Tàu chở dầu RN Polaris tại thành phố cảng Nakhodka, Nga. Ảnh: Reuters
Cụ thể, gói trừng phạt lần này nhằm vào các tàu chở dầu đến từ các nước thứ 3 được cho là đã và đang hỗ trợ Nga liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine, đồng thời bổ sung thêm nhiều thực thể và cá nhân vào danh sách trừng phạt. Quy mô của gói trừng phạt có thể lên tới gần 30 thực thể, hơn 50 cá nhân và 45 tàu chở dầu.
Văn kiện này cũng bao gồm việc cho phép Cộng hòa Séc nhập khẩu các sản phẩm từ dầu của Nga thêm 6 tháng, chủ yếu là qua ngả Slovakia.
Trong bài đăng trên mạng xã hội X, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã hoan nghênh gói trừng phạt lần này, trong đó nhằm vào các con tàu đã và đang giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt.
Theo kế hoạch, gói trừng phạt này sẽ chính thức được thông qua tại cuộc họp Ngoại trưởng EU, dự kiến diễn ra ngày 16-12 tới. Cho đến nay, danh sách trừng phạt của EU liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine đã lên tới khoảng 2.200 cá nhân và thực thể, cùng hơn 45 tàu chở dầu.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga ngày
11-12 đã lên tiếng phản đối việc Mỹ chuyển 20 tỷ USD cho Ukraine, trong đó bao gồm khoản tiền đến từ các tài sản đóng băng của Nga, đồng thời nhấn mạnh Moskva có thể đáp trả bằng việc tịch thu các tài sản của phương Tây trong lãnh thổ nước này để tăng cường năng lực công nghiệp quốc gia.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Bộ Tài chính Mỹ ngày 10-12 thông báo đã chuyển 20 tỷ USD, một phần trong khoản vay trị giá 50 tỷ USD của G7 dành cho Ukraine, tới quỹ trung gian của Ngân hàng Thế giới (WB) nhằm hỗ trợ tài chính và kinh tế cho Kiev. Thông báo cho biết, số tiền này đến từ các tài sản của Nga bị đóng băng cùng những khoản vay nhỏ hơn được Anh, Canada và Nhật Bản cung cấp cho quốc gia Đông Âu.
TTXVN