Erick Thohir - ngọn cờ đầu của cách mạng bóng đá Indonesia

Erick Thohir - ngọn cờ đầu của cách mạng bóng đá Indonesia
8 giờ trướcBài gốc
Chính xác kể từ khi nhậm chức Chủ tịch LĐBĐ Indonesia (PSSI) năm 2023, ông Thohir đã liên tục có những cú đột phá mang tính chiến lược đường dài với mục đích: nâng cao vị thế bóng đá Indonesia.
Giàu có, quyền lực, đam mê thể thao, đặc biệt là bóng đá
Chủ tịch PSSI Erick Thohir và Tổng thư ký KNVB Gijs de Jong (phải) trong lễ ký kết hợp tác cuối tháng 1.2025
Sinh năm 1970, năm 23 tuổi ông Erick Thohir đã có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học quốc gia California (Mỹ). Ông là doanh nhân, nhà hoạt động từ thiện và chính trị gia người Indonesia. Ông đang là Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp nhà nước. Ông cũng từng sở hữu câu lạc bộ danh tiếng Inter Milan (Ý) trước khi chuyển nhượng lại vào năm 2019. Hiện nay ông đang sở hữu CLB Oxford United thi đấu ở Championship (Anh)
Là Chủ tịch PSSI lại là người có địa vị xã hội, có quyền thế ở Indonesia, nên ngay sau khi Indonesia bị truất quyền đăng cai vòng chung kết U.20 World Cup 2023 vì lý do chính trị, ông Thohir đã vận động và thuyết phục được FIFA trao quyền đăng cai World Cup U.17 2023.
Ngay sau khi tổ chức thành công và được các tổ chức bóng đá thế giới đánh giá cao, ông Thohir tiến thêm một bước khi công bố Indonesia sẽ hợp tác với Singapore để xin đăng cai Giải vô địch U.20 thế giới 2025 và Giải vô địch bóng đá U.17 thế giới 2025 hoặc 2029. Ngay sau đó, LĐBĐ Singapore cũng chính thức thông báo sẽ cùng Indonesia xin đăng cai hai giải trẻ này.
Giải thích lý do đăng cai giải trẻ mà rút lại ý định đăng cai World Cup 2034, ông Thohir cho biết bóng đá Indonesia cần làm lại bóng đá trẻ và chiến lược này đã bắt đầu từ năm 2018, khi Indonesia nộp hồ sơ xin là nước chủ nhà rồi sau đó vào tháng 10.2019 đã được trao quyền đăng cai World Cup U.20 năm 2021.
Giải được dự kiến tổ chức từ ngày 20.5 đến 12.6.2021, nhưng sau đó đã phải hoãn đến tháng 5.2023 do đại dịch COVID-19. Indonesia đã chuẩn bị từ cơ sở vật chất, nâng cấp, sửa chữa 6 sân vận động cho sự kiện này. Do đó, khi bị tước quyền tổ chức World Cup U.20 năm 2023, đồng thời nước chủ nhà Peru không đáp ứng được tiêu chuẩn của FIFA, Chủ tịch PSSI Thohir đã thuyết phục FIFA chuyển World Cup U.17 2023 từ Peru về cho Indoensia tổ chức.
Tại giải đấu này, đội U.17 Indonesia dù không vượt qua vòng bảng nhưng các tuyển thủ trẻ Indonesia đã để lại dấu ấn với hai trận hòa trước các đội bóng mạnh là Ecuador, Panama.
Không chỉ ngoại giao đưa giải thế giới về quê nhà Indonesia tổ chức, ông Thohir còn tổ chức trận đấu giao hữu trong đợt FIFA Day giữa đội đương kim vô địch thế giới Argentina với đội tuyển Indonesia. Giải thích về trận đấu chênh lệch này, ông Erick cho biết mục đích là mong muốn đội tuyển Indonesia có cơ hội thi đấu với những đội tuyển hàng đầu thế giới.
Kế hoạch của ông Erick là muốn tổ chức mỗi năm một trận như thế này để thử thách lòng dũng cảm, nâng cao sự tự tin, rũ bỏ mặc cảm tự ti, chứ không phải để kiếm điểm trên bảng xếp hạng FIFA.
Cũng chính ông Thohir là cha đẻ của chính sách nhập tịch cầu thủ: ưu tiên "người Hà Lan" vì Indonesia từng là thuộc địa của Hà Lan từ thế kỷ 17 và đến năm 1945 Indonesia mới độc lập, mà Hà Lan là quốc gia có nền bóng đá trong nhóm đầu thế giới, đồng thời là một trong những cái nôi đào tạo bóng đá trẻ chất lượng cao.
Hà Lan hóa
Indonesia vừa nhập tịch thành công 3 cầu thủ gốc Hà Lan là tiền đạo Ole Romeny, hậu vệ trái Tim Geypens và trung vệ Dion Markx. Trong đó, Ole Romeny là cầu thủ được PSSI đặt kỳ vọng nhiều nhất khi Romeny từng thi đấu các đội tuyển U của Hà Lan từ 15 đến 19 tuổi. Sau đó Romeny là chân sút chủ lực cho các câu lạc bộ NEC, Willem II, Emmen và Utrecht ở Hà Lan trước khi chuyển về Oxfrod United (Anh) - đội bóng của ông Thohir.
Ba cầu thủ Hà Lan trong buổi lễ tuyên thệ trở thành công dân Indoneisa tại London (Anh) vào ngày 8.2.2025 (từ trái sang): Ole Romeny, Tim Geypens, Dion Markx - Ảnh: PSSI
Nếu như Romeny là niềm hy vọng của bóng đá Indonesia tại vòng loại thứ 3 Wolrd Cup khu vực châu Á với mục tiêu giành vé tham dự vòng chung kết World Cup 2026, thì hai cầu thủ trẻ cùng 19 tuổi Geypens và Dion Markx là niềm hy vọng của đội U.22 Indonesia với mong muốn bảo vệ thành công chiếc huy chương vàng SEA Games diễn ra tại Thái Lan cuối năm 2025.
Với 3 cầu thủ nhập tịch mới này, cho đến nay Indonesia đã nhập tịch 20 cầu thủ trong đó có đến 19 người sinh ra ở Hà Lan. Trong 19 người từ chương trình “Hà Lan hóa” này, trung vệ 24 tuổi Mees Hilgers là cầu thủ đắt giá nhất Đông Nam Á với giá chuyển nhượng 9 triệu euro (hơn 235 tỉ đồng).
Chiến lược “Hà Lan hóa” không chỉ dừng ở nhập tịch cầu thủ có huyết thống Indonesia sinh ra ở Hà Lan, mà PSSI dưới triều đại Thohir đã mời danh thủ người Hà Lan Patrick Kluivert là HLV đội tuyển quốc gia và sắp tới, PSSI cũng sẽ mời một người Hà Lan nắm giữ chức vụ giám đốc kỹ thuật, một vị trí quan trọng, người lên kế hoạch, định hướng phát triển cho cả nền bóng đá Indonesia.
Cuối cùng, ông Thohir vừa hân hoan thông báo PSSI đã đạt được sự thỏa thuận hợp tác với LĐBĐ Hà Lan (KNVB), trong đó KNVB sẽ giúp bóng đá Indonesia phát triển từ bóng đá trẻ, bóng đá nữ cho đến đội tuyển quốc gia cả nam lẫn nữ. Ngoài ra, nếu không có gì thay đổi, trong năm 2025 sẽ có trận giao hữu giữa hai đội tuyển quốc gia Indonesia và Hà Lan.
***
Chưa thể khẳng định ngay lúc này là bóng đá Indonesia với chính sách cùng chiến lược “Hà Lan hóa” sẽ thành công vang dội, đồng thời giúp Indonesia trở thành cường quốc của bóng đá Đông Nam Á và vươn tầm cao châu Á. Tuy nhiên, khi lần đầu tiên trong lịch sử cả đội U.17, U.20, U.23 và đội tuyển quốc gia Indonesia đều đủ điều kiện tham dự vòng chung kết châu Á, cũng như đội tuyển quốc gia Indonesia đang hy vọng đoạt được vé tham dự vòng chung kết World Cup 2026, rõ ràng niềm tin đến năm 2045 bóng đá Indonesia sẽ vào Top 50 thế giới của ông Erick Thohir - ngọn cờ đầu của cuộc cách mạng bóng đá Indonesia - là hoàn toàn có cơ sở.
Đặng Hoàng
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/erick-thohir-ngon-co-dau-cua-cach-mang-bong-da-indonesia-229186.html