Hầu hết những người hiện tại đang vây quanh Trump là những cố vấn từng sát cánh trong các cuộc chiến trước đây hoặc bạn bè thân thiết suốt nhiều thập kỷ. Musk thì không. Ảnh: New York Times.
Trước khi chính thức tham gia chiến dịch tranh cử của ông Trump, Elon Musk hầu như không khi nào làm việc hay giao thiệp với Trump. Nhưng từ đêm 5/11, sau khi ông Trump tái đắc cử, Musk bắt đầu xuất hiện bên cạnh vị tổng thống rất thường xuyên.
Với một người không mấy kiên nhẫn và xa lạ với nghệ thuật xây dựng quan hệ chính trị như Musk, đây là một thử thách còn phức tạp hơn cả việc thiết kế tên lửa hay chế tạo xe điện, New York Times nhận định.
Vị CEO đã trở thành nhân tố quan trọng trong giai đoạn chuyển giao quyền lực của Trump, đồng thời cũng đặt chính mình vào tâm điểm của những tranh luận gay gắt tại Washington và Silicon Valley: Mối quan hệ giữa Musk và Trump sẽ kéo dài bao lâu?
Theo New York Times, câu trả lời phụ thuộc vào việc ông có khả năng xoa dịu Trump và giữ thái độ tương đối khiêm nhường trong chính quyền mới hay không. Đồng thời, ông còn phải “hạ bệ” các đối thủ trong nội bộ khi thời cơ đến.
Khả năng của Elon Musk bị hoài nghi
Thế giới chính trị của Trump thường được gọi là "Trumpworld”. Đây là nơi chỉ tồn tại những cố vấn trung thành và các đồng minh lâu năm. Elon Musk không thuộc bất kỳ nhóm nào trong số đó. Tuy nhiên, ông mang đến một thứ khác biệt: 200 triệu người theo dõi trên mạng xã hội X (trước đây là Twitter) và khoản đóng góp 200 triệu USD để hỗ trợ chiến dịch của ông Trump.
Ấn tượng với việc Musk cắt giảm 80% nhân sự tại X, Donald Trump đã tuyên bố rằng CEO Tesla sẽ là đồng lãnh đạo của một cơ quan mới, tên là Bộ Hiệu quả Chính phủ (Department of Government Efficiency - DOGE) cùng với doanh nhân Vivek Ramaswamy.
Trong tuần qua, Musk liên tục xuất hiện cùng ông Trump tại các buổi họp ở Mar-a-Lago, tham dự một trận đấu UFC cùng ông. Ngày 19/11, Musk đã đưa Trump đến Rio Grande Valley, Texas, để xem buổi phóng tên lửa của SpaceX.
Musk đã dẫn ông Trump và các nhà lập pháp Đảng Cộng hòa đến phòng điều khiển trước khi phóng tên lửa SpaceX vào 19/11 ở Nam Texas. Ảnh: Brandon Bell.
Dù xuất hiện liên tục bên ông Trump, trong các cuộc họp riêng, Musk vẫn tỏ ra không quen với chính sách hoặc các ứng viên tiềm năng cho các vị trí trong chính phủ. Tuy nhiên, Musk luôn nhấn mạnh một điểm cốt lõi: cần một "cải cách triệt để" và những "người cải cách" có thể thực hiện các thay đổi mạnh mẽ.
Mick Mulvaney, cựu Chánh Văn phòng của ông Trump và hiện là nhà vận động hành lang, đã chia sẻ với khách hàng của mình rằng những CEO công nghệ như Musk, Marc Andreessen, David Sacks và Joe Lonsdale đang có cơ hội tiếp cận chưa từng có tiền lệ trong lịch sử các kỳ bầu cử tổng thống.
Dù vậy, ông Mulvaney vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng của Musk khi thực hiện những lời hứa cắt giảm ngân sách. "Đi lên sao Hỏa có khi còn dễ hơn”, ông Mulvaney nói. Ông không thể hình dung ra một viễn cảnh thay đổi toàn diện về cách thức hoạt động kinh doanh của chính phủ liên bang. Mulvaney cũng nghi ngờ rằng Musk liệu có thực sự hoàn thành nó hay không.
Tại Mar-a-Lago, các đồng minh thân cận của Musk như Andreessen, Lonsdale và Ken Howery cũng đã xuất hiện. Trong khi đó, các doanh nhân công nghệ khác đang nỗ lực tìm cách tiếp cận với Musk hoặc đội ngũ của ông. Brian Armstrong, Giám đốc điều hành Coinbase, gọi cơ hội làm việc trong DOGE là “nghìn năm có một” để cải thiện tự do kinh tế tại Mỹ và thu gọn chính phủ.
Nguyên tắc quan trọng để tồn tại trong chính quyền Trump
Musk đã vận động thành công để Brendan Carr, một thành viên đảng Cộng hòa, trở thành lãnh đạo Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC). Đây là một “sự lựa chọn tuyệt vời”, tỷ phú viết. Ông cũng đã thúc đẩy ông Trump đưa Russell T. Vought, từng là lãnh đạo Văn phòng Quản lý Hành chính và Ngân sách trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, trở lại, theo nguồn tin nội bộ.
Tuy nhiên, không phải mọi đề xuất của Musk đều được Trump chấp nhận. Elon từng vận động để Howard Lutnick, CEO của Cantor Fitzgerald, trở thành Bộ trưởng Tài chính, nhưng cuối cùng Lutnick chỉ được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thương mại.
Hay Emil Michael, cựu giám đốc điều hành Uber, vốn được Elon Musk đề cử làm Bộ trưởng Giao thông vận tải. Tuy nhiên, vị trí này cuối cùng thuộc về Sean Duffy, người nhận được sự ủng hộ của Susie Wiles, Chánh văn phòng sắp tới của ông Trump.
Ông Trump và Musk đã tham dự trận UFC tại Madison Square Garden trong tháng 11. Ảnh: New York Times.
Theo New York Times, các trợ lý của ông Trump có nhiều quan điểm đối lập về vai trò của ông Musk. Một số người coi ông là người tương đối vô hại. Những người khác tỏ ra khó chịu khi ông xuất hiện gần như liên tục tại Mar-a-Lago, đặc biệt khi ông không có lịch sử gắn bó cá nhân với ông Trump.
Về phần Musk, ông bắt đầu nhận thức được về tầm ảnh hưởng của mình, theo New York Times. Ông công khai phản bác lại một bài báo gọi ông là “cố vấn thân cận nhất của Trump”. Ông viết trên mạng xã hội X rằng: “Tôi chỉ đưa ra ý kiến về một số ứng viên nội các và nhiều quyết định được đưa ra mà tôi không hay biết. Quyết định cuối cùng 100% vẫn thuộc về tổng thống”.
Dường như Musk đã nhận ra một nguyên tắc quan trọng trong thế giới của Trump: không bao giờ làm lu mờ vị thủ lĩnh.
Cựu Chánh văn phòng của Trump Mick Mulvaney cho rằng điểm mạnh lớn nhất của Musk nằm ở sự thẳng thắn, bởi vì “có rất nhiều người sẽ luôn cảm thấy cần phải đồng ý với Trump”.
"Ông ấy có đủ tiền và đủ việc để làm. Đủ đến mức Musk là một trong những người hiếm hoi trên thế giới không cần đến công việc này. Và chính điều đó làm ông trở thành một cố vấn đáng tin cậy”, Mulvaney nhận xét.
Thúy Liên