EU không muốn bị bất ngờ
Báo Financial Time cho hay, các đại sứ từ 27 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang tổ chức những cuộc họp hàng ngày với những quan chức cấp cao trong khối, bao gồm cả ông Bjorn Seibert - Chánh văn phòng của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nhằm vạch ra các vấn đề mà nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump có thể gây ra nhiều tổn hại nhất cho EU.
Ông Donald Trump, khi còn là Tổng thống Mỹ, bắt tay Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen tại Diễn đàn kinh tế thế giới Davos năm 2020. Ảnh: Euronews.
Lúc này, nỗi lo lắng về việc ông Trump trở lại Nhà Trắng đang lan rộng đến các cấp cao nhất của quyền lực tại châu Âu. Nhiều cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Trump đang vượt qua Phó tổng thống Kamala Harris để trở thành ứng cử viên mà người Mỹ tin tưởng nhất về khả năng điều hành nền kinh tế.
Phát biểu với báo Financial Times, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhận định rằng chiến thắng của ông Trump nếu xảy ra sẽ dẫn đến “những quyết định ngay lập tức” của chính quyền mới của Mỹ, và “có tác động ngay lập tức, tác động rất lớn trong ngắn hạn ở châu Âu”. Ông Michel nói thêm: “Nếu người đắc cử là Donald Trump, đây sẽ là lời cảnh tỉnh thêm rằng chúng ta cần hành động nhiều hơn để tự mình nắm giữ vận mệnh của mình”.
“Mọi người đều đang xem xét mọi thứ nghiêm túc hơn nhiều”, một nhà ngoại giao cấp cao của EU phát biểu với Financial Times. “Chúng tôi đang cố gắng đảm bảo rằng EU sẽ không bị bất ngờ”. Đồng quan điểm này, Arianna Podesta, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu nói: “Chúng tôi thực sự đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử Hoa Kỳ. Tất cả các kết quả có thể xảy ra đều được xem xét”.
Các cuộc thăm dò cho thấy, ông Trump đang dẫn trước bà Harris trên đường đua vào Nhà Trắng năm nay. Ảnh: USD Today.
Những chủ đề được EU xem xét trong chương trình nghị sự vì thế bao gồm thương mại, năng lượng và chính sách kỹ thuật số - các lĩnh vực có thể gặp biến động nếu cựu tổng thống Mỹ trở lại Nhà Trắng. Cùng với đó, còn có những cuộc thảo luận về chính sách của ông Trump với vấn đề Ukraine cũng như NATO.
Ông Trump đã hơn một lần cảnh báo rằng Mỹ sẽ không bảo vệ các đồng minh NATO “thiếu trách nhiệm”, tức là những nước chi tiêu ít hơn 2% GDP cho quốc phòng. Ông cũng phê phán cách chính quyền Tổng thống Joe Biden xử lý vấn đề Ukraine đồng thời đe dọa áp thuế từ 10% đến 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu để đưa hoạt động sản xuất trở lại Mỹ. Tất cả những điều đó cho thấy, EU có lý do để khẩn trương tìm phương án đối phó với các thách thức trong trường hợp ông Trump đắc cử năm nay.
Thuế quan thương mại là vấn đề quan trọng nhất
Mối quan hệ thương mại EU - Mỹ là mối quan hệ có giá trị nhất thế giới, trị giá khoảng 1 nghìn tỷ euro về hàng hóa và dịch vụ hàng năm. EU được hưởng lợi nhiều nhất từ thương mại hàng hóa, đạt thặng dư 156 tỷ euro chỉ riêng trong năm ngoái, so với mức thâm hụt 104 tỷ euro trong lĩnh vực dịch vụ.
Bao quanh bởi những công nhân ngành thép, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu năm 2018, một động thái khiến EU tổn hại rất lớn. Ảnh: DW.
Nhưng chính việc phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu lớn nhất này khiến EU dễ bị tổn thương trước những cú sốc tiềm ẩn từ chính sách thương mại của ông Trump. Các quan chức Brussels lo ngại mức thuế mà ông Trump đe dọa có thể làm giảm lượng xuất khẩu của EU sang Hoa Kỳ khoảng 150 tỷ euro mỗi năm.
Theo báo Financial Times, mức thuế suất chung 10% hoặc 20% sẽ khiến các công ty Mỹ phải trả nhiều chi phí hơn khi nhập khẩu hàng hóa từ EU, nghĩa là kim ngạch xuất khẩu của EU qua Đại Tây Dương có thể giảm tới một phần ba ở một số lĩnh vực. Các ngành như máy móc, xe cộ và hóa chất - chiếm tới 68% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Mỹ vào năm ngoái - sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Điều này sẽ khiến Đức, cường quốc kinh tế của EU, đặc biệt dễ bị tổn thương trước do Berlin phụ thuộc rất lớn vào việc xuất khẩu các mặt hàng này tới Mỹ.
Vì vậy, hầu hết các nhà kinh tế đều đồng ý rằng vũ khí thuế quan của ông Trump sẽ giáng một đòn tàn khốc vào nền kinh tế châu Âu. Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo đồng euro có thể giảm tới 10% so với USD nếu ông Trump áp đặt thuế quan rộng rãi và cắt giảm thuế trong nước. Những dự đoán cực đoan hơn còn cho rằng mức thuế của mà Trump đe dọa áp dụng sẽ khiến tăng trưởng của khu vực đồng euro giảm 1,5% vào năm 2028. Trong khi đó, một nghiên cứu của Viện Kinh tế Đức tại Cologne chỉ ra rằng, cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể làm giảm 1,5% GDP của Đức - đầu tàu kinh tế EU.
Cuộc chiến thương mại với Mỹ có thể làm giảm 1,5% GDP của Đức, nước xuất khẩu xe hơi hàng đầu và cũng là đầu tàu kinh tế EU. Ảnh: The Drive.
Kịch bản như vậy sẽ đẩy nền kinh tế EU - vốn đã chịu nhiều áp lực - đến bờ vực suy thoái. Hậu quả cũng có thể bao gồm mất việc làm. Theo Ủy ban châu Âu, thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương ước tính sẽ hỗ trợ trực tiếp khoảng 9,4 triệu việc làm ở cả EU và Mỹ. Do đó, thiệt hại sẽ không chỉ dừng lại ở những con số trên bảng cân đối kế toán. Gánh nặng an sinh xã hội phát sinh từ một cuộc chiến thuế quan thương mại giữa Mỹ và châu Âu là những thiệt hại tiềm tàng rất lớn, chưa thể đo đếm hết được.
Rút kinh nghiệm từ bài học năm 2018
Các nhà lãnh đạo châu Âu đã rút ra được bài học trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump và đoàn kết, quyết tâm hơn bao giờ hết để đối đầu với nhà lãnh đạo này, các nhà ngoại giao cấp cao và quan chức từ Brussels và các thủ đô EU cho biết trong các cuộc trò chuyện với tạp chí Politico.
Mục tiêu cao nhất của EU vẫn là buộc ông Trump ngồi vào bàn đàm phán với EU ở vị thế tốt hơn, nếu xảy ra thương chiến. Ảnh: New York Post.
“Chúng tôi sẽ đáp trả nhanh chóng và mạnh mẽ”, một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu cho biết về kế hoạch dự phòng của EU cho cuộc chiến thương mại với chính quyền ông Trump. Một nhà ngoại giao cấp cao thứ hai từ một quốc gia châu Âu khác xác nhận rằng các nước EU đang phối hợp chiến lược của họ, với Ủy ban châu Âu dẫn đầu. "Brussels có một danh sách đã sẵn sàng và họ khá tự tin rằng họ có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến thương mại này", nhà ngoại giao cho biết.
Liên minh châu Âu đã thành lập một lực lượng phản ứng nhanh để chuẩn bị cho hậu quả từ cuộc bầu cử Mỹ vào ngày 5 tháng 11. Được thành lập tại trung tâm Ban điều hành EU của Ursula von der Leyen, trong Ban thư ký chung, nhóm “phản ứng nhanh” này tuy chuẩn bị cho cả chiến thắng của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa nhưng các quan chức EU thường gọi đó là “lực lượng đặc nhiệm Trump”.
Brussels đã bị bất ngờ vào năm 2018, khi ông Trump lần đầu tiên áp thuế đối với thép và nhôm của EU và khối này chỉ trả đũa một phần thuế quan đó với hy vọng sẽ làm giảm căng thẳng. Nhưng thay vì xuống thang, ông Trump đã tăng gấp đôi áp lực vào cuối năm đó bằng cách đe dọa áp thuế đối với ôtô xuất khẩu của EU. Dù cuối cùng lời đe dọa này không được thực thi, EU đã bị sốc khi thấy ông Trump sẵn sàng đảo lộn chuỗi cung ứng và cắt đứt quan hệ với các đồng minh quan trọng nhất của Washington.
"Lần trước chúng tôi không tin ông Trump thực sự sẽ đi xa đến mức nào", một nhà ngoại giao cấp cao của EU nói với Politico. “Lần này chúng tôi đã có thời gian để chuẩn bị. Châu Âu đã thay đổi rất nhiều và chúng tôi sẽ sẵn sàng hành động”.
Kho công cụ an ninh kinh tế của EU đã mở rộng trong những năm gần đây và có thể cung cấp nhiều đòn bẩy để sử dụng nhằm trả đũa hành vi của Mỹ. Đó có thể là Công cụ chống cưỡng ép (ACI), cho phép EU áp dụng thuế quan và các hạn chế thương mại khác đối với các quốc gia thứ ba mà Ủy ban châu Âu xác định là đang gây áp lực kinh tế quá mức lên EU.
Một công cụ khác là “Khiếu nại WTO”, có thể được dùng nếu ông Trump bỏ qua mọi quy trình của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Quy định thực thi WTO của EU trao cho Ủy ban châu Âu quyền theo đuổi các biện pháp phòng vệ thương mại nếu một quốc gia thứ ba chặn hoặc bỏ qua quy trình giải quyết tranh chấp của WTO.
EU cũng có thể sử dụng quyền điều tra về quy định trợ cấp nước ngoài. Theo đó, Ủy ban châu Âu có thể tiến hành điều tra trước đối với các công ty Mỹ hoạt động tại EU bị coi là hưởng lợi bất công từ trợ cấp của chính phủ Mỹ. EU đã áp mức thuế quan lớn đối với các sản phẩm nhạy cảm về mặt chính trị của Mỹ như xe máy Harley Davidson và rượu bourbon để đáp trả mức thuế của ông Trump đối với thép và nhôm của EU trong nhiệm kỳ đầu của ông. Dù các mức thuế quan này tạm thời bị đình chỉ cho đến ngày 31 tháng 3 năm 2025, chúng có thể được áp dụng nhanh chóng để đáp trả các hành động của Mỹ hoặc được sử dụng như một công cụ mặc cả trong các cuộc đàm phán với ông Trump.
Mục tiêu cuối cùng, đối với phía EU, vẫn sẽ là một giải pháp đàm phán. Các nhà lãnh đạo khối này tin rằng ông Trump có thể rất muốn kích hoạt vũ khí thuế quan, nhưng cũng rất muốn đàm phán. "Trong thâm tâm, ông ấy là một người làm thỏa thuận”, một nhà ngoại giao EU cho biết, đồng thời trích dẫn việc ông Trump đàm phán lại khu vực thương mại tự do với Mexico và Canada cũng như ký các thỏa thuận với Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU tin rằng nếu họ trả đũa càng mạnh thì ông Trump sẽ càng nhanh chóng bị đưa vào bàn đàm phán. Do đó, những cuộc thảo luận tại Brussels đang tập trung vào việc làm thế nào gây ra nhiều thiệt hại tới mức ông Trump buộc phải đàm phán ngay lập tức - với EU ở vị thế tốt hơn.
Nguyễn Khánh