Đường sắt tốc độ cao cần ưu tiên huy động nguồn vốn trong nước

Đường sắt tốc độ cao cần ưu tiên huy động nguồn vốn trong nước
3 giờ trướcBài gốc
Khao khát Việt Nam sớm có đường sắt tốc độ cao
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các thành viên đã tham gia nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm quốc tế, đầu tư trí tuệ, tổ chức nhiều hội thảo để kịp thời báo cáo Quốc hội về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân phát biểu về dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Ảnh: TRỌNG HẢI
Đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm, đường sắt tốc độ cao đã được nhiều nước đầu tư xây dựng vài chục năm trước, mang lại phương tiện đi lại thuận lợi cho người dân, người lao động và khách du lịch, nhà đầu tư quốc tế.
"Tôi may mắn được trải nghiệm đường sắt tốc độ cao từ Zurich về Paris. Tôi rất khao khát Việt Nam sớm có phương tiện giao thông hiện đại này", đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, cách đây 15 năm, Quốc hội cũng đã thảo luận về vấn đề này, nhưng chưa chín muồi, đất nước chưa đủ điều kiện. Lúc đó, kinh tế vĩ mô còn bất ổn, nợ công thì cao. Hiện nay, đất nước chúng ta đã có điều kiện khá hơn. Kinh tế vĩ mô ổn định, nợ công thấp, GDP bình quân đầu người vượt qua mức trung bình thấp.
Khi đường sắt tốc độ cao đi vào hoạt động, việc đi lại của người dân sẽ thuận tiện, thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, đầu tư, đặc biệt là chúng ta sẽ khai thác được tất cả tiềm năng, lợi thế của địa phương mà tuyến đường sắt đi qua, đặc biệt là các tỉnh miền Trung.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội) cho rằng hiện nay đã bảo đảm 2 điều kiện cần và đủ cho việc đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao. Tỷ lệ nợ công thấp chiếm khoảng 37% GDP là dư địa tốt để huy động thêm 67 tỷ USD trong vòng 10 năm thì nợ công cũng chỉ tăng lên khoảng 45%GDP, thấp hơn rất nhiều so với trần nợ công được phép.
Nước ta có hình thế kéo dài, lưu thông hàng hóa, nhu cầu kết nối các trung tâm kinh tế dọc hành lang kinh tế Bắc-Nam rất lớn. Nhiều khu vực có tiềm năng phát triển nhưng chưa khai thác được do nút thắt chi phí logistics cao.
Quy mô nền kinh tế nước ta đang đà tăng nhanh nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa dọc hành lang kinh tế Bắc-Nam thời gian tới sẽ rất lớn. Chúng ta cần tăng lưu lượng hàng hóa xuất khẩu sang các nước Đông Âu, Trung Đông và Bắc Á để giảm bớt sự tập trung quá lớn vào một số thị trường có nhiều rủi ro. Do vậy cần xây dựng đường sắt tốc độ cao để kết nối với liên vận với mạng lưới vận chuyển quốc tế, khu vực.
Ưu tiên huy động nguồn vốn trong nước, hạn chế sử dụng vốn ODA
Nhấn mạnh rằng số tiền dự án rất lớn, hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tương đương 67 tỷ USD, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị tập trung huy động nguồn vốn trong nước, vay ưu đãi nước ngoài, hạn chế sử dụng vốn ODA.
Chi phí xây lắp khoảng 50%, khoảng 33 tỷ USD. Do vậy, đại biểu Trần Hoàng Ngân nêu quan điểm nên tập trung sử dụng nguyên vật liệu trong nước, huy động doanh nghiệp trong nước có năng lực chuyên môn để tham gia dự án này; tổ chức xây dựng ngành công nghiệp phụ trợ cho tuyến đường sắt tốc độ cao cũng như đường sắt đô thị; chuẩn bị nguồn nhân lực và đào tạo nguồn nhân lực cho đường sắt tốc độ cao cũng như đường sắt đô thị.
Bài toán cân đối ngân sách, ổn định kinh tế vĩ mô là bài toán rất khó. Để giảm áp lực cho ngân sách nhà nước, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, cần quan tâm đến nguồn thu từ đấu giá đất tại bến tàu, bến demo, vùng phụ cận; tài sản công, đất công hiện còn lãng phí, nên tổ chức đấu giá sớm để có nguồn thu; vốn tại các doanh nghiệp nhà nước còn rất lớn nhưng thiếu cơ chế đột phá để huy động nguồn thu từ doanh nghiệp nhà nước.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, các địa phương có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua trong tương lai sẽ tự chủ được ngân sách không cần điều tiết từ Trung ương về, thậm chí còn có thể điều tiết trở lại ngân sách Trung ương. Đại biểu bày tỏ hy vọng khi ấy sẽ có thêm nguồn thu để bảo đảm cho tuyến đường sắt.
Còn đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh quan điểm, đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam phải thực hiện theo phương thức chuyển giao công nghệ để làm chủ quá trình đầu tư và phát triển ngành đường sắt trong nước.
“Bài học kinh nghiệm từ các tuyến đường sắt tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh do nhà đầu tư nước ngoài thi công trọn gói, khi điều kiện không đáp ứng là nhà đầu tư nước ngoài có thể dừng và yêu cầu xử phạt hợp đồng. Thêm vào đó, quá trình vận hành, sửa chữa, thay thế sẽ phụ thuộc mãi mãi vào các nhà cung cấp nước ngoài”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu tiếp tục lựa chọn nhà cung cấp nước ngoài qua đấu thầu như các tuyến đường sắt đô thị vừa qua thì rủi ro thời gian chưa biết khi nào hoàn thành, vốn đội lên bao nhiêu, nguy hiểm hơn là phải lệ thuộc mãi mãi vào nhà cung cấp nước ngoài.
CHIẾN THẮNG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/duong-sat-toc-do-cao-can-uu-tien-huy-dong-nguon-von-trong-nuoc-803793