Elon Musk đang biến mình là 'nhà cách mạng' cực hữu tại châu Âu?

Elon Musk đang biến mình là 'nhà cách mạng' cực hữu tại châu Âu?
2 ngày trướcBài gốc
Năm 2025, ông Musk đã bước sâu vào chính trường châu Âu với những động thái ủng hộ các phong trào cực hữu ở Đức và Anh, tạo ra làn sóng dư luận trái chiều. Những hành động này không chỉ dấy lên tranh cãi về vai trò của ông trong các cuộc bầu cử mà còn làm rõ sự giao thoa ngày càng lớn giữa công nghệ, quyền lực và chính trị.
Elon Musk trước đó đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024 khi rót hàng trăm triệu USD để ủng hộ chiến dịch tái tranh cử của ông Donald Trump. Sau thành công đó, Musk đã chuyển sự chú ý sang châu Âu, nơi ông công khai bày tỏ quan điểm chính trị và tham gia vào các phong trào cánh hữu, từ việc ủng hộ đảng Sự lựa chọn cho nước Đức (AfD) đến việc lên tiếng đòi trả tự do cho nhà hoạt động cực hữu Tommy Robinson tại Anh.
Chính trường châu Âu "dậy sóng" vì tỷ phú công nghệ Mỹ Elon Musk - Ảnh: Internet
Ảnh hưởng tại Đức
Trong một bài xã luận đăng trên Welt am Sonntag, ông Musk gọi AfD là “tia hy vọng cuối cùng” của Đức và kêu gọi cử tri ủng hộ đảng này trong cuộc bầu cử quốc hội. Ông khẳng định rằng AfD có thể dẫn dắt nước Đức đến một tương lai với “thịnh vượng kinh tế, toàn vẹn văn hóa và đổi mới công nghệ”.
Sự ủng hộ của Musk diễn ra trong bối cảnh AfD nhận được sự chú ý lớn hơn sau một vụ tấn công vào khu chợ giáng sinh tại Magdeburg, khiến nhiều người chết và bị thương. Vụ việc đã làm gia tăng sự ủng hộ đối với đảng này trong bối cảnh người dân lo ngại về an ninh và nhập cư. Tuy nhiên, các nhà phê bình cảnh báo rằng AfD đã nhiều lần bị chỉ trích vì các quan điểm cực đoan, bài ngoại và chống người nhập cư.
Chính phủ Đức cũng không giấu sự bất bình. Người phát ngôn của chính phủ, Christiane Hoffmann, đã chỉ trích Musk tại một cuộc họp báo, cáo buộc ông cố gắng tác động đến cuộc bầu cử liên bang. Phản ứng từ các chính trị gia Đức cho thấy mối quan ngại ngày càng lớn về việc những nhân vật có tầm ảnh hưởng như ông Musk sử dụng quyền lực tài chính và truyền thông để tác động vào chính trị.
Tranh cãi tại Anh
Tại Anh, ông Musk tiếp tục gây chú ý khi kêu gọi trả tự do cho Tommy Robinson, một nhà hoạt động cực hữu và cựu lãnh đạo Liên đoàn phòng vệ Anh (EDL). Robinson hiện đang thụ án 18 tháng tù vì tội coi thường tòa án liên quan đến việc phát sóng một bộ phim tài liệu bị coi là phỉ báng. Ông Musk không chỉ ủng hộ Robinson mà còn đăng toàn bộ bộ phim tài liệu của ông lên nền tảng X (trước đây là Twitter) kèm thông điệp “Giải thoát cho Tommy Robinson!”.
Hành động này đã gây sốc cho nhiều nghị sĩ và chính trị gia tại Anh. Một thành viên Đảng Lao động gọi động thái của Musk là “nguy hiểm” và “kích động hận thù”. Thậm chí, những người cánh hữu từng chỉ trích Robinson, như Nigel Farage – lãnh đạo đảng Tái thiết Anh (Reform U.K.), cũng không đồng tình. Ông Farage từng rời khỏi Đảng Độc lập Anh (UKIP) vì sự liên hệ của đảng này với Robinson, cho rằng ông ta đã làm tổn hại đến sự tín nhiệm của cánh hữu chính thống.
Tuy vậy, Nigel Farage cho biết ông đang tích cực làm việc để nhận được sự hỗ trợ tài chính từ Musk. Nếu ông Musk đồng ý, khoản tài trợ này có thể đóng vai trò then chốt trong việc giúp đảng Tái thiết Anh chuyển mình từ một đảng nhỏ mang tính phản đối sang một lực lượng chính trị đáng gờm trên chính trường Anh.
Ngoài ra, ông Musk cũng nhận được sự ủng hộ từ một số nhân vật khác, bao gồm cựu Thủ tướng Anh Liz Truss, người ca ngợi ông vì “đứng lên bảo vệ tự do ngôn luận”.
Mối quan hệ giữa công nghệ và chính trị
Việc Elon Musk tham gia sâu vào chính trị châu Âu làm nổi bật một xu hướng đáng lo ngại: sự gia tăng ảnh hưởng của các tỷ phú công nghệ trong các vấn đề chính trị. Với việc sở hữu nền tảng X, những người chỉ trích cho rằng ông Musk không chỉ có quyền kiểm soát một kênh truyền thông mạnh mẽ mà còn sử dụng nó để truyền bá các thông điệp chính trị đến hàng triệu người.
Ở Đức, sự đầu tư của Musk vào nhà máy Tesla tại Berlin được coi là lá bài quyền lực, giúp ông có lý do để can thiệp vào chính trị nội bộ. Còn tại Anh, nền tảng X đã trở thành công cụ khuếch đại tiếng nói của các nhân vật và phong trào cực hữu.
Cả ở Đức và Anh, động thái của Musk đã làm dấy lên các cuộc tranh cãi lớn. Một số chính trị gia cảnh báo rằng sự can thiệp của ông có thể làm suy yếu niềm tin vào các quá trình dân chủ. Tại Đức, Rolf Mützenich, lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội Đức, cho rằng mối quan hệ thân thiết giữa ông Musk và Tổng thống đắc cử Donald Trump là dấu hiệu cho thấy nguy cơ chính trị của Mỹ lan rộng sang châu Âu.
Ở chiều ngược lại, những người ủng hộ Musk, bao gồm các nhân vật cánh hữu và cực hữu, ca ngợi ông vì đã dám “nói thẳng” và thách thức các thế lực chính trị truyền thống.
Với việc Đức chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử quốc hội và những bất ổn chính trị tại Anh, ảnh hưởng của Musk được dự đoán sẽ còn tiếp tục gia tăng. Ông đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc phỏng vấn trực tiếp trên X với Alice Weidel, lãnh đạo AfD, để thảo luận về tương lai nước Đức. Hiện vẫn chưa rõ liệu Musk có thực hiện cam kết đầu tư 127 triệu USD vào đảng Tái thiết Anh hay không.
Elon Musk, từ một nhà sáng tạo công nghệ, đã trở thành một nhân vật chính trị toàn cầu với tầm ảnh hưởng sâu rộng. Dù mục đích của ông là gì, việc ông công khai ủng hộ các phong trào cực hữu tại châu Âu chắc chắn sẽ để lại những tác động lâu dài cho cả chính trị và xã hội tại khu vực này.
Hoàng Vũ
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/elon-musk-dang-bien-minh-la-nha-cach-mang-cuc-huu-tai-chau-au-227866.html