Đường sắt tốc độ cao đi qua những xã nào của Quảng Ngãi?

Đường sắt tốc độ cao đi qua những xã nào của Quảng Ngãi?
10 giờ trướcBài gốc
Ngày 10/7, Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đơn vị vừa có báo cáo tình hình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng Dự án tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam qua địa bàn.
Vị trí dự kiến đặt nhà ga đường sắt tốc độ cao, đoạn qua Quảng Ngãi. (Ảnh: Lê Danh)
Theo đơn vị, trên cơ sở nghiên cứu tiền khả thi, dự án có chiều dài tuyến qua Quảng Ngãi là 86,3km. Điểm đầu tại Km 800+100 (thuộc xã Bình Khương, huyện Bình Sơn nay là xã Bình Minh, tỉnh Quảng Ngãi), điểm cuối tại Km 886+400 (thuộc xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ nay là xã Khánh Cường, tỉnh Quảng Ngãi).
Tuyến chạy song song về phía Tây, không giao cắt với đường sắt hiện hữu và quốc lộ 1, đồng thời cơ bản song song với cao tốc Bắc - Nam, có giao cắt với cao tốc 4 vị trí.
Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao chạy song song về phía Tây với đường sắt và quốc lộ 1 hiện hữu. (Ảnh: Lê Danh)
Công trình có quy mô gồm: 44 cầu, tổng chiều dài 58,3km, chiếm 67,6% chiều dài toàn tuyến (18 cầu vượt sông, đường bộ và 26 cầu cạn). Cùng với đó là 4 hầm, tổng chiều dài 10,1km, chiếm 11,7% và 21 vị trí nền đường đào, đắp dài 17,9km, chiếm 20,7%.
Dự án đi qua địa bàn 17 đơn vị hành chính cấp xã mới của tỉnh Quảng Ngãi gồm: Bình Minh, Bình Sơn và Bình Chương (huyện Bình Sơn cũ), với chiều dài tuyến 13,9km; Thọ Phong, Sơn Tịnh (huyện Sơn Tịnh cũ) dài 13,5km; đoạn qua phường Nghĩa Lộ (thành phố Quảng Ngãi cũ) dài 3,8km; qua hai xã Nghĩa Giang và Vệ Giang (huyện Tư Nghĩa cũ) dài 1,9km.
Đoạn qua hai xã Nghĩa Hành và Đình Cương (huyện Nghĩa Hành cũ) dài 12,2km; qua xã Mộ Đức, Long Phụng và Lân Phong (huyện Mộ Đức cũ) dài 27,2km. Tuyến qua địa bàn các xã, phường mới thuộc địa phận thị xã Đức Phổ trước đây gồm: xã Nguyễn Nghiêm, Khánh Cường và phường Trà Câu, Đức Phổ dài 26km.
Tổng diện tích sử dụng đất của dự án đoạn qua Quảng Ngãi hơn 561ha, trong đó đa phần là đất nông nghiệp.
Dự án đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa.
Điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tuyến áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa. Sơ bộ tổng mức đầu tư hơn 1,7 triệu tỷ đồng, nhu cầu sử dụng đất khoảng 10.827ha.
Đến nay, Quảng Ngãi đã tập trung rà soát và đề xuất các nội dung liên quan đến hồ sơ ranh giới dự án theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Phối hợp với Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Xây dựng) để cử thành viên tham gia Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc giải phóng mặt bằng dự án.
Cũng như yêu cầu các địa phương vùng dự án đi qua nhanh chóng rà soát diện tích đất, số hộ dân, công trình, khu di tích, mồ mả... bị ảnh hưởng bởi dự án. Từ đó, xác định vị trí các khu tái định cư, cải táng mồ mả, phương án di dời hạ tầng kỹ thuật nằm trong hành lang và kinh phí thực hiện.
Đồng thời, rà soát số lượng lô đất, vị trí cải táng mồ mả chưa bố trí trong các Khu tái định cư, Khu cải táng của hai dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và Quảng Ngãi - Hoài Nhơn để dự kiến bố trí cho dự án.
Quảng Ngãi đang rốt ráo chuẩn bị công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án. (Ảnh: Lê Danh)
Ông Nguyễn Phúc Nhân, Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi cho hay, bám sát nhiệm vụ thuộc thẩm quyền, đơn vị đã tham mưu UBND tỉnh phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành liên quan. Đồng thời, tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy thành lập Ban Chỉ đạo, tổ giúp việc giải phóng mặt bằng dự án, theo đúng tiến độ yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp với các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan rà soát, bổ sung khu vực khoáng sản vào quy hoạch tỉnh để chủ động nguồn vật liệu phục vụ dự án, công bố giá định kỳ theo quy định.
Ông Nhân thông tin thêm, hiện tại Sở Nông nghiệp và Môi trường đã đề xuất UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi làm chủ đầu tư Tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư phục vụ dự án theo đúng luật Xây dựng và luật Đầu tư công.
Theo kế hoạch, Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án trong tháng 9/2026.
Các địa phương, chịu trách nhiệm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cơ bản hoàn thành trước tháng 12/2026 để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công xây dựng.
Tổ chức lựa chọn nhà thầu giai đoạn thực hiện dự án, ký kết hợp đồng và đảm bảo các điều kiện để khởi công xây dựng trước ngày 31/12/2026, đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2035.
Lê Danh
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/duong-sat-toc-do-cao-di-qua-nhung-xa-nao-cua-quang-ngai-192250710101802077.htm