn vốn hợp pháp khác. Về tiến độ thực hiện, sẽ lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2030.
Về phía cơ quan thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, lưu ý về hiệu quả của dự án. Theo ông Thanh, như Chính phủ trình, dự kiến trong 5 năm đầu tiên khai thác dự án, doanh thu dự kiến chỉ bù đắp chi phí vận hành, bảo trì phương tiện; Nhà nước cần hỗ trợ sơ bộ khoảng 109,36 triệu USD chi phí bảo trì kết cấu hạ tầng. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị đánh giá tổng thể hiệu quả của các dự án đường sắt dự kiến sẽ đầu tư và đánh giá kỹ lưỡng phương án tài chính, các tác động trong quá trình vận hành, khai thác,... để giảm thiểu các rủi ro về sau.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh trình bày dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng Ảnh: TTXVN
Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý dự án có quy mô rất lớn, yêu cầu kỹ thuật cao, phức tạp và thời gian kéo dài sẽ tiềm ẩn rủi ro đã xảy ra với nhiều dự án trọng điểm thời gian qua như công tác chuẩn bị đầu tư chưa kỹ lưỡng, dự toán chưa sát thực tế, phương án thực hiện thiếu tính khả thi dẫn tới phải kéo dài thời gian, tăng tổng mức đầu tư. Cơ quan này đề nghị Chính phủ nghiên cứu kỹ lưỡng và có giải pháp khắc phục để bảo đảm không xảy ra tình trạng tương tự đối với dự án này.
Cùng ngày, Chính phủ cũng đã trình Ủy ban Thường vụ QH tờ trình đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Tại đề án này, Chính phủ đề xuất điều chỉnh tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2025 đạt 8% trở lên. Mức này cao hơn mục tiêu QH quyết nghị tại kỳ họp cuối năm ngoái khoảng 1 - 1,5 điểm phần trăm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%. Như vậy, quy mô GDP 2025 khoảng 500 tỉ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 5.000 USD. Cơ quan thẩm tra đánh giá việc điều chỉnh mục tiêu GDP năm nay sẽ góp phần tạo nền tảng tăng trưởng 2 con số từ năm 2026, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng. Tuy nhiên, Chính phủ cần đánh giá các điều kiện để bảo đảm khả thi trong thực hiện mục tiêu, nhất là các giải pháp bảo đảm an ninh tài chính, an toàn nợ công.
Ủy ban Thường vụ QH cũng cho ý kiến về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026 của Công ty mẹ - Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Theo đó, Chính phủ đề xuất bổ sung vốn điều lệ cho Công ty mẹ VEC giai đoạn 2024 - 2026 là 38.251 tỉ đồng, bao gồm: 1.562 tỉ đồng từ Quỹ Đầu tư phát triển tại doanh nghiệp, 36.689 tỉ đồng từ nguồn ngân sách Nhà nước (vốn đầu tư công đã giao kế hoạch cho Bộ Giao thông Vận tải để đầu tư 5 dự án đường bộ cao tốc do VEC làm chủ đầu tư và đã được giải ngân).
Đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật
Ban Chấp hành Đảng bộ QH nhiệm kỳ 2020 - 2025 tổ chức Hội nghị lần thứ nhất vào sáng 10-2. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy QH, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn chủ trì hội nghị.
Tại hội nghị, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Hải đã công bố các quyết định của Bộ Chính trị gồm: Quyết định số 244 - QĐ ngày 24-1-2025 của Bộ Chính trị về thành lập Đảng bộ QH; Quyết định số 1893 - QĐNS/TW ngày 24-1-2025 của Bộ Chính trị về việc chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy QH nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Theo đó, Bộ Chính trị chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ QH nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 39 người; chỉ định Ban Thường vụ Đảng ủy QH nhiệm kỳ 2020 - 2025 gồm 21 người; chỉ định Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn giữ chức Bí thư Đảng ủy QH nhiệm kỳ 2020 - 2025…
Chủ tịch QH đề nghị Đảng ủy QH tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chương trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật năm 2025 và chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật...
V.Duẩn
MINH PHONG