Đường vào đại học quốc lập Nhật Bản của chàng trai học bổ túc

Đường vào đại học quốc lập Nhật Bản của chàng trai học bổ túc
một ngày trướcBài gốc
Tháng 4 này, Nguyễn Xuân Thi sẽ chính thức nhập học ngành Kinh tế, Trường Đại học quốc lập Fukushima, Nhật Bản. Sinh năm 2000, Thi vào đại học sau các bạn đồng trang lứa tận bảy năm. Nhưng đó là một hành trình dài truyền cảm hứng với nhiều cố gắng và nỗ lực không mệt mỏi.
Xuân Thi là tân sinh viên đại học ở tuổi 25.
Thi sinh ra và lớn lên tại huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa. Khi còn nhỏ, bố mẹ đi làm xa nên cậu chủ yếu sống với ông nội. Một trong những ký ức sâu sắc về cái nghèo của Thi là cái Tết năm cấp hai, cậu bảo không muốn mẹ đi làm xa, nhưng mẹ nói rằng nếu không đi thì nhà sẽ chẳng còn gì để ăn.
Tuổi dậy thì không được định hướng, Thi ham chơi, mê điện tử, hay trốn học và rồi trượt hết các nguyện vọng vào trường THPT công lập. Cậu học hết lớp 12 hệ bổ túc tại một trung tâm giáo dục thường xuyên rồi sớm rời quê đi Hà Nội làm công nhân.
Làm công nhân được vài tháng, chật vật với đồng lương ít ỏi, Thi tìm đường sang Nhật, hy vọng một tương lai tươi sáng hơn. Sau thời gian chờ đợi, bị gián đoạn bởi dịch bệnh, cuối cùng cậu đã đặt chân đến nước Nhật vào một ngày mùa đông năm 2020.
Chia sẻ với phóng viên Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong, Thi cho biết: “Ngày đi Nhật, mình đã tự hứa với bản thân phải cố gắng hết sức để cuộc sống đỡ vất vả. Để tiết kiệm tiền đóng học, gần 5 năm rồi mình chưa về quê ăn Tết”.
Xuân Thi (thứ 2 từ phải qua) trong chuyến ngoại khóa cùng bạn học tại trường tiếng khi mới sang Nhật.
Ở Tokyo, Thi học hai năm tại trường Nhật ngữ rồi học tiếp hai năm tại trường cao đẳng nghề (senmon) ngành du lịch khách sạn. Cậu từng làm thêm ở quán cơm Nhật, rồi một siêu thị Hàn Quốc, sau đó là cửa hàng mỹ phẩm trong khu phố của người Hàn.
Thi nhớ nhất lúc mới qua Nhật và làm nhân viên ở quán cơm. Thực đơn của quán đa dạng, tiếng Nhật còn yếu nên cậu không nhớ được hết. Mỗi lần khách gọi món, cậu đều phải nhờ đồng nghiệp giúp đỡ.
Nhiều lần Thi ghi sai món khiến khách nổi giận, có người không kiềm chế được đã mắng cậu thậm tệ. Mỗi lần như vậy, cậu lại thấy tủi thân vô cùng. Nhưng Thi tin bản thân có ý chí, cố gắng học để có tay nghề chuyên môn thì cuộc sống sẽ khấm khá hơn.
Rồi Thi gặp được một bạn sinh viên Việt Nam đang học tại một trường đại học quốc lập. Người bạn tốt giới thiệu cho cậu về EJU, kỳ thi vào đại học dành cho du học sinh, đặc biệt là các trường quốc lập và trường top ở Nhật.
Thấy các trường đại học quốc lập có chất lượng tốt, học phí rẻ, nhiều chế độ học bổng, Thi nhen nhóm ước mơ. Nhưng nhìn lại bản thân từng học bổ túc, tiếng Nhật chỉ ở mức trung cấp N3, cậu không nghĩ mình đủ khả năng thi EJU, càng không dám nghĩ tới giảng đường đại học.
“Lúc đó, người bạn đã nhắn tin bảo mình rằng nếu không thử thì sao biết bản thân có thể đi xa được đến đâu. Mình không dám trả lời ngay mà suy nghĩ suốt cả ngày dài. Tận tối muộn, mình mới trả lời rằng mình quyết định ôn thi đại học để làm lại cuộc đời”, Thi xúc động nhớ lại.
Xuân Thi (ngoài cùng bên trái) và các bạn trong một buổi luyện thi EJU.
Tự ti về bản thân, Thi không dám kể chuyện ôn thi EJU với ai. Sau đó ít lâu, cậu mới tâm sự với chị gái ruột ở Việt Nam. Không tin em trai mình có thể đỗ đại học, chị gái khuyên cậu tập trung học nghề, mau tốt nghiệp để đi làm kiếm tiền, đừng mơ mộng hão huyền phí thời gian.
Nhưng chàng trai không từ bỏ mà cần mẫn cải thiện bản thân mỗi ngày trong một năm rưỡi. Ban đầu, do đã lâu không đụng đến sách vở, Thi chật vật tiếp thu kiến thức. Càng cố nhồi nhét, cậu càng cảm thấy mọi thứ trôi tuột khỏi trí nhớ.
Trong kỳ thi EJU, các thí sinh chọn thi khối Tự nhiên (Tiếng Nhật, Toán, Lý, Hóa, Sinh) hoặc khối Xã hội (Tiếng Nhật, Toán, Sogo). Vì muốn theo học ngành Kinh tế nên cậu phải thi khối Xã hội.
Trong đó, môn Sogo còn có tên là Japan and the World (Nhật Bản và Thế giới). Giống với tên gọi, nội dung môn Sogo là kiến thức tổng hợp các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, lịch sử, địa lý, xã hội của Nhật Bản và thế giới.
Với tiếng Nhật hạn chế, Thi thấy bài thi Tiếng Nhật vượt quá khả năng của mình. Kéo theo đó, môn Sogo lại càng khó khăn hơn. Môn Toán thì cần nhiều kiến thức nền tảng, điều mà cậu hoàn toàn thiếu. Do vẫn phải đi học ở trường nghề và đi làm thêm, nhiều lúc cậu áp lực và muốn bỏ ngang.
May mắn thay, Thi gặp được một người chị dạy luyện thi EJU trong cộng đồng du học sinh Việt. Nhờ sự hướng dẫn tận tâm và phương pháp giảng dạy hiệu quả, cậu dần lấy lại sự tự tin và tiến bộ từng ngày. Thay vì học dồn 4-5 tiếng dễ gây chán nản, Thi bắt đầu với một giờ học mỗi ngày, sau đó tăng dần khi đã quen nhịp.
Đối với môn Tiếng Nhật, Thi dành mỗi ngày 2-3 tiếng để luyện các kỹ năng nghe, đọc hiểu. Với môn Sogo, sau khi học xong lý thuyết, cậu dành khoảng một tiếng để luyện đề, ghi chép lại những câu làm sai hoặc chưa biết. Với môn Toán, mỗi tuần cậu học 3 buổi lý thuyết và bài tập.
Xuân Thi vào ngày đi thi đại học.
Mỗi năm, kỳ thi EJU được tổ chức hai lần vào tháng 6 và tháng 11. Cuối năm 2023, trong lần đầu tiên thử sức, Thi đạt 169/200 điểm môn Sogo, nhưng điểm Toán và Tiếng Nhật vẫn còn thấp.
Tiếp tục “dùi mài kinh sử” thêm nửa năm, đến tháng 6/2024, cậu thi lại và đạt 180/200 điểm Sogo, điểm Tiếng Nhật và Toán cũng được cải thiện. Với mức điểm khá ổn, Thi đã trúng tuyển vào trường Đại học quốc lập Fukushima.
Thi chọn Đại học Fukushima vì chính sách hỗ trợ du học sinh hấp dẫn. Cậu được miễn học phí năm đầu và nhận học bổng 50.000 Yên (khoảng 8,5 triệu đồng) mỗi tháng từ tỉnh Fukushima. Nếu duy trì thành tích tốt, cậu sẽ tiếp tục được miễn học phí trong những năm sau.
Xuân Thi tham gia chia sẻ về quá trình ôn thi EJU với các du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản.
Thi học ngành Kinh tế bởi cơ hội việc làm đa dạng từ tài chính, ngân hàng, chứng khoán đến marketing. Chàng trai đặt mục tiêu hoàn thành chương trình học trong ba năm và sẽ tiếp tục học lên cao để nghiên cứu sâu hơn về các vấn đề kinh tế.
Ảnh: NVCC
Trịnh Vũ Lam Trang
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/duong-vao-dai-hoc-quoc-lap-nhat-ban-cua-chang-trai-hoc-bo-tuc-post1730831.tpo