Đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam: Cần giải pháp kiểm soát nguy cơ rủi ro tài chính trong dài hạn

Đường sắt tốc độ cao trục Bắc Nam: Cần giải pháp kiểm soát nguy cơ rủi ro tài chính trong dài hạn
một ngày trướcBài gốc
Đầu tư dự án là hết sức cần thiết
Tại phiên thảo luận, các ĐBQH cho rằng, chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao là rất cần thiết và phù hợp với chiến lược phát triển của đất nước; đặc biệt là trong việc thúc đẩy hệ thống giao thông hiện đại, giảm tải áp lực đường bộ, đường hàng không và giảm ô nhiễm môi trường.
ĐBQH Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) nhấn mạnh, Việt Nam cần có một loại hình vận tải có hiệu suất cao để phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Ảnh: Hạnh Nhung
ĐBQH Huỳnh Thành Chung (Bình Phước) cho biết, với địa hình lãnh thổ có chiều dài xấp xỉ 1.750 km, Việt Nam cần có một loại hình vận tải có hiệu suất cao để phục vụ phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng; đặc biệt đối với các vùng khó khăn dự án đi qua sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, giao lưu hàng hóa; hơn nữa, sẽ đa dạng hóa các loại hình phương tiện, làm giảm áp lực cho hệ thống hạ tầng giao thông.
Góp ý cụ thể liên quan đến vấn đề nguồn vốn đầu tư, đại biểu Huỳnh Thành Chung cho biết, đối với một dự án mang tính chiến lược quốc gia, bền vững, có vai trò lớn đối với nền kinh tế thì chủ trương đầu tư công sẽ mang tính bền vững và quản lý tốt hơn sau này.Nguồn vốn đầu tư công cũng sẽ cho phép Chính phủ chủ động tính toán, vận hành, khai thác, phục vụ cho các mục đích khác.
Về kỹ thuật và công nghệ, đại biểu nhận thấy, nên chọn tốc độ tối thiểu tuyến đường là 350km/h và hướng tới 380km/h – 400km/h, việc này sẽ giúp rút ngắn thời gian khai thác. Giá vé cũng phải thấp hơn, đối với tuyến đường dài đề xuất không quá 70% và tuyến đường ngắn không quá 85% so với giá vé máy bay. “Nếu khai thác tốt thời gian, giá vé hợp lý thì chắc chắn đây sẽ là loại hình giao thông được người dân ưu tiên lựa chọn”.
Băn khoăn việc các vùng, khu vực mà Dự án đi qua đa phần thường phải gánh chịu nhiều cơn bão, mưa lũ hàng năm, đại biểu Huỳnh Thành Chung đề nghị Chính phủ cần xác định tỷ lệ đường trên cao, tỷ lệ hầm, hầm xuyên núi, hệ thống cầu phải bảo đảm an toàn vận hành trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Ngoài ra, công tác định hướng, hỗ trợ các ngành liên quan đến đường sắt cũng phải được đầu tư tương xứng, bảo đảm công tác thay thế, sửa chữa, bảo trì về sau.
ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị cân nhắc và tập trung vào nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, môi trường, đào tạo nhân lực... Ảnh: Hạnh Nhung
ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đánh giá, với tổng vốn đầu tư ước tính 67 tỷ USD, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam hứa hẹn góp phần thay đổi diện mạo giao thông vận tải, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Lưu ý vấn đề nguồn vốn và rủi ro phải trả nợ là một áp lực lớn đối với dự án này, để bảo đảm tính khả thi, đại biểu Hà Sỹ Đồng đề nghị có các giải pháp minh bạch, quản lý chặt chẽ và kiểm soát nguy cơ rủi ro về tài chính dài hạn.
"Dự án rất cần một cơ chế linh hoạt và đặc thù, bao gồm cả việc kêu gọi nguồn vốn từ các quỹ đầu tư quốc tế, vay vốn ưu đãi hoặc huy động trái phiếu trong nước để giảm áp lực cho ngân sách. Ngoài ra, việc phân nhỏ các thành phần đầu tư theo giai đoạn không chỉ giúp giám sát kỹ càng hơn mà còn tạo điều kiện phân bổ nguồn lực hợp lý, tránh lãng phí các nguồn lực và phù hợp với năng lực tài chính của từng thời kỳ của nước ta", đại biểu nói.
Việt Nam chưa có kinh nghiệm về đường sắt tốc độ cao nên sẽ phát sinh rủi ro trong việc vận hành và bảo trì. Do đó, đại biểu cũng đề nghị cần dự trù ngân sách và kế hoạch bảo trì dài hạn để bảo đảm tính bền vững.
Nhất trí cao việc có 19 cơ chế, chính sách đặc thù đối với Dự án này, đại biểu Hà Sỹ Đồng cũng đề nghị, khi áp dụng các cơ chế đặc thù cần quán triệt chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể và có cơ chế kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ để đạt hiệu quả tốt nhất, tránh tiêu cực, lãng phí trong quá trình thực hiện.
Liên quan đến việc chuyển giao công nghệ, đại biểu cho rằng, cần tập trung đào tạo nhân lực kỹ thuật chất lượng cao và hợp tác với các đối tác có kinh nghiệm trong lĩnh vực này để bảo đảm Dự án vận hành hiệu quả.
ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) đề xuất xem xét tăng thời gian chuẩn bị đầu tư từ 3-5 năm. Ảnh: Hạnh Nhung
Theo báo cáo của Chính phủ, thời gian thực hiện đề án là 10 năm (2025-2035). Giai đoạn 2025-2026 sẽ tập trung hoàn thành công tác lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi cùng với thiết kế kỹ thuật; năm 2027 dự án sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng, tổ chức chọn nhà thầu, khởi công xây dựng và dự kiến hoàn thành 2035. ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) đề nghị Chính phủ cần cẩn trọng, tính toán đầy đủ những khó khăn, thách thức; có thể xem xét tăng thời gian chuẩn bị từ 3-5 năm để bảo đảm công tác chuẩn bị đầu tư tốt nhất.
Đồng thời, Chính phủ cần đánh giá kỹ tác động của việc đầu tư đến bội chi ngân sách nhà nước, đến nợ công và khả năng trả nợ của ngân sách trong trung và dài hạn.
Hạnh Nhung
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/duong-sat-toc-do-cao-truc-bac-nam-can-giai-phap-kiem-soat-nguy-co-rui-ro-tai-chinh-trong-dai-han-post396228.html