Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, phát biểu tại buổi họp báo, bà von der Leyen nhấn mạnh đây là ngân sách cho một kỷ nguyên mới, phù hợp với tầm nhìn của châu Âu, giúp giải quyết các thách thức chung và củng cố khả năng tự chủ chiến lược của khối.
Ngân sách lần này được cấu trúc lại theo ba trụ cột chính. Trụ cột đầu tiên, mang tên “Các đối tác quốc gia và khu vực”, sẽ tập trung vào các chính sách nông nghiệp, thủy sản, gắn kết và xã hội với tổng kinh phí 865 tỷ euro, nhằm đảm bảo phát triển hài hòa giữa các vùng lãnh thổ trong khối. Trụ cột thứ hai dành 410 tỷ euro cho việc tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua đầu tư vào nghiên cứu, đổi mới và công nghệ, góp phần củng cố vị thế kinh tế của EU trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu gay gắt. Trụ cột thứ ba hướng tới chính sách đối ngoại, với tổng giá trị 200 tỷ euro, trong đó đặc biệt nổi bật là khoản 100 tỷ euro dành riêng cho Ukraine, phục vụ tái thiết và hỗ trợ tiến trình hội nhập.
Một điểm đáng chú ý trong đề xuất lần này là toàn bộ các khoản chi sẽ được ràng buộc chặt chẽ với điều kiện tuân thủ pháp quyền. Bà von der Leyen cam kết sẽ đảm bảo chi tiêu công minh bạch và có trách nhiệm giải trình.
Đề xuất ngân sách mới phản ánh nỗ lực tăng cường tính linh hoạt và khả năng thích ứng của EU trước những biến động lớn trong và ngoài khu vực trong những năm gần đây, như đại dịch COVID-19, xung đột tại Ukraine, giá năng lượng tăng cao, lạm phát và cạnh tranh kinh tế toàn cầu. Việc xây dựng một khuôn khổ tài chính năng động hơn được kỳ vọng sẽ giúp khối ứng phó hiệu quả với các thách thức bất ngờ trong tương lai.
Một điểm mới đáng chú ý là việc thành lập Quỹ Năng lực cạnh tranh châu Âu trị giá 410 tỷ euro. Quỹ này nhằm khuyến khích thu hút đầu tư tư nhân và tối ưu hóa hiệu quả chi tiêu công, hướng tới mục tiêu hiện đại hóa nền kinh tế và tăng tính bền vững trong tăng trưởng. Bên cạnh đó, quỹ 100 tỷ euro dành riêng cho Ukraine được thiết kế theo mô hình Quỹ Ukraine trị giá 50 tỷ euro đã được thông qua hồi đầu năm 2024, với mục tiêu duy trì hỗ trợ ổn định, tránh bị gián đoạn bởi các xung đột chính trị nội bộ.
Ngân sách cũng dành 292 tỷ euro cho các hạng mục khác, bao gồm cả việc thanh toán nợ liên quan đến quỹ phục hồi hậu COVID-19, với khoản trả ước tính 25–30 tỷ euro mỗi năm. EC đề xuất chi trả các khoản này thông qua các nguồn lực tài chính mới như thuế khí thải, thuế hải quan và các loại thuế chung toàn EU. Tuy nhiên, các đề xuất này hiện vẫn vấp phải sự phản đối từ một số quốc gia thành viên.
Với việc công bố đề xuất này, EU chính thức khởi động tiến trình đàm phán ngân sách được dự báo sẽ kéo dài và nhiều tranh cãi giữa các nước thành viên và Nghị viện châu Âu. Các bên sẽ phải cân nhắc giữa lợi ích riêng và mục tiêu chung nhằm đảm bảo một khung tài chính vững chắc cho tương lai châu Âu.
Hương Giang (TTXVN)