EU muốn gắn viện trợ nước ngoài với các ưu tiên chiến lược nội khối

EU muốn gắn viện trợ nước ngoài với các ưu tiên chiến lược nội khối
8 giờ trướcBài gốc
Ủy ban châu Âu (EC) tại Brussels, Bỉ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ Politico ngày 20/5, một tài liệu nội bộ cho thấy Ủy ban châu Âu đang soạn thảo kế hoạch cải tổ chương trình viện trợ phát triển của Liên minh châu Âu (EU). Theo đó, các khoản tài trợ dành cho các quốc gia đang phát triển - đặc biệt ở khu vực châu Phi và Trung Đông - sẽ được lồng ghép với các điều kiện nhằm phục vụ các lợi ích trong nước của EU, chẳng hạn như ngăn chặn dòng người di cư hay đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô quan trọng cho khối.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Ủy viên phụ trách ngân sách Piotr Serafin khẳng định rằng các gói hợp tác mới sẽ tăng cường liên kết giữa chính sách đối ngoại và những ưu tiên bên trong của EU, trong đó có an ninh năng lượng và tiếp cận tài nguyên chiến lược. Đây được xem là bước chuyển mạnh so với mô hình viện trợ truyền thống của EU vốn không đi kèm điều kiện ràng buộc, đồng thời tiến gần hơn tới cách tiếp cận của Mỹ và Anh - những nước sử dụng viện trợ như công cụ hỗ trợ chính sách đối nội.
Tuy nhiên, kế hoạch này đang vấp phải nhiều ý kiến chỉ trích từ giới lập pháp, tổ chức phi chính phủ và một số quốc gia thành viên. Bà Maria Jose Romero thuộc tổ chức Eurodad cảnh báo rằng hướng tiếp cận mới có thể làm suy yếu chất lượng viện trợ của EU và làm tổn hại hình ảnh khối trong vai trò một đối tác phát triển đáng tin cậy. Một nhà ngoại giao EU nhận định không có quốc gia thành viên nào hoàn toàn ủng hộ đề xuất này, đồng thời cho rằng việc gắn viện trợ với điều kiện chính trị hoặc thương mại có thể tạo cảm giác áp đặt từ phía EU đối với các nước thụ hưởng.
Nghị sĩ châu Âu người Đan Mạch Rasmus Nordqvist cũng bày tỏ lo ngại rằng đây là cách tiếp cận nhằm ưu tiên đáp ứng kỳ vọng của cử tri trong nước, thay vì thực sự nâng cao hiệu quả viện trợ tại các quốc gia thụ hưởng. Trong khi đó, một số quan chức EU bác bỏ so sánh kế hoạch này với mô hình viện trợ của Trung Quốc và các chính sách gây tranh cãi dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, vốn từng bị cáo buộc sử dụng viện trợ như công cụ nhằm tiếp cận tài sản chiến lược ở nước ngoài.
Ủy ban châu Âu khẳng định viện trợ nhân đạo thiết yếu - như lương thực và nước sạch - sẽ không bị ảnh hưởng bởi kế hoạch ngân sách mới. Các chương trình hỗ trợ khẩn cấp vẫn được duy trì, bên cạnh những điều chỉnh mang tính chiến lược.
Về mặt hành chính, mô hình mới sẽ sáp nhập các chương trình viện trợ khác nhau - từ quản lý di cư, đầu tư nước ngoài cho đến phòng ngừa xung đột - thành một quỹ thống nhất, phân bổ theo khu vực địa lý. Các quốc gia đang trong quá trình gia nhập EU như Ukraine, Moldova hay các nước Tây Balkan sẽ được áp dụng một bộ điều kiện riêng biệt, nghiêm ngặt hơn so với các nước đang phát triển khác.
Một số quốc gia trong EU coi đây là nỗ lực mở rộng quyền lực của Ủy ban châu Âu, vì mô hình mới sẽ cho phép cơ quan hành pháp tự phân bổ nguồn lực giữa các khu vực mà không cần phải xin ý kiến từng quốc gia thành viên.
Các Bộ trưởng EU dự kiến sẽ nhóm họp vào ngày 26/5 để thảo luận về định hướng chính sách viện trợ nước ngoài, trước khi Ủy ban châu Âu trình đề xuất chính thức cho khuôn khổ tài chính nhiều năm tiếp theo vào ngày 16/7.
Hoàng Anh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/eu-muon-gan-vien-tro-nuoc-ngoai-voi-cac-uu-tien-chien-luoc-noi-khoi-20250520144929389.htm