Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett. Ảnh: Getty.
Trao đổi với báo chí, Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett thông tin, "Tổng thống Donald Trump cho rằng, các thỏa thuận cần phải tốt hơn. Và về cơ bản, để đặt ra một ranh giới, ông ấy đã gửi thư cho các quốc gia, và chúng ta sẽ xem mọi việc diễn ra như thế nào".
Bình luận của Cố vấn Kevin Hassett được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trên nền tảng mạng xã hội Truth Social rằng, hàng hóa nhập khẩu từ cả Liên minh châu Âu (EU) và Mexico sẽ phải chịu mức thuế 30% bắt đầu từ ngày 1-8. Tuyên bố này khiến các nhà lãnh đạo EU tức giận, vì trước đó họ nghĩ rằng hai bên đã đạt được thỏa thuận với mức thuế 10%.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, khối này sẽ duy trì cách tiếp cận hai hướng là đàm phán và chuẩn bị các biện pháp trả đũa.
Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho biết, ông mong muốn tìm kiếm một giải pháp thương mại với Mỹ và sẽ làm việc tích cực về vấn đề này với bà Ursula von der Leyen và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong hơn hai tuần tới.
Khi được hỏi về tác động của mức thuế quan 30% đối với Đức, ông Friedrich Merz chia sẻ: "Nếu điều đó xảy ra, chúng tôi sẽ phải hoãn phần lớn các nỗ lực chính sách kinh tế vì nó sẽ ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực, nhất là các ngành xuất khẩu của Đức".
Trong khi đó, Pháp dường như có lập trường cứng rắn hơn. Theo Tổng thống Emmanuel Macron, EC cần hơn bao giờ hết "khẳng định quyết tâm của liên minh trong việc bảo vệ các lợi ích một cách kiên quyết", và biện pháp trả đũa có thể cần bao gồm “các công cụ chống cưỡng chế”.
Các nhà sản xuất pho mát của Pháp cảnh báo về hậu quả tai hại của mức thuế 30% đối với ngành công nghiệp sữa địa phương, nơi xuất khẩu gần một nửa sản lượng của mình, bao gồm cả sang Mỹ.
Hiện, EU đã chuẩn bị 2 gói biện pháp trả đũa có thể ảnh hưởng đến 93 tỷ euro hàng hóa của Mỹ. Gói đầu tiên, nhằm đáp trả mức thuế 50% của Washington đối với thép và nhôm nhập khẩu, tương đương 21 tỷ euro hàng hóa của Mỹ. Gói thứ hai để trả đũa mức thuế đối ứng nhắm vào 72 tỷ euro hàng hóa của Mỹ.
Các biện pháp trên chưa được công bố chính thức và danh sách các mặt hàng bị trừng phạt cuối cùng cần được các quốc gia thành viên phê duyệt.
Bà Ursula von der Leyen cho biết, việc sử dụng công cụ chống cưỡng chế của EU vẫn chưa được đưa ra thảo luận. Công cụ này cho phép trả đũa nước thứ ba gây áp lực kinh tế lên các thành viên EU để thay đổi chính sách của họ.
Các bước trả đũa có thể bao gồm hạn chế khả năng tiếp cận thị trường EU đối với hàng hóa, dịch vụ và các biện pháp kinh tế khác liên quan đến nhiều lĩnh vực, bao gồm đầu tư trực tiếp nước ngoài, thị trường tài chính và kiểm soát xuất khẩu.
Theo Politico
Quỳnh Dương