Đồng Euro. Ảnh: AFP/TTXVN
Cho dù có những vấn đề còn tồn tại, liên minh tiền tệ này vẫn tồn tại. Nhưng chỉ vài tháng sau, khi “con ong” đó có nguy cơ gặp nạn, ông Draghi đã đưa ra quyết định mang tính bước ngoặt, tuyên bố ECB sẽ làm “bất cứ điều gì cần thiết” để bảo vệ đồng euro.
Hiện tại, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) không còn trong tình trạng khủng hoảng tài chính, nhưng tinh thần “làm bất cứ điều gì cần thiết” của ông Draghi chưa đủ để thúc đẩy đầu tư, tăng trưởng và niềm tin vào khu vực này. Khu vực này đang bị chia rẽ bởi sự mất cân đối kinh tế giữa phía Bắc và Nam, cũng như mâu thuẫn địa chính trị Đông – Tây. Các đề xuất cải cách nhằm loại bỏ rào cản tăng trưởng của ông Draghi dường như đang dần bị lãng quên.
Với những thách thức như nguy cơ căng thẳng thương mại từ Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và sức mạnh xuất khẩu của Trung Quốc, bà Christine Lagarde – người kế nhiệm ông Draghi, đang đứng trước thời khắc quyết định của mình. Sự thiếu hụt vai trò lãnh đạo từ Pháp và Đức đòi hỏi ECB phải bước lên dẫn dắt, giống như cách ông Draghi đã làm hơn một thập kỷ trước. Mặc dù ECB đã có bốn lần cắt giảm lãi suất từ tháng 6/2024, nhưng các biện pháp mạnh mẽ hơn vẫn bị “khóa chặt”, và tuyên bố của ECB vẫn còn dè dặt.
Theo giới phân tích, đã đến lúc đưa tăng trưởng kinh tế trở lại chương trình nghị sự, thay vì chỉ tập trung vào kiểm soát lạm phát. Từ năm 2019, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người của Eurozone chỉ tăng 2,5%, so với mức tương ứng 7,9% ở Mỹ. Tăng trưởng GDP của khu vực này dự kiến chỉ đạt dưới 1% trong năm 2025. Mặc dù chính sách tiền tệ không thể quyết định tất cả, nhưng việc bỏ qua nhu cầu đầu tư lớn vào công nghệ, quốc phòng và khí hậu trong thập kỷ tới là tầm nhìn ngắn hạn.
Cắt giảm lãi suất mạnh tay để thúc đẩy tăng trưởng là một bài toán khó. Nếu cắt giảm quá mức có thể gây lạm phát hoặc khiến đồng euro mất giá nghiêm trọng. Nhưng thực hiện một cách hời hợt, khi các nước thành viên Eurozone đang phải siết chặt chi tiêu và giảm nợ, có thể khiến nhu cầu sụt giảm thêm. Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại đang chiếm ưu thế, kích thích tiêu dùng và đầu tư nội địa là điều cấp thiết, đòi hỏi chính sách tiền tệ và tài khóa phải đồng điệu. Nếu tiếp tục thận trọng quá mức, ECB có thể trở thành đối tượng nhận các ý kiến trái chiều của công chúng. Một số lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu đã bắt đầu "phàn nàn" về cách ECB xử lý chính sách tiền tệ, cho rằng nó là nguyên nhân chính khiến châu Âu tụt hậu so với Mỹ. Điều này khiến ngân hàng này dấy lên lo ngại rằng: Liệu còn bao lâu nữa các nhà đầu tư quốc tế sẽ công khai quan ngại về tương lai của đồng euro?
Thông điệp rõ ràng là bà Lagarde và ECB cần một vai trò lãnh đạo chủ động hơn. Điều này đi kèm rủi ro, nhưng cũng mang lại cơ hội, nếu chính sách tiền tệ phối hợp cùng chính sách tài khóa thay vì mâu thuẫn với nhau.
Minh Trang (TTXVN)