Bài 1: Thời điểm “chín muồi” để đầu tư
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài chính tuyến khoảng 1.541km, đi qua 20 địa phương. Ảnh minh họa
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Các ý kiến đồng thuận cho rằng, đây là thời điểm “chín muồi” để đầu tư Dự án.
Đủ điều kiện để làm và phải quyết tâm làm
Nghiên cứu một số quốc gia có mạng lưới đường sắt tốc độ cao phát triển trên thế giới cho thấy, Nhật Bản đã quyết định đầu tư tuyến đường sắt đầu tiên năm 1950 khi GDP tính theo đầu người mới đạt khoảng 250 USD. Trung Quốc nhập cuộc năm 2005 khi GDP đầu người đạt 1.753 USD. Indonesia đầu tư năm 2015 khi GDP đầu người khoảng 3.322 USD…
Tại Việt Nam, hơn 14 năm trước (năm 2010), khi đưa ra Quốc hội, tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam nhận về cái lắc đầu từ đại đa số đại biểu do lo ngại tổng mức đầu tư quá lớn kéo theo gánh nặng nợ công. Thời điểm đó, tổng mức đầu tư dự án được tính toán là 56 tỷ USD trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam rất khó khăn. Thế nhưng hiện nay, các điều kiện về năng lực tài chính nước ta hiện đã khác biệt hơn rất nhiều.
Khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy, đây là thời điểm “chín muồi” để xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao khi GDP bình quân đầu người năm 2023 của Việt Nam đạt khoảng 4.282 USD và ước đạt khoảng 7.500 USD vào năm 2030. Quy mô nền kinh tế năm 2023 khoảng 430 tỷ USD, gấp gần 3 lần so với năm 2010; nợ công xuống ở mức thấp, chỉ khoảng 37% GDP. Dự kiến thời điểm triển khai Dự án vào năm 2027, quy mô nền kinh tế khoảng 564 tỷ USD nên nguồn lực để đầu tư không còn là trở ngại lớn.
Mới đây, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: Chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là yêu cầu khách quan, là lựa chọn mang tính chiến lược để nước ta phát triển hạ tầng, tạo ra không gian phát triển mới, tạo ra giá trị gia tăng, giúp người dân đi lại thuận lợi, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế... Đặc biệt, đây là một trong những công trình biểu tượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Dự kiến, ngày 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sẽ trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Sau đó, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ. Ngày 20/11, nội dung này sẽ được thảo luận tại Hội trường. Ngày 30/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, hiện nay chúng ta đã có dư địa để thực hiện Dự án và có thể huy động nhiều nguồn lực để thực hiện từ ngân sách trung ương, địa phương, vay vốn, phát hành trái phiếu, hợp tác công - tư… Chúng ta đủ điều kiện để làm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và phải quyết tâm làm; phải có cách làm mới, đổi mới quản trị, huy động nguồn lực, chống tiêu cực, lãng phí. Đồng thời, phải xây dựng các cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành Dự án; ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại trong xây dựng, quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt...
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh) - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - đánh giá, nếu như trước đây chúng ta chần chừ vì không có điều kiện thì nay đã đủ tiềm lực và các nền tảng cơ bản để triển khai. Đặc biệt, việc triển khai Dự án nhận được sự đồng thuận rất lớn của người dân nên chúng ta phải tập trung làm và làm cho được. “Chúng ta có nhiều thuận lợi, đó là trình độ xây dựng của Việt Nam đã được chứng minh qua quá trình xây dựng nhiều công trình, cây cầu quy mô lớn; nợ công đã giảm; Việt Nam đã thăng hạng trong Bảng xếp hạng tín nhiệm quốc gia nên có thể vay với lãi suất thấp… Cho nên, việc triển khai Dự án sẽ đảm bảo tính khả thi” - ông Ngân chỉ rõ.
Công trình đặc biệt quan trọng, mang lại lợi ích lớn về kinh tế - xã hội
Theo đề xuất của Chính phủ, Dự án có tổng chiều dài chính tuyến khoảng 1.541km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi, điểm cuối tại ga Thủ Thiêm, đi qua 20 địa phương. Tuyến được xây dựng đường sắt đôi, khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; trên tuyến bố trí 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án khoảng 1.713.548 tỷ đồng (tương đương 67,34 tỷ USD). Nguồn vốn thực hiện Dự án từ ngân sách trung ương.
Về tiến độ thực hiện Dự án, Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư quý IV/2024, lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi năm 2025-2026, khởi công Dự án năm 2027, phấn đấu cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035.
Đặc biệt, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho phép Dự án được áp dụng 19 chính sách, cơ chế đặc thù. Trong đó, đáng chú ý, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho áp dụng danh mục sản phẩm công nghiệp đường sắt, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp khác phục vụ Dự án thuộc đối tượng giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng cho tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam...
Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, việc đầu tư Dự án sẽ mang lại những lợi ích lớn cho nền kinh tế, tạo tiền đề, động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đáp ứng nhu cầu vận tải, tái cơ cấu vận tải theo hướng phát huy tối đa lợi thế của từng phương thức. Đồng thời, việc đầu tư Dự án mở ra không gian phát triển kinh tế mới, nguồn lực mới thông qua khai thác hiệu quả quỹ đất, phát triển công nghiệp xây dựng, công nghiệp vật liệu xây dựng (thép, xi măng); phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị; giảm ô nhiễm môi trường; giảm tai nạn giao thông; tạo ra hàng triệu việc làm. Trong thời gian xây dựng Dự án, ước tính góp phần tăng GDP bình quân khoảng 0,97 điểm phần trăm/năm.
Trong vai trò thành viên Tổ tư vấn giúp việc Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, PGS,TS. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam - tin tưởng, đường sắt tốc độ cao sẽ trở thành biểu tượng của sự phát triển đất nước. Khi đó, người dân Việt Nam sẽ có thể tự hào về một hệ thống giao thông hiện đại, không chỉ mang lại tiện lợi mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững cho nhiều thế hệ sau.
Theo phương án xây dựng toàn tuyến trong 12 năm với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 67 tỷ USD, mỗi năm Dự án cần gần 5,6 tỷ USD. Vậy, tính khả thi của nguồn vốn này như thế nào, kính mời quý độc giả đón đọc kỳ tiếp theo…/.
NHÓM PHÓNG VIÊN