Cầu Ba Láng bắc qua sông Cần Thơ, cầu lớn nhất trong dự án Đường Vành đai phía Tây đang được thi công với sản lượng đạt hơn 32%. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)
Ngày 26/3, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Trương Cảnh Tuyên đi kiểm tra hiện trường và làm việc với các địa phương, đơn vị liên quan dự án Đường Vành đai phía Tây.
Dự án Đường Vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ (nối Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C) có tổng mức đầu tư gần 3.838 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2021-2026. Chiều dài tuyến hơn 19 km; điểm đầu giao với Quốc lộ 91 tại quận Ô Môn và điểm cuối giao Quốc lộ 61C tại quận Cái Răng.
Sở Xây dựng thành phố Cần Thơ - chủ đầu tư dự án cho biết, dự án có khoảng 1.247 trường hợp bị ảnh hưởng, đến nay đã hoàn thành đo đạc, kiểm đếm, đã chi trả tiền bồi hoàn cho 655 trường hợp (đạt hơn 52%), đã bàn giao mặt bằng khoảng 50%.
Dự án có 7 gói thầu xây lắp, trong đó đã triển khai 4 gói, các gói còn lại đã có kết quả thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và chưa thẩm định hồ sơ dự toán (chờ phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án).
Báo cáo với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, ông Nguyễn Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, dự án đang gặp khó khi chi phí giải phóng mặt bằng đã gần tương đương 100% giá trị được duyệt nhưng chỉ thực hiện cho khoảng hơn 50% tổng số trường hợp bị ảnh hưởng.
Năm 2025, vốn đã bố trí cho dự án hơn 1.109 tỷ đồng (vốn Trung ương bố trí cho xây lắp là 800 tỷ đồng và vốn địa phương là hơn 309 tỷ đồng). Để giải ngân hết số vốn này cần phải có thêm mặt bằng để thi công 4 gói thầu đang thực hiện và đấu thầu các gói còn lại.
Đối với công tác tái định cư, một số khu tái định cư của các quận, huyện đang trong giai đoạn hoàn thiện và chưa có giá nền tái định cư nên chưa đủ điều kiện để bàn giao nền tái định cư cho các hộ dân, ảnh hưởng rất lớn đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Ngoài ra, công tác đắp nền đường rất chậm, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện dự án do nguồn cát nền rất khan hiếm, giá tăng rất cao so với giá trong gói thầu…
Cũng theo chủ đầu tư, hiện chi phí giải phóng mặt bằng đã đạt 99,76% giá trị được duyệt nhưng chỉ thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho khoảng hơn 50% tổng số trường hợp bị ảnh hưởng; giá vật liệu xây dựng biến động mạnh dẫn đến trượt giá thực tế cao hơn 2 lần so với mức tính dự toán trong tổng mức đầu tư.
Với những khó khăn trên, cần phải điều chỉnh chủ trương và tổng mức đầu tư dự án. Sở Xây dựng đã lập hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, thông qua Hội đồng thẩm định chủ trương đầu tư hồi tháng 5/2024 và đã thông qua Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân nhưng chưa được Hội đồng Nhân dân thông qua do chưa bố trí được nguồn vốn bổ sung cho dự án điều chỉnh.
Để đảm bảo tiến độ giải ngân năm 2025 đạt tỷ lệ trên 95%, Sở Xây dựng Cần Thơ kiến nghị Ủy ban Nhân dân thành phố sớm thống nhất thông qua chủ trương điều chỉnh dự án.
Ủy ban Nhân dân các quận huyện liên quan chỉ đạo Ban Quản lý dự án và Phát triển quỹ đất đẩy nhanh tiến độ xét pháp lý, sẵn sàng phê duyệt và bàn giao mặt bằng các gói thầu ngay sau khi chủ trương và tổng mức đầu tư dự án được phê duyệt…
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Trương Cảnh Tuyên cho biết, đây là dự án hết sức quan trọng, công trình trọng điểm của thành phố. Do vậy, chủ đầu tư, địa phương, đơn vị liên quan cần xây dựng kế hoạch hết sức chi tiết, phân công cụ thể người phụ trách, với phương châm "5 rõ" như Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo là “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả.”
Ông Trương Cảnh Tuyên đề nghị chủ đầu tư phối hợp cùng Ủy ban Nhân dân các quận, huyện liên quan tập trung công tác giải phóng mặt bằng các gói thầu đang triển khai để bàn giao cho đơn vị thi công. Sở Xây dựng xây dựng phương án cụ thể về điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án trình Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố và Hội đồng Nhân dân thành phố xem xét.
Dự án Đường Vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ được Thủ tướng Chính phủ phát lệnh khởi công ngày 17/11/2022. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 3.838 tỷ đồng (ngân sách trung ương 2.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1.838 tỷ đồng); trong đó, chi phí xây dựng 2.684 tỷ đồng, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn các chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí dự phòng... Thời gian thực hiện từ năm 2021 – 2026.
Theo thiết kế, tuyến đường vành đai phía Tây có điểm đầu nối Quốc lộ 91 tại quận Ô Môn, đi qua các quận, huyện: Bình Thủy, Phong Điền, Ninh Kiều, Cái Răng rồi nối vào Quốc lộ 61C. Toàn tuyến dài 19,3 km, mặt cắt ngang đầu tư 2 đơn nguyên, mỗi bên 16,5 m (phần mặt đường 11 m), vận tốc thiết kế 50 - 60 km/giờ... với 25 cầu; trong đó, lớn nhất là cầu Ba Láng vượt sông Cần Thơ dài 518 m, 14 cống mỗi bên cùng 9 nút giao và 9 điểm quay đầu xe./.
(TTXVN/Vietnam+)