Bộ trưởng Ngoại giao Estonia Margus Tsahkna phát biểu với báo chí tại trụ sở NATO ở Brussels. Ảnh: Getty.
Ngoại trưởng Estonia, ông Margus Tsahkna, cho biết NATO vẫn còn vài năm để chuẩn bị trước khả năng Nga phát động một cuộc tấn công quy mô lớn. Tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều lần bác bỏ những cáo buộc cho rằng Moscow có kế hoạch gây hấn với NATO, gọi đó là những “lời vô lý” nhằm gieo rắc nỗi sợ trong dân chúng châu Âu và biện minh cho việc tăng ngân sách quốc phòng.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh France 24 hôm cuối tuần qua, ông Tsahkna nhận định: “Chúng ta có khoảng vài năm để chuẩn bị trước khi Nga có đủ năng lực cho một cuộc tấn công toàn diện ở khu vực biên giới NATO”. Lý do là hiện tại quân đội Nga đang bị cuốn vào cuộc xung đột tại Ukraine, ông giải thích.
Cũng như các quốc gia vùng Baltic khác, Estonia là một trong những nước lên tiếng ủng hộ Ukraine mạnh mẽ nhất trong cuộc chiến với Nga. Estonia đã liên tục kêu gọi cung cấp thêm vũ khí cho Kiev và gia tăng các biện pháp trừng phạt với Moscow.
Từ tháng 2/2022 đến nay, chính phủ Estonia đã viện trợ quân sự cho Ukraine gần 500 triệu EUR – tương đương hơn 1,4% GDP quốc gia này. Estonia, Latvia và Lithuania cũng được cho là nằm trong số 6 quốc gia ủng hộ sáng kiến của Anh và Pháp về việc triển khai lực lượng "trấn an phương Tây" tới Ukraine sau khi chiến sự chấm dứt.
“Tôi từng là Bộ trưởng Quốc phòng Estonia giai đoạn 2016–2017, và tôi đã chứng kiến phía bên kia biên giới NATO và EU có tới 120.000 binh sĩ Nga sẵn sàng hành động chỉ trong 48 giờ”, ông nói.
Tuy nhiên, hiện nay “phía bên kia biên giới gần như trống vắng vì Nga đang dồn lực vào Ukraine”, ông Tsahkna nói thêm.
“Nhưng điều chúng tôi thấy là Nga đang đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng quân sự – thậm chí còn có quy mô lớn hơn trước đây”, ông nhấn mạnh.
Theo ông Tsahkna, Moscow đang có kế hoạch tái bố trí lực lượng – thậm chí có thể ở quy mô lớn hơn – tới các khu vực giáp biên giới NATO trong tương lai. “Nhưng chúng tôi không chỉ nói về biên giới với Estonia, mà là biên giới NATO”, ông nói.
Ông cảnh báo rằng “nếu Tổng thống Putin muốn thử thách NATO ở khu vực của chúng tôi, cái giá mà ông ta phải trả sẽ rất đắt” nhờ vào sự hiện diện lâu dài của quân đội NATO tại các nước Baltic, chi tiêu quốc phòng tăng mạnh trong khối những năm gần đây, cùng với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO lần lượt vào năm 2023 và 2024.
Tuy nhiên, đặc phái viên của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump – ông Steve Witkoff, người từng gặp Tổng thống Putin ba lần tại Điện Kremlin – đã nói với nhà báo Tucker Carlson hồi tháng 3 rằng Moscow “chắc chắn 100% không” có ý định tấn công các quốc gia NATO.
Huyền Chi