Dứt khoát từ bỏ tư duy 'không quản được thì cấm'

Dứt khoát từ bỏ tư duy 'không quản được thì cấm'
6 giờ trướcBài gốc
Sáng 18-5, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện hai nghị quyết quan trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trình bày Chuyên đề “Nội dung trọng tâm, cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TƯ, ngày 30-4-2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TƯ”.
Xuất phát từ yêu cầu cấp bách
Theo Chủ tịch Quốc hội, ngay sau khi Nghị quyết số 66-NQ/TƯ được Bộ Chính trị ban hành, Ban Chỉ đạo trung ương về Hoàn thiện thể chế, pháp luật đã được thành lập do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban; Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội làm Phó trưởng ban; các thành viên khác là trưởng một số Ban Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trưởng một số bộ, ngành, cơ quan, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc tổ chức thực hiện thành công nghị quyết.
“Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu bước ngoặt trong tư duy và hành động đối với công tác xây dựng và thi hành pháp luật của nước ta”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn quán triệt chuyên đề. Ảnh: Viết Thành
Chủ tịch Quốc hội cho biết, khẩn trương thể chế hóa các quyết sách của Nghị quyết số 66-NQ/TƯ, ngày 17-5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 197/2025/QH15 về “Một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật” nhằm tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế tài chính, nguồn nhân lực và chuyển đổi số trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Nghị quyết này quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, có thể nói là chưa có tiền lệ, không chỉ là khoản chi 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm cho công tác xây dựng pháp luật, thành lập Quỹ Hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật mà cả cơ chế khoán chi, mức chi, chế độ, chính sách đặc biệt khuyến khích đối với đội ngũ cán bộ, công chức.
“Nghị quyết số 197/2025/QH15 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025, kỳ vọng sẽ tạo bước đổi mới đột phá, có tính chiến lược, kịp thời, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc”, đồng chí Trần Thanh Mẫn khẳng định.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trong bài viết quan trọng "Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình" ngày 4-5-2025, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định, phải đưa thể chế, pháp luật trở thành lợi thế cạnh tranh quốc gia, nền tảng vững chắc, động lực mạnh mẽ cho phát triển trong kỷ nguyên mới, đồng thời nhấn mạnh, phải tháo gỡ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” - chính là những vướng mắc, bất cập về thể chế, pháp luật đang cản trở sự phát triển đất nước.
Do đó, việc ban hành Nghị quyết số 66 là đòi hỏi khách quan của tiến trình đổi mới, nhằm tạo đột phá nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới vươn mình giàu mạnh, thịnh vượng của đất nước.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn cho rằng, về mặt thực tiễn, Nghị quyết số 66 xuất phát từ yêu cầu cấp bách phải khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật; từ đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; từ nhu cầu khơi thông, giải phóng mọi nguồn lực cho sự phát triển và từ nguyện vọng chính đáng của người dân, doanh nghiệp về một môi trường pháp lý minh bạch, công bằng và hiệu quả.
Bảo đảm quan điểm người dân và doanh nghiệp được làm những gì luật không cấm
Truyền đạt những nội dung cốt lõi của Nghị quyết số 66-NQ/TƯ trước hết là 5 quan điểm chỉ đạo, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thi hành pháp luật; đồng thời xác định công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước; xây dựng pháp luật phải bám sát thực tiễn, nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và xác định đầu tư cho công tác này là đầu tư cho phát triển.
Nghị quyết cũng đặt ra mục tiêu trung hạn và dài hạn cụ thể cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật, hướng đến việc xây dựng một hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước đến mốc thời gian thực hiện 2 mục tiêu chiến lược 100 năm mà Đảng ta đã đề ra là năm 2030 và năm 2045.
Để thực hiện các mục tiêu này, Nghị quyết số 66-NQ/TƯ xác định 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thực hiện. Trong đó, một điểm nhấn quan trọng là đổi mới căn bản tư duy xây dựng pháp luật. Pháp luật phải thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương của Đảng; xuất phát từ lợi ích toàn cục của đất nước, ưu tiên bảo đảm quyền con người và quyền công dân. Luật pháp được xác định là lợi thế cạnh tranh của đất nước, do đó, Nghị quyết yêu cầu dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm” - thay vào đó phải khuyến khích sáng tạo, khơi thông nguồn lực phát triển. Các quy định pháp luật cần ổn định, đơn giản, dễ hiểu, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Công tác xây dựng pháp luật được yêu cầu phải rất chủ động trong nghiên cứu chiến lược và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế, nhằm tăng tính dự báo, nâng cao chất lượng chính sách.
Nghị quyết số 66-NQ/TƯ đặt ra yêu cầu công tác thi hành pháp luật phải đột phá. Pháp luật được thực thi công bằng, nghiêm minh, nhất quán và kịp thời, luôn gắn chặt với quá trình xây dựng pháp luật. Nghị quyết yêu cầu phát huy tinh thần phục vụ nhân dân của công chức, bảo đảm quan điểm “người dân và doanh nghiệp được làm những gì luật không cấm”. Thi hành pháp luật ưu tiên thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đồng thời chú trọng các lĩnh vực thiết yếu như an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, an ninh mạng.
Toàn cảnh hội nghị tại Hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội. Ảnh: Viết Thành
Thời gian không chờ đợi, phải khẩn trương hành động
Nhấn mạnh những nhiệm vụ trọng tâm trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TƯ đối với Quốc hội và Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt để tạo đột phá trong công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Nghị quyết vừa có quy định chung, khái quát, mang tính nguyên tắc, vừa có một số quy định cụ thể để có thể thi hành ngay sau khi nghị quyết được thông qua. Chính phủ và các cơ quan liên quan cần khẩn trương cụ thể hóa và triển khai thực hiện nghị quyết này, đồng thời, xây dựng và ban hành các luật và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật trong các lĩnh vực cần thiết.
Kết luận phần trình bày chuyên đề, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, để đạt được các mục tiêu đột phá mà nghị quyết đề ra đòi hỏi mỗi cơ quan, tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương thức lãnh đạo và thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp một cách chủ động, sáng tạo, thực chất.
“Mọi nỗ lực phải hướng đến mục tiêu chung: Tạo dựng một nền pháp lý tiên tiến, hiện đại, minh bạch, tạo động lực mạnh mẽ cho khát vọng vươn lên của dân tộc. Nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề nhưng cũng hết sức vẻ vang. Mỗi cơ quan, mỗi cá nhân phải biến quyết tâm thành hành động cụ thể: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, song song với việc thi hành nghiêm minh pháp luật và khuyến khích sáng tạo”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian không chờ đợi, chúng ta phải khẩn trương hành động để hoàn thành nhiệm vụ, trước mắt là khắc phục ngay các vướng mắc pháp luật và lâu dài, là xây dựng thể chế hiện đại, quy chuẩn.
“Chúng ta tin tưởng rằng, với quyết tâm chính trị cao nhất, cùng sự hưởng ứng, vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, nhân dân ta sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng về sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, xây dựng xã hội thượng tôn pháp luật, sẵn sàng đưa đất nước phát triển hùng cường, thịnh vượng trong kỷ nguyên mới”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định.
Hà Vũ
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/dut-khoat-tu-bo-tu-duy-khong-quan-duoc-thi-cam-702645.html