Thu hoạch lúa mì trên cánh đồng ở Izmail, vùng Odessa, Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN
Hạn ngạch mới cao hơn so với mức của hiệp định thương mại tự do đầu tiên giữa EU và Ukraine (có hiệu lực từ năm 2016), nhưng thấp hơn đáng kể so với khối lượng nhập khẩu miễn thuế trong 3 năm qua.
Cụ thể, hạn ngạch nhập khẩu mới đối với lúa mì Ukraine được đặt ở mức 1,3 triệu tấn mỗi năm, cao hơn 30% so với trước xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với mức 6,1 triệu tấn trong mùa vụ 2022 - 2023; 6,5 triệu tấn trong mùa vụ 2023 - 2024 và khoảng 4,5 triệu tấn trong mùa vụ 2024 - 2025 (tính đến ngày 30/6).
Với mặt hàng đường, EU áp hạn ngạch nhập khẩu mới là 100.000 tấn/năm, cao hơn gấp 5 lần so với trước xung đột, nhưng giảm mạnh so với mức nhập khẩu không hạn ngạch là 400.000 tấn/năm trong mùa vụ 2022 - 2023 và hơn 500.000 tấn/năm trong mùa 2023 - 2024.
Sau khi cuộc xung đột tại Ukraine bùng phát vào năm 2022, EU đã mở cửa thị trường, tạm thời dỡ bỏ thuế và hạn ngạch đối với hàng hóa nông sản từ Ukraine. Tuy nhiên, việc lượng lớn ngũ cốc, đường và gia cầm Ukraine tràn vào thị trường EU đã khiến nông dân tại nhiều quốc gia thành viên phản đối mạnh mẽ, buộc khối này phải xem xét lại chính sách.
Theo các thương nhân, Ukraine vẫn duy trì được lượng xuất khẩu ngũ cốc lớn qua Biển Đen, bất chấp xung đột kéo dài.
Việc EU áp dụng hạn ngạch mới đối với lúa mì và đường của Ukraine có thể buộc nông dân Ukraine phải chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường tại châu Á và châu Phi.
Phan An (TTXVN)