Xe điện Trung Quốc đợi xuất khẩu sang EU ở cảng Giang Tô (Ảnh: Getty).
Các mức thuế bổ sung đã được chính thức phê duyệt hôm 29/10 và được công bố trên tạp chí chính thức của Liên minh Châu Âu, chúng đã có hiệu lực vào lúc 0h00 ngày 30/10.
Mức thuế bổ sung không thống nhất đối với các nhãn xe
Ngoài mức thuế nhập khẩu ô tô 10% ban đầu, mức thuế bổ sung mới được áp dụng dao động từ 7,8% đến 35,3% với các nhãn xe Trung Quốc và dự kiến sẽ được thực hiện trong 5 năm. Trong số đó, với xe Geely là 18,8%, BYD là 17% và SAIC là 35,3%; các sản phẩm do công ty Tesla của Mỹ sản xuất tại nhà máy ở Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với mức thuế mới là 7,8%.
Liên minh châu Âu đã mở một cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái và kết luận rằng các khoản trợ cấp của chính phủ Trung Quốc cho ngành này đã làm tổn hại lợi ích của các nhà sản xuất ô tô châu Âu.
Trước đó, EU và Trung Quốc đã tổ chức 8 vòng tham vấn kỹ thuật với hy vọng thảo luận các giải pháp thay thế thuế quan. Dù mức thuế đã được chốt nhưng Ủy ban châu Âu vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục đàm phán; theo Reuters, hai bên đã nhất trí khởi động vòng đàm phán mới vào ngày 1/11.
Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis cho biết trong một tuyên bố: "Chúng tôi đã tiến hành một cuộc điều tra thận trọng và thực hiện các biện pháp có mục tiêu và tỷ lệ này để bảo vệ sự công bằng của thị trường và nền tảng công nghiệp của châu Âu".
Xe điện BYD chịu mức thuế bổ sung 17% (Ảnh: Sohu).
Gần đây, các nước châu Âu và châu Mỹ đặt câu hỏi về việc chính phủ Trung Quốc trợ cấp quá mức cho các ngành năng lượng mới như xe điện và tấm pin mặt trời, điều này có thể dẫn đến tình trạng dư thừa công suất và đe dọa sự cân bằng của thị trường toàn cầu. EU tuyên bố rằng năng lực sản xuất dư thừa 3 triệu xe điện mỗi năm của Trung Quốc lớn gấp đôi quy mô thị trường EU. Nếu xét đến việc Mỹ và Canada đã áp thuế 100% đối với chúng, xe điện của Trung Quốc rất có thể sẽ tràn vào châu Âu vào năm nay với số lượng lớn.
Ngoài ra, với sự trỗi dậy của các thương hiệu xe điện Trung Quốc như BYD, lợi thế của các hãng xe châu Âu cũng bị giảm sút. Theo Ủy ban châu Âu, giá xe điện Trung Quốc nhìn chung thấp hơn 20% so với giá xe sản xuất tại châu Âu. Dữ liệu cũng cho thấy thị phần của các thương hiệu Trung Quốc tại châu Âu đã tăng từ dưới 1% năm 2019 lên 8% năm nay và có thể tăng lên 15% vào năm 2025.
Bất đồng trong nội bộ EU
Việc áp thuế đối với xe điện của Trung Quốc đã gây ra những bất đồng trong nội bộ EU trong năm qua, với các nước như Đức và Hungary có lập trường phản đối. Đức là nền kinh tế lớn nhất EU và có nhiều nhà sản xuất ô tô quan trọng. Đầu tháng 10, Đức đã bỏ phiếu phản đối việc áp thuế bổ sung tại cuộc họp EU; khi đó, 10 nước ủng hộ, 5 nước bỏ phiếu chống và 12 nước bỏ phiếu trắng.
Ngày 29/10, Bộ Kinh tế Đức bày tỏ ủng hộ các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa EU và Trung Quốc, hy vọng giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp ngoại giao, bảo vệ các ngành công nghiệp của EU và giảm bớt căng thẳng thương mại.
Hildegard Mueller, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp ô tô Đức (VDA), chỉ trích quyết định của EU làm tăng nguy cơ xung đột thương mại: “Đó là bước thụt lùi cho thương mại tự do toàn cầu và cũng sẽ cản trở sự thịnh vượng, an ninh việc làm và tăng trưởng kinh tế của châu Âu”.
Xe điện nhập khẩu của Trung Quốc tồn đọng tại các cảng châu Âu (Ảnh: Sohu).
Tuyên bố của Mueller cho rằng các nhà sản xuất ô tô "không ngây thơ" khi đối mặt với Trung Quốc, nhưng những thách thức cần được giải quyết thông qua đối thoại và điều mà ngành này cần là một hệ thống có thể giúp họ duy trì khả năng cạnh tranh quốc tế, mở ra thị trường mới và tập trung vào chính sách công nghiệp. Bà cũng nói rằng mức thuế mới sẽ khiến sản phẩm trở nên đắt hơn và sẽ không có lợi cho việc chuyển đổi sang xe điện của châu Âu.
AFP dẫn bài phỏng vấn do Bild đăng ngày 29/10 cho biết VDA chủ trương: “Nếu năng lượng ở đây đắt gấp 3 đến 4 lần so với ở Mỹ hay Trung Quốc, nếu tình trạng quan liêu luôn khiến chúng ta lãng phí thời gian và tiền bạc, nếu chúng ta tiếp tục ngày càng kém cạnh tranh về mặt thuế…tình hình sẽ không ổn. Trong tương lai, cơ hội việc làm xuất hiện ở nước ngoài sẽ ngày càng nhiều”.
Một số nhà công nghiệp Đức cũng lo ngại các biện pháp của EU có thể dẫn đến sự phản công của Trung Quốc, chẳng hạn như tăng thuế nhập khẩu đối với xe chạy xăng động cơ lớn, sẽ ảnh hưởng đến các nhà sản xuất Đức.
Khi mức thuế mới được đưa ra, Volkswagen (VW) dự định đóng cửa ít nhất ba nhà máy ở Đức và sa thải mấy nghìn công nhân.
Đồng thời, các công đoàn ngành điện cơ và kim loại của Đức đã phát động một cuộc đình công trên toàn quốc nhằm nỗ lực đòi tăng lương. Reuters chỉ ra rằng điều này đã làm trầm trọng thêm các vấn đề mà các công ty ô tô phải đối mặt: giá thành tăng, doanh số xuất khẩu giảm và cạnh tranh ở nước ngoài gay gắt hơn. Trong tình hình hiện nay, các công ty Đức ngày càng khó duy trì khả năng cạnh tranh toàn cầu.
Vòng đàm phán thương mại cấp bộ trưởng Trung Quốc - EU tại Brussel tháng 9/2024 không đạt kết quả (Ảnh: Deutsche Welle).
Trung Quốc tuyên bố không chấp nhận
Đầu tháng 10, EU đã bỏ phiếu áp thuế cao đối với xe điện của Trung Quốc, gây ra phản ứng dữ dội từ Bắc Kinh.
Bloomberg chỉ ra rằng động thái của EU là một trở ngại lớn đối với các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, vốn đã bị loại khỏi thị trường Mỹ do mức thuế cao. Vào tháng 5 năm nay, Mỹ tuyên bố sẽ tăng thuế nhập khẩu đối với xe điện của Trung Quốc từ 25% lên 100%.
Sau khi tin về mức thuế bổ sung được công bố, Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 30/10 đã tuyên bố rằng họ "không đồng ý, không chấp nhận" phán quyết của EU, chỉ trích EU thực tế tiến hành "cạnh tranh không lành mạnh" dưới danh nghĩa "cạnh tranh công bằng" và mô tả động thái này là “chủ nghĩa bảo hộ”.
Trung Quốc cho biết họ đã đệ đơn kiện theo cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và dự định thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của các công ty Trung Quốc. Về đàm phán với châu Âu, Trung Quốc nhấn mạnh “luôn chủ trương giải quyết tranh chấp thương mại thông qua đối thoại và tham vấn, đồng thời luôn nỗ lực hết sức để đạt được mục tiêu này”.
Trước đó, Trung Quốc cũng tiến hành điều tra chống bán phá giá hoặc chống trợ cấp đối với EU, nhắm vào các sản phẩm rượu mạnh, thịt lợn và các ngành công nghiệp khác của châu Âu. Biện pháp này được coi là đòn đáp trả của Trung Quốc trước cuộc điều tra chống trợ cấp của EU đối với xe điện.
Những người phản đối việc châu Âu tăng thuế cho rằng các cuộc tấn công và phòng thủ của hai bên có thể gây ra một vòng chiến tranh thương mại mới. Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng EU đang tiến tới một "cuộc chiến tranh lạnh kinh tế" với Trung Quốc.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn phải chờ xem tác động của mức thuế mới đối với giá cả ra sao và một số nhà sản xuất liệu có thể tự gánh chịu một phần giá thành hay không. Ngoài ra, Trung Quốc tuyên bố "không chấp nhận", thì họ sẽ ứng phó ra sao?
Theo Deutsche Welle
Thu Thủy