Mục tiêu của phương pháp này là ngăn ngừa nguy cơ truyền các bệnh di truyền nghiêm trọng, không thể chữa khỏi từ mẹ sang con. Ảnh: ABC News.
Phương pháp này được các nhà khoa học Anh tiên phong thực hiện bằng cách kết hợp trứng và tinh trùng của bố mẹ với trứng thứ hai từ người phụ nữ hiến tặng, theo BBC.
Mục tiêu của phương pháp này là ngăn ngừa nguy cơ truyền các bệnh di truyền nghiêm trọng, không thể chữa khỏi từ mẹ sang con.
Các bà mẹ trong nghiên cứu được cho mang đột biến ty thể, Guardian đưa tin.
Ty thể là cấu trúc cực nhỏ bên trong hầu hết tế bào cơ thể, có vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi thức ăn thành năng lượng mà cơ thể có thể sử dụng.
Khi ty thể bị lỗi, cơ thể có thể thiếu năng lượng để duy trì hoạt động sống như tim đập, và gây tổn thương não, co giật, mù lòa, yếu cơ cùng suy nội tạng.
Vì ty thể được truyền từ mẹ sang con, nên nếu người mẹ mang đột biến, con cái đều có nguy cơ mắc bệnh.
Chúng có thể gây ra khuyết tật nặng và một số trẻ tử vong chỉ vài ngày sau khi chào đời.
Ước tính, khoảng 1/5.000 trẻ sơ sinh đối mặt rối loạn ty thể.
Hai báo cáo trên New England Journal of Medicine cho biết 22 gia đình đã thực hiện phương pháp này tại Trung tâm Sinh sản Newcastle.
8 em bé, bao gồm 4 bé trai và 4 bé gái, trong đó có một cặp song sinh, đã chào đời. Hiện tại các bé không có dấu hiệu về bệnh ty thể. Ngoài ra một ca mang thai khác bằng kỹ thuật tương tự vẫn đang tiếp tục.
“Sau nhiều năm bất an, phương pháp này đã mang lại cho chúng tôi hy vọng”, mẹ của một bé gái chia sẻ. “Chúng tôi nhìn con bây giờ đầy sức sống và cảm thấy rất biết ơn”.
Trẻ sinh ra từ phương pháp "3 người" này vẫn nhận hầu hết ADN từ bố mẹ, nhưng cũng nhận một lượng rất nhỏ - khoảng 0,1% - từ người phụ nữ hiến trứng. Thay đổi nhỏ này sẽ được truyền qua nhiều thế hệ.
Phương pháp này đã được hợp pháp tại Anh trong một thập kỷ.
Minh An