'Em bé Napalm' Kim Phúc: Nick Út chính là người chụp bức ảnh

'Em bé Napalm' Kim Phúc: Nick Út chính là người chụp bức ảnh
một ngày trướcBài gốc
Nhiếp ảnh gia Nick Út và ''Em bé Napalm'' Kim Phúc. Ảnh: Reuters.
Đã được chụp cách đây hơn 50 năm nhưng gần đây câu chuyện về bức ảnh Em bé Napalm lại một lần nữa nóng lên sau khi tác quyền của bức ảnh, vốn thuộc về ông Huỳnh Công Nick Út, đang bị đặt dấu hỏi.
Lời chia sẻ của bà Kim Phúc
Là nhân vật chính trong bức ảnh, bà Phan Thị Kim Phúc, cô bé 9 tuổi không mặc quần áo, đang chạy về phía ống kính, trong bức ảnh lịch sử, đã lên tiếng.
Trong một bức thư được đề gửi "những ai quan tâm" đến sự việc, bà cho rằng đang có một cuộc tấn công sai lệch và vô lý nhằm vào Nick Út và bà từ chối tham gia. “Dù không nhớ rõ từng phút giây ngày hôm đó, nhưng tôi sẽ không bao giờ tham gia vào bộ phim của Gary Knight, bởi tôi biết nó sai sự thật”.
Về những người có mặt tại hiện trường, bà Kim Phúc cho biết: “Tất cả nhân chứng có mặt vào ngày kinh hoàng ấy, bao gồm cả chú của tôi, đã nhiều lần xác nhận trong suốt những năm qua rằng Nick Út có mặt tại hiện trường, là người chạy đến phía tôi để chụp bức ảnh. Những nhân chứng ấy bao gồm các nhà báo, nhiếp ảnh gia và quay phim quốc tế như David Burnett, Fox Butterfield, Chris Wain và Alan Downes (người không may qua đời vì ung thư vài năm trước)”.
“Khi tôi đang trong trạng thái sốc, ngất đi sau khi bỏ chạy khỏi vụ nổ napalm và được đưa nước, họ đều xác nhận rằng họ đã nhìn thấy Nick, người duy nhất đã chạy lên phía trước để chụp bức ảnh”, bà Kim Phúc thông tin thêm.
Không chỉ lên tiếng về vấn đề tác quyền bức ảnh, bà Kim Phúc cũng chia sẻ về điều tử tế bà và gia đình nhận được từ Nick Út trong nhiều năm qua.
Theo đó, trong số những người có mặt tại hiện trường ngày 8/6/1972, Nick Út là người duy nhất đưa Kim Phúc đến bệnh viện điều trị. “Chú tôi kể lại nhiều lần rằng không ai khác nhận lời đưa tôi và những nạn nhân bị bỏng khác đi, vì hầu hết mọi người đều muốn quay về Sài Gòn trước khi trời tối vì sợ bị phục kích hoặc tấn công trên đường. Chỉ có Nick là người đã đồng ý trước lời cầu xin của chú tôi”, bà Kim Phúc chia sẻ.
“Tôi vẫn không thể nhớ trọn vẹn sự kiện ngày 8/6/1972, chỉ có những mảnh ký ức thoáng qua. Nhưng từ những điều mà chú tôi và em trai tôi, Phước (khi đó mới 5 tuổi, có mặt trong bức ảnh và cũng ở trong chiếc xe chở chúng tôi đến bệnh viện Củ Chi), kể lại cho tôi, tôi không có chút nghi ngờ nào rằng chính Nick Út là người đã cứu mạng tôi bằng cách đưa tôi đến bệnh viện. Vì điều đó, tôi sẽ mãi biết ơn ông”, bà Kim Phúc giãi bày.
Nhưng mối quan hệ giữa người phóng viên ảnh và người được chụp ảnh không dừng lại ở đó. Sau khi ngày kinh hoàng lùi xa, Nick Út đã đến thăm gia đình bà Kim Phúc ở Trảng Bàng vào năm 1973. Đến tận bây giờ, ông vẫn thường đến thăm và tặng quà cho gia đình.
Hiện tại, Nick Út và bà Kim Phúc cũng thường xuyên liên lạc và cùng nhau thực hiện các sứ mệnh nhân đạo và diễn thuyết công chúng gần như hàng năm. “Ông là một phần quan trọng trong gia đình tôi. Chính Nick đã đến thăm mẹ tôi khi bà dần mất trí nhớ. Mẹ tôi luôn vui vẻ sau mỗi lần gặp ‘chú Nick’”, bà Kim Phúc cho biết.
“Là người Mỹ gốc Việt duy nhất từng đoạt giải Pulitzer trong cuộc chiến tại Việt Nam, và vẫn là người trẻ nhất từng đoạt giải, tôi không hề nghi ngờ, cả bằng lý trí lẫn con tim, rằng chính Nick Út là người đã chạy đến phía tôi và chụp bức ảnh nổi tiếng đó. Nick đã chụp bức ảnh, và ông xứng đáng với mọi ghi nhận mà ông nhận được... Tôi rất biết ơn vì ông không chỉ là một nhiếp ảnh gia. Ông là người hùng của tôi, người đã gác máy ảnh xuống, đưa tôi đến bệnh viện và cứu sống tôi ngày hôm đó. Không một ai khác làm điều đó vào ngày kinh hoàng ấy”, bà Kim Phúc khẳng định.
Tác quyền của bức ảnh đang được tranh luận. Ảnh: WPP.
Vấn đề đang được tranh luận
Trên thực tế, câu chuyện về Em bé Napalm chỉ nóng lên sau khi The Stringer, bộ phim tư liệu được tổ chức The VII Foundation, trong đó một trong những người đứng đầu là Gary Knight, và đối tác XRM Media sản xuất, công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Sundance vào tháng 1. Theo đó, bộ phim cho biết ông Nguyễn Thành Nghệ, người có mặt tại Trảng Bàng, Tây Ninh vào ngày 8/6/1972 chính là người chụp bức ảnh.
Trước nay, Em bé Napalm vẫn được cho là thuộc về Nick Út, nhiếp ảnh gia chính thức của hãng tin AP tại Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh). Với giá trị lịch sử to lớn, bức ảnh đã mang lại cho Nick Út giải Pulitzer và giải Bức ảnh của năm năm 1973 của Tổ chức Giải ảnh báo chí Thế giới (World Press Photo WPP).
Trước thông tin ban đầu từ The Stringer, World Press Photo (WPP) đã tiến hành cuộc điều tra của riêng mình. Dựa trên kết quả điều tra nội bộ, cùng dữ liệu từ bộ phim, WPP đã tạm dừng ghi nhận tác quyền đối với bức ảnh Em bé Napalm, cho rằng có quá nhiều nghi ngờ để tiếp tục xác định tác quyền hiện tại.
Động thái của WPP đã tiếp tục thổi bùng làn sóng tranh luận liên quan đến tác quyền của bức ảnh, đặc biệt là khi cách tiếp cận của họ khác với hãng tin AP (tổ chức nơi Nick Út làm việc) và giải Pulitzer.
Những tiếng nói ủng hộ Nick Út
Trái với nghi vấn mà đoàn phim The Stringer và tổ chức World Press Photo đặt ra, có nhiều tiếng nói ủng hộ Nick út. Đầu tiên phải kể đến hãng tin AP. Họ cũng tiến hành cuộc điều tra của riêng mình và kết luận rằng không có "bằng chứng xác thực" nào, theo tiêu chuẩn của AP, khiến họ phải thay đổi quyền tác giả của Em bé Napalm.
Về phía giải Pulitzer, trong một tuyên bố gửi qua email cho CNN, họ cho biết “không chắc sẽ có hành động nào trong tương lai” liên quan đến giải thưởng của Út hay không”. Tuy nhiên, Giải thưởng Pulitzer phụ thuộc vào việc các tổ chức tin tức gửi bài dự thi và đó là căn cứ xác định tác giả của các bài dự thi. Do đó, đánh giá của AP đã cho thấy không có đủ bằng chứng để tước bỏ quyền tác giả hiện tại.
Lập trường của Burnett được nhiều người dùng đồng tình. Ảnh: Facebook.
Ngoài ra, các nhiếp ảnh gia chiến trường có tên tuổi đã lên tiếng ủng hộ Nick Út, ví dụ David Hume Kennerly hay David Burnett.
Là người có mặt tại Trảng Bàng khi vụ đánh bom napalm diễn ra, Burnett khẳng định vai trò của Nick Út: “Khi nhìn thấy rõ một nhóm người dân chạy khỏi trung tâm làng, hướng về con đường mà đoàn báo chí đang đứng một cách lộn xộn, Nick Út và phóng viên của Newsweek Alex Shimkin, những người đang đứng cạnh tôi, bắt đầu chạy xuống đường về phía những đứa trẻ đang lao tới. Trong vài khoảnh khắc tiếp theo khi những đứa trẻ đến gần, Nick Út đã chụp bức ảnh đó. Theo ký ức của tôi, không ai khác ở gần để chụp bức ảnh đó”.
Minh Hoa
Nguồn Znews : https://znews.vn/em-be-napalm-kim-phuc-nick-ut-chinh-la-nguoi-chup-buc-anh-post1555841.html