Đường vành đai 4 là mạch máu phát triển kinh tế vùng

Đường vành đai 4 là mạch máu phát triển kinh tế vùng
2 giờ trướcBài gốc
Dự án đường vành đai 4 TP.HCM sẽ là bài toán giải quyết các vấn đề về chi phí logistics, mở ra không gian phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh về kinh tế - xã hội.
Nâng cao năng lực cạnh tranh cho cả vùng
Trao đổi với PV, ông Trần Hữu Hiệp, chuyên gia kinh tế, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho rằng vùng Đông Nam Bộ, ĐBSCL và Tây Nguyên có sự gắn bó đặc biệt với TP.HCM. Vì vậy, chúng ta cần nhìn TP.HCM trong cả tổng thể. TP.HCM là một TP nhưng lại có ý nghĩa như một vùng kết nối liên vùng đặc biệt quan trọng, có mối quan hệ mật thiết với các vùng kinh tế trọng điểm khác.
Vai trò, đầu mối TP.HCM đã được thể hiện rất rõ trong quy hoạch, trong quá trình hình thành và phát triển từ giao thông đường bộ, đường thủy và hàng không. Lâu nay, hệ thống giao thông đường bộ kết nối với TP.HCM là vô cùng quan trọng chiếm tới 80% và đều kết nối với TP.HCM, thông qua hệ thống cảng. Vì vậy, các tuyến đường giao thông, đường vành đai 4 không chỉ riêng của TP.HCM mà nó là tuyến đường đặc biệt quan trọng cho cả liên vùng ĐBSCL, Tây Nguyên và quốc tế.
Một đoạn phối cảnh vành đai 4 TP.HCM trong tương lai. Ảnh: Sở GTVT cung cấp
Theo ông Hiệp, không chỉ vận tải, logistics liên vùng cũng đặc biệt quan trọng. Hiện nay, cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành và đã thấy rõ vai trò của nó, với mật độ phương tiện rất lớn. Cao tốc TP.HCM - Bến Lức - Long Thành vẫn chưa hoàn thành nên tuyến đường vành đai 4 càng được kỳ vọng hơn bao giờ hết. Vành đai 4 hoàn thành sẽ kết nối các trục giao thông với nhau, sẽ gắn kết từ kinh tế, giao thông, du lịch từ ĐBSCL, TP.HCM, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, tỉnh Long An có nhiều khu công nghiệp và các cụm công nghiệp ở TP Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang sẽ kết nối với vành đai 4 thuận tiện, dễ dàng. Vì vậy, vành đai 4 hoàn thành sớm sẽ tạo ra động lực mới, không gian phát triển mới, phát huy hiệu quả kinh tế liên vùng, phát triển logistics liên vùng.
“Có thể thấy chi phí logistics trong vùng Đông Nam Á, chi phí logistics liên vùng đang cao hơn so với mặt bằng chung, có nhiều hạn chế trong suốt thời gian dài. Vì vậy, cần sớm triển khai và đưa dự án vành đai 4 hoàn thành để nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực, điều đó là vô cùng cấp thiết” - ông Hiệp nói.
Sớm khơi thông mạch máu vành đai 4
Theo PGS-TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, dự án vành đai 4 có ý nghĩa quan trọng, là mạch máu phát triển kinh tế. Tuy nhiên, mạch máu này đã bỏ quên nhiều năm, vô tình kìm hãm phát triển trong vùng Đông Nam Bộ, phát triển liên vùng. Vành đai 4 được triển khai sẽ khơi thông mạch máu, thêm một phần kết nối liên kết vùng cho Đông Nam Bộ và đầu tàu là TP.HCM, Tây Nguyên và ĐBSCL. Vành đai 4 sẽ liên kết cụm cảng công nghiệp, cảng biển, sân bay Long Thành, cảng biển ở Bà Rịa-Vũng Tàu và ĐBSCL - vùng nguyên liệu lớn.
Theo ông Hưng, mỗi một địa phương có một thế mạnh và cần khơi thông hạ tầng mới có thể phát triển, giảm thiểu chi phí logistics, thu hút đầu tư về các tỉnh lân cận, kết nối nguồn nguyên liệu thuận tiện hơn. Lúc này, sẽ huy động nguồn lực thuận tiện, khơi thông cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kinh tế mạnh mẽ, tăng năng lực cạnh tranh. Thực tế, từ TP.HCM đi Bình Thuận cũng bằng đi Bà Rịa-Vũng Tàu điều này vô cùng bất hợp lý. Vì vậy, khơi thông vành đai 4, vành đai 3, các tuyến cao tốc kết nối là cấp thiết để khơi thông tiềm năng này.
Để làm được vành đai 4, TP.HCM và các địa phương cần thông tin đầy đủ để người dân hiểu, thông qua dự án và hiểu được ý nghĩa dự án gắn với người dân ra sao. Trong đó, các cơ chế, chính sách cần đảm bảo, gắn liền với người dân, có chính sách việc làm, an sinh xã hội để người dân không ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng thấp nhất.
Ông Hưng cho rằng từ nhận thức, hiểu và thông cảm chắc chắn dự án sẽ được ủng hộ. Lúc này, dự án mới có thể có được mặt bằng sạch, việc triển khai dự án mới có thể nhanh, đồng bộ. Vì vậy, các địa phương và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Bên cạnh đó, chế độ cho cán bộ triển khai công tác giải phóng mặt bằng ở các địa phương cần có thưởng phạt rõ ràng, đây là yếu tố then chốt để dự án có thể triển khai sớm được hay không.
Tiếp theo, khi có mặt bằng thì công tác triển khai thi công vô cùng quan trọng. Các địa phương cũng phải thành lập các ban chỉ đạo, phối hợp triển khai thi công, các cơ chế, chính sách, tài chính để dự án vành đai 4 nhanh và đảm bảo chất lượng. Các đơn vị cũng cần có cơ chế giám sát, kiểm tra rõ ràng và nhiệm vụ của các nhà thầu, chủ đầu tư, trách nhiệm của các sở, ngành trong từng khâu. Bên cạnh đó cần có các hoạt động tuyên truyền mạnh mẽ từ mạng xã hội, báo chí để lan tỏa, tập trung vào sự phát triển kinh tế - xã hội và lợi ích người dân được hưởng từ dự án.
“Đây là dự án trọng điểm kết nối vùng, đi qua nhiều địa phương. Trung ương và địa phương cần tăng cường kết nối để mang lại hiệu quả. Hội đồng vùng Đông Nam bộ đã có, dự án nếu gặp khó khăn cần sớm tháo gỡ. Đồng thời, cần có hình thức khen thưởng phù hợp, chế tài để đảm bảo triển khai dự án hiệu quả. Các nhà thầu khi tham gia dự án trọng điểm quốc gia - vành đai 4 phải là nhà thầu uy tín. Trường hợp nhà thầu làm việc không hiệu quả cần kiểm điểm, loại bỏ và thay thế ngay để đảm bảo tiến độ” - ông Hưng đề xuất.
Đường Võ Nguyên Giáp kết nối vào khu vực cảng Cát Lái - Phú Hữu thường xuyên kẹt xe vào giờ cao điểm. Ảnh: ĐÀO TRANG
Tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp
Là một tài xế lái xe đường dài, thường xuyên chở hàng vào khu vực cảng biển, khu công nghiệp ở TP.HCM, anh Nguyễn Văn Thương cho biết các tuyến đường này hiện đã quá tải. Để có thể di chuyển được vào cảng Cát Lái - Phú Hữu đôi khi anh phải mất đến 2 giờ đồng hồ. Thậm chí, từ cảng Cát Lái về khu vực cảng Hiệp Phước (Nhà Bè) cũng mất 5-6 giờ. Tình trạng ùn ứ, kẹt xe thường xuyên không chỉ khiến các tài xế mệt mỏi mà còn khiến chi phí vận chuyển của doanh nghiệp tăng cao.
“Để chạy xong một chuyến hàng với quãng đường 30-40 km, tài xế phải mất 6-8 giờ vì phải chôn chân ở những đoạn đường thường xuyên ùn ứ như Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Hữu Thọ, Quốc lộ 1, Võ Chí Công… Chúng tôi mong có nhiều tuyến đường mới như vành đai 4, vành đai 3 để kết nối tới khu vực cảng biển, khu công nghiệp một cách thuận tiện, rút ngắn thời gian và chi phí vận chuyển” - anh Nguyễn Văn Thương nói.
Tương tự, doanh nghiệp Thế Hùng, chuyên vận tải logistics, cũng cho biết hiện nay chi phí vận chuyển tăng cao, đa phần vì thời gian thực hiện một chuyến hàng quá lớn. Vào những ngày cuối năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa càng tăng cao nên các tuyến đường vào cảng càng kẹt xe nghiêm trọng. Vì vậy, doanh nghiệp mong muốn TP.HCM sớm hoàn thành các tuyến đường vành đai để mở ra những con đường mới cho vận chuyển hàng hóa, tăng năng lực thông hành, năng lực cạnh tranh.
ĐÀO TRANG
Nguồn PLO : https://plo.vn/duong-vanh-dai-4-la-mach-mau-phat-trien-kinh-te-vung-post833650.html