ECB được kỳ vọng sẽ cắt giảm tiếp lãi suất vào ngày 17/4 tới

ECB được kỳ vọng sẽ cắt giảm tiếp lãi suất vào ngày 17/4 tới
một ngày trướcBài gốc
NHTW châu Âu - ECB
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế quan đối ứng từ 10% đến 49% đối với các đối tác thương mại hôm 2/4 đã khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo.
Mặc dù hôm 9/4, ông Trump bất ngờ tuyên bố hoãn áp dụng thuế quan đối ứng trong 90 ngày với nhiều quốc gia, nhưng điều đó không làm dịu nỗi lo của các nhà đầu tư về triển vọng kinh tế toàn cầu do sự bất định trong chính sách thuế quan của ông Trump.
Sự bất định càng lớn khi ông Trump đã loại trừ một số mặt hàng điện tử khỏi mức thuế đối ứng vào thứ Sáu, nhưng sau đó lại cho biết, động thái này sẽ không kéo dài.
Theo các nhà phân tích, tất cả những điều này sẽ được các nhà hoạch định chính sách của ECB xem xét kỹ tại cuộc họp chính sách tháng 4, diễn ra trong hai ngày 16-17/4 tới.
Mặc dù vậy, thị trường đang đặt cược 100% khả năng ECB sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất tiền gửi 25 điểm cơ bản xuống còn 2,25% vào thứ Năm tới. Thậm chí Societe Generale còn cho biết, họ không loại trừ khả năng ECB có thể cắt giảm lãi suất hơn 50 điểm cơ bản để thoát khỏi lập trường chính sách tiền tệ hạn chế một cách rõ ràng hơn.
Diễn biến lãi suất tiền gửi của ECB từ tháng 1/1999 đến tháng 3/2025, với các chu kỳ cắt giảm lãi suất được tô đậm.
Vậy chính sách thuế quan của ông Trump sẽ tác động đến tăng trưởng và lạm phát như thế nào? Theo các nhà phân tích, rất khó để đoán định do sự bất định trong chính sách thuế quan của ông Trump cũng như các cuộc đàm phán sắp tới.
Nhưng ngay cả khi thuế quan đối ứng đang được tạm hoãn 90 ngày để đàm phán thì hàng hóa từ EU vẫn phải chịu mức thuế cơ sở 10%, chưa kể đến mức thuế cao hơn đối với thép, nhôm và ô tô, vì vậy chúng chắc chắn sẽ gây tổn hại đến tăng trưởng.
Trước khi ông Trump tuyên bố tạm hoãn thuế quan đối ứng hôm 9/4, các nguồn tin của ECB đã nói với Reuters rằng, ước tính trước đó về mức giảm 0,5 điểm phần trăm đối với tăng trưởng trong năm đầu tiên là quá thấp và thậm chí mức giảm có thể vượt quá 1 điểm phần trăm, điều này sẽ xóa sổ mọi dự kiến tăng trưởng cho năm 2025.
Trong khi đó, tác động đến lạm phát còn mơ hồ hơn và sẽ phụ thuộc vào mức độ trả đũa đối với thuế quan của Trump và về lâu dài, nó còn phụ thuộc vào mức độ phân mảnh của thương mại toàn cầu.
Nhưng hiện tại, giá dầu đã giảm 13% trong tháng này, trong khi đồng euro tăng hơn 9% kể từ đầu tháng 3. Đặc biệt Trung Quốc, nguồn nhập khẩu lớn nhất của EU, đang chịu tác động lớn nhất từ thuế quan. Tất cả đều chỉ ra tình trạng giảm lạm phát hơn nữa.
“Có một sự điều chỉnh giảm toàn diện đối với dự báo tăng trưởng và cũng vì đồng euro đã rất mạnh, giúp làm giảm lạm phát, (ECB) có thể tập trung vào tăng trưởng trong ngắn hạn”, Seema Shah - Chiến lược gia toàn cầu của Principal Asset Management cho biết.
Cũng chính bởi vậy, hiện thị trường đang kỳ vọng ECB có thể đẩy nhanh hơn tốc độ giảm lãi suất. Cụ thể thị trường hiện kỳ vọng ECB sẽ cắt giảm lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay sau lần cắt giảm hôm thứ Năm. Đó là một sự thay đổi khá lớn, vì trước đó thị trường cho rằng, ít khả năng có một động thái khác trong năm nay.
Tuy nhiên các nhà kinh tế tỏ ra thận trọng hơn. Kỳ vọng trung bình của các nhà kinh tế tham gia một cuộc khảo sát của Reuters chỉ là một lần cắt giảm nữa, đưa lãi suất xuống mức 2% trong nửa cuối năm.
“Vấn đề cơ bản là chúng ta đang phải đối mặt với sự không chắc chắn rất cao về loại chính sách kinh tế mà chúng ta có thể mong đợi từ Mỹ, điều đó vẫn chưa biến mất", Jens Eisenschmidt - Nhà kinh tế trưởng của Morgan Stanley tại Châu Âu cho biết.
Biểu đồ đường cho thấy lãi suất tiền gửi của ECB và lãi suất theo dự báo của thị trường vào ngày 6/3 (xanh nhạt); và ngày 10/4 (xanh đậm), trong đó ngụ ý ECB sẽ có thêm 3 lần cắt giảm lãi suất nữa sau cuộc họp chính sách tháng 3.
Cũng theo các nhà phân tích, những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu hiện tại chắc chắn sẽ khiến ECB phải tăng cường giám sát các ngân hàng và thị trường.
Mặc dù trái phiếu khu vực đồng euro cũng đã dao động, nhưng ít biến động hơn trái phiếu Kho bạc Mỹ, trong khi khoảng cách về chi phí vay giữa các quốc gia thành viên nghèo hơn và Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, vẫn chưa mở rộng đến mức đáng lo ngại.
Diễn biến lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức và của Mỹ
Nhưng ECB vẫn lo ngại rằng căng thẳng tài chính có thể lan từ các tổ chức phi tài chính sang các tổ chức cho vay thông thường trong giai đoạn thị trường căng thẳng. “Tôi hy vọng họ (ECB) sẽ nói rằng họ đã sẵn sàng hành động nếu sự biến động trên thị trường không hợp lý do các yếu tố cơ bản”, Gregoire Pesques - Giám đốc đầu tư thu nhập cố định tại công ty quản lý tài sản lớn nhất châu Âu Amundi cho biết.
Thật vậy, Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết cuối tuần trước rằng, cơ quan này đã sẵn sàng triển khai các công cụ của mình để duy trì sự ổn định tài chính.
Hà Vy
Nguồn TBNH : https://thoibaonganhang.vn/ecb-duoc-ky-vong-se-cat-giam-tiep-lai-suat-vao-ngay-174-toi-162740.html