Lời cảnh báo này vừa được Tổng thống Phần Lan Alexander Stubb đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh hợp tác quốc phòng của Lực lượng Viễn chinh Liên hợp (JEF), diễn ra tại Tallinn, Estonia với chủ đề thảo luận tập trung vào giải quyết xung đột giữa Nga và Ukraine.
Ảnh minh họa.
Trước đề xuất của một số nhà lãnh đạo EU về việc gửi một phái bộ gìn giữ hòa bình đến Ukraine sau khi hòa bình với Nga được thiết lập, Thủ tướng Phần Lan Alexander Stubb cho rằng, đây không phải là một giải pháp hiệu quả trong thời điểm hiện tại do có thể dẫn đến leo thang xung đột. Nhà lãnh đạo Phần Lan hoan nghênh các cuộc đàm phán về thỏa thuận hòa bình hoặc một lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine, song tái khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine:
"Có rất nhiều cuộc trao đổi về đàm phán hòa bình và ngừng bắn, nhưng hãy tập trung vào điều cốt yếu. Trước khi chúng ta có thể bắt đầu nói về hòa bình hay ngừng bắn, chúng ta cần tiếp tục hỗ trợ Ukraine, và sự hỗ trợ này là thiết thực".
Ông Alexander Stubb nhấn mạnh, các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình phải dựa trên luật pháp quốc tế. Theo tính toán của Tổng thống Phần Lan, việc triển khai một phái bộ gìn giữ hòa bình đến Ukraine sẽ cần ít nhất 150.000 binh sĩ. Số lượng quân sĩ thậm chí có thể tăng gấp ba lên đến 450.000 người/năm để đảm bảo thực hiện luân phiên nhiệm vụ. Vì vậy, ý tưởng này khó có thể trở thành hiện thực.
Chủ trì Hội nghị lần này, Kristen Michal, Thủ tướng nước chủ nhà Estonia nhấn mạnh:
"Tôi tự hào khi tuyên bố rằng các nước thành viên Lực lượng Viễn chinh Liên hợp sẽ cung cấp cho Ukraine hơn 12 tỷ euro viện trợ quân sự vào năm 2025. Lập trường thống nhất của chúng tôi là rõ ràng. Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ con đường của Ukraine để trở thành thành viên NATO ngày hôm nay và trong tương lai. Estonia tin tưởng rằng việc gia nhập NATO là sự bảo đảm an ninh mạnh mẽ nhất cho Ukraine".
Về ý tưởng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine trong trường hợp đạt được thỏa thuận ngừng bắn và thiết lập hòa bình tại quốc gia Đông Âu này, nhà ngoại giao hàng đầu của EU Kaja Kallas trước đó cũng khẳng định, khối này không xem xét kế hoạch kể trên khi tình hình chiến sự vẫn đang leo thang.
Về phản ứng của phía Nga, Người phát ngôn Điện Kremlin, Dmitriy Peskov, mới đây cho rằng còn quá sớm để thảo luận về việc sẽ gửi một phái bộ gìn giữ hòa bình đến Ukraine, do Ukraine vẫn từ chối đàm phán hòa bình với Nga: “Nga vẫn cởi mở với các cuộc đàm phán. Tổng thống Putin đã nhiều lần khẳng định điều này. Chúng tôi sẵn sàng đàm phán và coi điều này là khả thi và cần thiết trên cơ sở các thỏa thuận đã kí kết ở Istanbul năm 2022. Nhưng thực tế vẫn chưa có điều kiện tiên quyết nào cho các cuộc đàm phán, vì phía Ukraine vẫn lảng tránh và từ chối, và vì vậy chúng tôi tiếp tục các hoạt động quân sự đặc biệt của mình.”
Ông Dmitry Peskov nêu rõ lập trường quan điểm của Nga muốn tìm kiếm hòa bình với Ukraine, chứ không chỉ là một lệnh ngừng bắn tạm thời, đồng thời một lần nữa tái khẳng định thiện chí sẵn sàng đàm phán hướng tới chấm dứt xung đột. Giới chức Nga trước đó nhiều lần tuyên bố, Nga sẽ không chấp nhận bất kỳ kịch bản “đóng băng” xung đột ở Ukraine nào thay vì giải quyết các nguyên nhân cốt lõi. Nước này sẽ tiếp tục theo đuổi các mục tiêu trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, nếu các đồng minh phương Tây của Ukraine đưa ra các giải pháp không hiệu quả trong giải quyết xung đột.
Hiện tại, nỗ lực xúc tiến hòa đàm giữa Nga và Ukraine đang tiếp tục được đẩy mạnh. Tổng thống các nước Visegrad (hay còn gọi là V4, gồm Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Séc, Slovakia) hôm qua cũng đã nhóm họp tại Wisla (Ba Lan), trong đó chủ đề thảo luận chính là khả năng hòa bình tại Ukraine.
Phương Anh/VOV1