E-magazine Nữ kiến trúc sư đam mê nghệ thuật tạo hình

E-magazine Nữ kiến trúc sư đam mê nghệ thuật tạo hình
4 giờ trướcBài gốc
Vừa bước vào phòng khách của kiến trúc sư Nguyễn Thị Kiên Giang, chúng tôi đều trầm trồ trước những chú cá koi y như thật. Trên chất liệu gỗ lũa có kích thước 1x2 m, chị Giang sắp đặt những chú cá koi vừa hoàn thiện vào từng vị trí phù hợp.
Những cây thủy sinh, lá sen, bông sen cùng hàng chục viên đá cuội được tạo hình tinh xảo, đẹp mắt. Nếu chỉ nhìn thoáng qua thì khó có thể phân biệt được thật hay giả. Tiếp đó, chị Giang phủ 4-5 lớp keo epoxy chồng lên nhau để tạo thành mặt bàn trông rất ấn tượng. Sản phẩm hoàn thiện với hình ảnh đàn cá koi bơi lội trong làn nước mát, những bông sen nở rộ khoe sắc hồng khiến người xem cảm nhận được sự yên ả, thanh bình.
Chị Giang đem cho chúng tôi xem những chú cá koi, cá rồng, cá chép đã hoàn thiện và chuẩn bị gửi cho khách hàng. Kể về cơ duyên với công việc, chị Giang cho biết: “Năm 2014, tôi tình cờ xem video clip về nghệ thuật vẽ cá 3D của một nghệ nhân nổi tiếng người Nhật trên YouTube. Ban đầu, tôi tìm hiểu chỉ vì tò mò rồi dần dần đam mê lúc nào không hay. Tôi bị lôi cuốn theo kỹ thuật tạo hình độc đáo và tìm kiếm các khóa học trên mạng internet”.
Vì cuộc sống mưu sinh, sau 2 năm theo đuổi, chị Giang tạm dừng sáng tạo để tiếp tục công việc thiết kế nội thất. Năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát, công việc bị ảnh hưởng, chị thường xuyên ở nhà. Có thời gian rảnh rỗi, chị Giang đặt mua đất sét Nhật về nặn thử. Nhờ chịu khó học hỏi và năng khiếu sẵn có, những con cá koi bằng đất sét do chị Giang tạo tác nhìn giống như thật.
Theo chia sẻ của chị Giang, việc tạo hình cá bằng đất sét Nhật khá dễ song sản phẩm sẽ bị nhão khi dính nước hoặc bị khô nứt khi để ở môi trường có nhiệt độ cao.
Để khắc phục nhược điểm này, chị Giang tiếp tục mày mò thử nghiệm nhiều chất liệu khác nhau và từng thất bại nhiều lần, chi phí đầu tư cho mỗi lần thử nghiệm cũng không phải ít. Để thay thế đất sét, chị tự làm khuôn cá bằng silicon. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo, sáng tạo từ lên ý tưởng, phác thảo đến chuẩn bị chất liệu phù hợp để mỗi con cá có độ mềm mại, đầy đủ vây, vảy trên thân sống động. Chị Giang mua cá thật về quan sát, chụp hình lưu lại, tìm hiểu cấu tạo các loại cá khác nhau, màu sắc và cách bơi...
Tiếp đó, chị sử dụng chất liệu nhựa composite kết hợp với các chất xúc tác để đổ vào khuôn tạo hình. “Người làm phải nắm vững công thức pha chế chất liệu, khử bỏ bọt khí trong sản phẩm. Màu vẽ phải dùng màu acrylic pha thêm các phụ gia để tạo độ bền màu cho sản phẩm. Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ, trau chuốt trong từng chi tiết để tạo sự độc đáo, tạo hình cá đúng với yêu cầu của khách. Vì thế, những con cá bằng nhựa composite của tôi khác biệt hơn những con cá nhựa ngoài thị trường”-chị Giang chia sẻ.
Kiên trì từng ngày và đúc kết kinh nghiệm từ nhiều lần thất bại, chị Giang cuối cùng cũng đã làm ra sản phẩm ưng ý. Sau khi đăng tải lên mạng xã hội, sản phẩm cá nhựa của chị Giang nhận được sự khen ngợi của khách hàng.
“Có khách hàng liên hệ đặt mua 10 con cá koi với nhiều kích cỡ để trang trí. Việc bán được sản phẩm sau bao thất bại mang lại cảm xúc thật khó tả. Tôi khảo sát và lắng nghe ý kiến phản hồi của khách hàng để sản phẩm hoàn thiện từng ngày”-chị Giang bộc bạch.
Nhận được sự phản hồi tích cực của khách hàng, chị Giang thường xuyên đăng tải sản phẩm của mình lên mạng xã hội, bày tỏ mong muốn được góp ý, đồng thời nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn. Ngoài làm những sản phẩm theo sự sáng tạo của bản thân, chị Giang còn tạo sản phẩm theo yêu cầu của khách. Mỗi khách hàng đều có yêu cầu khác nhau nên hầu hết sản phẩm do chị Giang tạo ra đều riêng biệt, không pha lẫn với sản phẩm trên thị trường.
Sau 4 năm gắn bó với nghề, đến nay, chị Giang đã sáng tạo ra hơn 400 sản phẩm cá nhựa với kích cỡ khác nhau. Không chỉ được khách hàng trong nước yêu thích, sản phẩm cá nhựa của chị Giang cũng được ưa chuộng tại các thị trường quốc tế như: Singapore, Mỹ, Canada, Đức, Úc… Tùy mức độ công phu, cầu kỳ, kích thước, kiểu dáng và màu sắc, sản phẩm có các giá bán khác nhau, từ mấy chục ngàn đến vài triệu đồng.
Anh Ngô Di Hòa (bang Virginia, Mỹ) cho biết: “Tôi thích vẻ đẹp của những chú cá koi, cá rồng. Tuy nhiên, việc nuôi cá thật lại không dễ dàng vì yếu tố môi trường và cách chăm sóc. Tình cờ lướt Facebook, thấy những sản phẩm do chị Giang sáng tạo rất ấn tượng, đẹp mắt nên tôi đã đặt mua 5 con cá rồng, cá koi về trưng bày”.
Là người chuyên tạo hình cây bonsai handmade bằng dây kẽm màu, anh Đinh Phong Điền (xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) đặt mua cá nhựa từ chị Giang để trang trí cho chậu cây thêm phần sinh động.
Anh Điền chia sẻ: “Tôi đặt mua 50 con cá koi, cá rồng do chị Giang sáng tạo để trang trí cho sản phẩm của mình. Mỗi con cá đều sinh động, đẹp mắt, kiểu dáng, màu sắc độc đáo. Việc trưng bày cây xanh, tiểu cảnh là cách để làm đẹp không gian sống. Tuy nhiên, nhiều nhà ở có không gian chật hẹp nên họ lựa chọn sử dụng các đồ vật handmade để trưng bày. Đồ handmade thì không cần phải tốn công chăm sóc, sử dụng trang trí được lâu dài”.
Ngoài tạo hình cá, chị Giang còn tạo hình rùa, ếch, cây cỏ, bonsai, bông hoa trang trí cho các tiểu cảnh.
Nói về dự định trong thời gian tới, chị Giang bày tỏ: “Cá nhựa làm ra hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên mất khá nhiều thời gian. Nhiều khi muốn sản xuất cá nhựa số lượng lớn, thuê thêm người làm cùng nhưng tôi không yên tâm về chất lượng. Nghề này đòi hỏi sự đam mê, kiên trì. Mong muốn lớn nhất của tôi là có một phòng trưng bày để người yêu thích biết đến nhiều hơn sản phẩm cá nhựa độc đáo này”.
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/nu-kien-truc-su-dam-me-nghe-thuat-tao-hinh-post309301.html