Liên minh châu Âu (EU) sẽ buộc Temu, Shein chịu trách nhiệm về hàng bất hợp pháp. Ảnh: Reuters.
Theo bản dự thảo được Financial Times tiết lộ, EU sẽ yêu cầu các nền tảng này phải cung cấp dữ liệu hải quan cho các cơ quan chức năng để tăng cường kiểm soát hàng hóa.
Đồng thời, quy định mới cũng bắt buộc họ phải thu thuế và VAT liên quan, đảm bảo sản phẩm tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn của châu Âu.
Dữ liệu từ 27 quốc gia thành viên EU sẽ được tập hợp lại và quản lý bởi một cơ quan hải quan trung ương mới (EUCA), giúp xác định rủi ro từ trước khi hàng hóa được vận chuyển hoặc nhập khẩu vào châu Âu.
Hiện tại, Amazon và Shein chưa đưa ra bình luận chính thức, trong khi Reuters vẫn chưa liên hệ được với Temu về vấn đề này.
Trước đó, vào tháng 11/2023, Ủy ban châu Âu (EC) đã mở cuộc điều tra Temu theo Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) sau khi nhận được nhiều khiếu nại về việc nền tảng này bán sản phẩm bất hợp pháp.
Theo DSA, các nền tảng trực tuyến lớn có trách nhiệm ngăn chặn nội dung vi phạm và bảo vệ người tiêu dùng. Hiện tại, Temu có khoảng 92 triệu người dùng tại EU và có thể bị phạt tới 6% doanh thu toàn cầu nếu bị phát hiện vi phạm.
Bất chấp các rào cản pháp lý, Temu vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Trong nửa đầu năm 2024, giá trị giao dịch trên nền tảng này đạt 20 tỷ USD, vượt qua con số 18 tỷ USD của năm 2023. Theo Similarweb, vào tháng 8/2024, Temu đã vượt eBay, trở thành nền tảng thương mại điện tử có lượng truy cập nhiều thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Amazon.
Thời gian qua, các nước phương Tây ngày càng quan ngại về sự tràn lan của "thời trang siêu nhanh" giá rẻ từ Trung Quốc, đặc biệt là từ Shein và Temu. EC cho biết trong năm 2023, có tới 2 tỷ bưu kiện có giá trị khai báo dưới 150 euro được nhập khẩu vào khu vực này, gây áp lực lớn lên hệ thống hải quan.
Để đối phó với làn sóng nhập khẩu giá rẻ, EU đã thảo luận về việc loại bỏ mức miễn thuế 150 euro như một phần trong dự án cải cách hải quan được đề xuất vào tháng 5/2023.
Không chỉ EU, Việt Nam cũng đang tăng cường quản lý các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Tháng 11/2024, Chính phủ yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu qua các sàn này để bảo vệ doanh nghiệp trong nước.
Trước đó, trong tháng 10/2024, dù chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam, Temu vẫn cho phép người dùng tải ứng dụng, mua hàng và thanh toán qua nền tảng. Tương tự, Shein cũng hoạt động mà chưa hoàn thành thủ tục đăng ký.
Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, Temu bắt đầu có động thái đăng ký dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam. Đến đầu tháng 12/2024, ứng dụng Temu bằng tiếng Việt tạm dừng hoạt động trong thời gian hoàn tất thủ tục đăng ký.
Theo Luật sửa đổi một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 1/1 vừa qua, tất cả nền tảng thương mại điện tử tại Việt Nam sẽ phải khai báo và nộp thuế thay cho người bán trên nền tảng của mình. Đồng thời, theo dự thảo Luật Thương mại điện tử của Bộ Công Thương, các nền tảng xuyên biên giới như Temu, Shein có thể sẽ phải xin cấp phép và lập văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Phương Linh