Dự án Iris² đặt mục tiêu xây dựng mạng lưới đa quỹ đạo gồm gần 300 vệ tinh, cạnh tranh trực tiếp với các nhà cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh của Mỹ như Starlink của tỷ phú Elon Musk và Dự án Kuiper của Amazon.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Henna Virkkunen cho biết: "Chòm sao vệ tinh tiên tiến này sẽ bảo vệ các cơ sở hạ tầng quan trọng của chúng tôi, kết nối các khu vực xa xôi nhất và tăng cường quyền tự chủ chiến lược của châu Âu". Hệ thống Internet vệ tinh này được phát triển theo hình thức hợp tác công tư, phục vụ cả chính phủ và khách hàng tư nhân.
Với ngân sách ước tính 10,6 tỷ euro (11,1 tỷ USD), Iris² sẽ cung cấp liên lạc an toàn cho các mục đích quân sự, quốc phòng và ngoại giao. Theo EU, hệ thống này còn có thể được sử dụng để giám sát, kết nối ở các khu vực bị thiên tai và cung cấp truy cập băng thông rộng thương mại.
Cùng ngày, EU đã ký thỏa thuận nhượng quyền kéo dài 12 năm với tập đoàn SpaceRISE, do Eutelsat của Pháp, Hispasat của Tây Ban Nha và SES của Luxembourg đứng đầu. Các đối tác khác bao gồm OHB, Airbus Defence and Space, Telespazio, Deutsche Telekom, Orange và Hisdesat.
Ủy viên EU về quốc phòng và không gian Andrius Kubilius hoan nghênh thỏa thuận này là sự khởi đầu cho "tầm nhìn về một châu Âu mạnh mẽ hơn, kết nối hơn và kiên cường hơn". Ông cho biết Iris² thể hiện quyết tâm và cam kết của EU nâng cao vị thế của khối trong lĩnh vực không gian trên toàn cầu.
Iris² là dự án không gian lớn thứ ba của EU, sau hệ thống định vị vệ tinh Galileo và chòm sao vệ tinh giám sát Trái Đất Copernicus. Hơn một nửa ngân sách của dự án sẽ do EU tài trợ, trong đó 4,1 tỷ euro đến từ đầu tư tư nhân và 550 triệu euro từ Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA).
Việc khởi động dự án diễn ra trong bối cảnh thị trường kết nối không gian tốc độ cao ngày càng trở nên cạnh tranh. Đầu năm nay, Starlink tuyên bố đã đưa hơn 6.000 vệ tinh vào quỹ đạo, phục vụ 2,6 triệu khách hàng.
Phan An (TTXVN)