Nếu không đạt được thỏa thuận trước hạn chót 1/8, EU sẽ đối mặt nguy cơ Mỹ áp thuế 30% lên hàng xuất khẩu, đe dọa nghiêm trọng ngành nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác. Brussels hiện vẫn nỗ lực đàm phán để hạ nhiệt căng thẳng nhưng khẳng định sẵn sàng đáp trả nếu cần. Ảnh minh họa. (Nguồn: Epthinktank)
Sau khi bị bất ngờ bởi một lá thư đe dọa áp thuế 30% đối với hàng hóa của EU từ Mỹ vào ngày 12/7, Ủy ban châu Âu nhanh chóng đưa ra kế hoạch áp dụng thuế quan trả đũa đối với hàng xuất khẩu của Washington trị giá 72 tỷ EUR.
Kế hoạch này, nếu được thực hiện, sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của khối.
Những mặt hàng nào vào "tầm ngắm"?
Đây là động thái tiếp theo trong danh sách áp thuế các sản phẩm của Mỹ trị giá 95 tỷ EUR mà Ủy ban châu Âu đề xuất trước đó có thể bị EU áp thuế trả đũa. Các mức thuế trả đũa tiềm tàng của khối nhắm vào hàng nhập khẩu công nghiệp từ đất nước của Tổng thống Trump bao gồm máy bay và phụ tùng máy bay, máy móc, ô tô, hóa chất và nhựa, cũng như thiết bị và dụng cụ y tế.
Ngoài ra, các sản phẩm nông nghiệp, bàn chải đánh răng, lược chải tóc và mủ cao su tự nhiên... cũng vào danh sách bị đánh thuế.
Nếu áp dụng, mức thuế này có nghĩa là người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp châu Âu sẽ mua những sản phẩm này với giá cao hơn, đẩy lạm phát lên cao.
Tuy nhiên, theo ông Sylvain Broyer, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Âu của S&P Global Ratings, tác động lạm phát của các biện pháp đối phó có thể rất nhỏ.
Ông nói: "Thuế quan của EU đối với hàng hóa Mỹ sẽ chỉ có tác động khiêm tốn đến lạm phát của châu Âu và khó có thể ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh tế nói chung".
Rủi ro lớn hơn có thể đến từ sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Châu Âu thực sự có thể cảm nhận được sự ảnh hưởng trong lĩnh vực dịch vụ. "EU phụ thuộc rất nhiều vào dịch vụ của Mỹ, đặc biệt là các lĩnh vực như công nghệ, thanh toán và tư vấn", chuyên gia kinh tế Broyer nhấn mạnh.
Loạt quốc gia chịu tổn thương
Nếu xảy ra xung đột thương mại giữa EU và Mỹ, một số ngành công nghiệp có thể chịu gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng, trong đó có hàng không – lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề do nguy cơ EU áp hạn chế nhập khẩu máy bay và phụ tùng trị giá gần 11 tỷ EUR.
Ireland, Pháp, Hà Lan và Đức là những nước nhập khẩu máy bay Mỹ nhiều nhất năm 2024. Đòn thuế tiềm tàng từ EU được cho là sẽ tác động trực tiếp đến Boeing – hãng có hơn 13% doanh thu (tương đương 8,7 tỷ USD) đến từ thị trường châu Âu.
Đáp lại, Mỹ có thể áp thuế cao hơn đối với máy bay châu Âu, làm gia tăng căng thẳng thương mại xuyên Đại Tây Dương.
Đối với hãng Airbus của châu Âu, doanh thu tại Bắc Mỹ của hãng này gấp đôi doanh thu của Boeing năm ngoái, đạt hơn 16 tỷ USD.
Các biện pháp trả đũa thương mại của EU có thể đe dọa vị thế trung tâm hàng không toàn cầu của Ireland – nơi đặt trụ sở hơn 50 công ty cho thuê máy bay, quản lý khoảng 10.000 chiếc, tương đương 37% đội bay thương mại thế giới.
Ireland đang đối mặt nguy cơ kinh tế lớn nếu Mỹ áp thuế cao đối với hàng xuất khẩu sau ngày 1/8. Cùng với Đức, nước này được đánh giá là một trong những nền kinh tế EU chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Viện nghiên cứu Bruegel ước tính GDP thực tế của Ireland có thể giảm tới 3% vào năm 2028 do tác động tổng thể từ thuế quan Mỹ.
Trong khi đó, với Bỉ, tổng kim ngạch nhập khẩu từ Mỹ tương đương khoảng 5% GDP, cho thấy mức độ phụ thuộc đáng kể vào thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nếu không có thỏa thuận nào giữa hai bên trước thời hạn ngày 1/8, ngành nông nghiệp châu Âu, cùng nhiều ngành khác, sẽ phải đối mặt với mức thuế 30% áp dụng cho hàng xuất khẩu sang Mỹ. Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)
Máy móc là nhóm hàng chịu rủi ro lớn thứ hai theo danh sách của Ủy ban châu Âu, với giá trị nhập khẩu khoảng 9,43 tỷ EUR có thể bị ảnh hưởng bởi thuế trả đũa – gây cú sốc chuỗi cung ứng tại Đức, Hà Lan, Pháp và Ireland.
Theo ông Rory Fennessy, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Oxford Economics, ngay cả những quốc gia không trực tiếp nhập khẩu hàng từ Mỹ cũng có thể chịu tác động lan tỏa đáng kể.
Lĩnh vực ô tô – nhóm hàng lớn thứ ba có nguy cơ bị áp thuế trả đũa – cũng đối mặt nhiều rủi ro. Đức là nước nhập khẩu xe và phụ tùng từ Mỹ nhiều nhất năm 2024 (gần 7,5 tỷ EUR), tiếp theo là Bỉ (1,8 tỷ EUR), nên sẽ chịu áp lực lớn nếu giá cả tăng.
Ngay cả mức tăng giá tạm thời cũng có thể giáng đòn mạnh vào ngành ô tô vốn đang gặp khó của Đức, buộc các hãng lớn như Volkswagen và Mercedes phải cắt giảm chi phí mạnh tay hơn.
Danh sách sản phẩm có thể bị EU áp thuế trả đũa còn bao gồm hóa chất, nhựa và thiết bị y tế – mỗi nhóm có giá trị nhập khẩu từ Mỹ trên 7,5 tỷ EUR năm 2024, chủ yếu ảnh hưởng đến Bỉ, Hà Lan và Đức.
EU cũng cân nhắc áp thuế với các mặt hàng nông nghiệp trị giá 6,4 tỷ EUR, trong đó có rượu whisky bourbon. Hà Lan là nước nhập khẩu loại rượu này nhiều nhất từ Mỹ, với hơn 60 triệu EUR mỗi năm.
Dù tác động trực tiếp đến nền kinh tế có thể không lớn, nhưng nếu Mỹ đáp trả, ngành đồ uống châu Âu – bao gồm rượu vang Pháp và whisky Ireland – cũng có thể bị ảnh hưởng.
Nếu không đạt được thỏa thuận trước hạn chót 1/8, EU sẽ đối mặt nguy cơ Mỹ áp thuế 30% lên hàng xuất khẩu, đe dọa nghiêm trọng ngành nông nghiệp và nhiều lĩnh vực khác. Brussels hiện vẫn nỗ lực đàm phán để hạ nhiệt căng thẳng nhưng khẳng định sẵn sàng đáp trả nếu cần.
(theo Euro News)
Linh Chi