'Đứt gãy Sagaing' gây động đất ở Myanmar chạy theo hướng nào, nguy hiểm ra sao?

'Đứt gãy Sagaing' gây động đất ở Myanmar chạy theo hướng nào, nguy hiểm ra sao?
3 ngày trướcBài gốc
Động đất ở Myanmar cùng nhiều dư chấn đã xảy ra vào chiều thứ Sáu (giờ Việt Nam), gây nhiều thiệt hại chưa thể tính hết được cả về người và của. Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) thông báo trận động đất này mạnh 7,7 độ, còn các trang báo Thái Lan viết là 8,2 độ.
“Thủ phạm” gây (những) trận động đất chết chóc này là Đứt gãy Sagaing, một trong những vấn đề địa chất đáng chú ý nhất ở Đông Nam Á, theo trang The Guardian The Nation.
Đứt gãy Sagaing là một đường đứt gãy dài 1.200 km, chạy theo hướng Bắc - Nam qua trung tâm Myanmar. Đứt gãy này được coi là một mối đe dọa địa chấn lớn. Các nhà địa chất tin rằng nó đánh dấu ranh giới giữa các mảng kiến tạo Sunda và Burma từ thời cổ đại, giờ là một phần của Mảng Á - Âu.
Đứt gãy Sagaing. Ảnh: Researchgate.
Mà các trận động đất xảy ra khi những tấm đá cực lớn tạo nên lớp vỏ Trái Đất - gọi là các mảng kiến tạo - dịch chuyển va vào nhau. USGS cũng cho rằng động đất ở Myanmar là kết quả của “đứt gãy trượt ngang” giữa các mảng kiến tạo, có nghĩa là 2 mảng kiến tạo va/ mài các cạnh của chúng vào nhau.
Nhìn vị trí của Đứt gãy Sagaing trên hình, có thể thấy nó rất gần Thái Lan, đó là lý do nhiều tỉnh thành ở Thái Lan bị rung lắc rất mạnh, ở Bangkok có một tòa nhà 30 tầng đang xây dựng bị sập hoàn toàn.
Các nhân viên cứu hộ đang đi gần tòa nhà bị sập ở Bangkok (Thái Lan) sau trận động đất ở Myanmar. Ảnh: Wason Wanichakorn/ AP.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, ngoài Myanmar có nguy cơ cao bị động đất do Đứt gãy Sagaing, thì Thái Lan cũng ở gần đứt gãy này nên có thể sẽ còn phải chịu những rung lắc nữa. Trong lịch sử, Bangkok và phía Bắc Thái Lan đã từng bị rung lắc do đứt gãy này. Những dữ liệu được lưu lại trong lịch sử cũng cho thấy Đứt gãy Sagaing từng tạo ra khoảng 70 trận động đất mạnh từ 7 độ trở lên trong 562 năm qua. Trận động đất mạnh nhất do Đứt gãy Sagaing gây ra là mạnh 8 độ vào năm 1912. Theo các chuyên gia địa chất thì đứt gãy này có tiềm năng gây ra động đất mạnh đến 8,6 độ!
Vị trí tâm chấn của trận động đất ngày 28/3. Ảnh: Independent.
Hiện tại tình hình ở Myanmar và Thái Lan đang được theo dõi rất chặt chẽ, vì động đất có thể gây ảnh hưởng trên phạm vi rất rộng, đến cả những nơi ở xa đứt gãy, xa tâm chấn ban đầu.
Thục Hân
Nguồn HHT : https://hoahoctro.tienphong.vn/dut-gay-sagaing-gay-dong-dat-o-myanmar-chay-theo-huong-nao-nguy-hiem-ra-sao-post1729144.tpo