EU tài trợ 1 triệu euro phát triển hệ sinh thái công nghệ số giáo dục đại học tại Việt Nam

EU tài trợ 1 triệu euro phát triển hệ sinh thái công nghệ số giáo dục đại học tại Việt Nam
một ngày trướcBài gốc
Bám sát Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 3.6.2020, dự án ACCEES kỳ vọng thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ số trong giáo dục đại học Việt Nam nhằm tăng cường năng lực sư phạm của giảng viên và chuẩn bị cho sinh viên đối diện với các thách thức mới của thế kỷ XXI.
Chuyên gia trình bày tham luận tại Hội thảo quốc tế "Hệ sinh thái công nghệ số trong giáo dục đại học tại Việt Nam theo các chuẩn mực quốc tế: Hiện trạng và triển vọng”. Ảnh: BTC
Dự án ACCEES đã được Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ cùng 14 đối tác đại học và cơ quan quản lý nhà nước tại Việt Nam và châu Âu chung tay xây dựng từ năm 2023. Bên cạnh đó, còn có 12 doanh nghiệp và tổ chức kinh tế - xã hội tham gia trong vai trò đối tác liên kết, đại diện cho một bộ phận quan trọng trong hệ sinh thái công nghệ số bao quanh các cơ sở giáo dục đại học.
Hồ sơ dự án ACCEES đã được nộp ứng tuyển cho Chương trình Erasmus+ 2024 của EU, và đã trúng tuyển với kết quả xuất sắc 87/100 điểm, thuộc nhóm 16% các dự án được duyệt tài trợ, với tổng kinh phí được EU cấp là 1 triệu euro (tương đương hơn 27 tỷ đồng), triển khai trong bốn năm 2025-2028.
Dự án do Trường Đại học Cần Thơ đóng vai trò điều phối chính, dựa trên kinh nghiệm đã từng tham gia gần 20 dự án thuộc chương trình tài trợ có tính chọn lọc và cạnh tranh cao độ này của EU. 7 đối tác đại học - đơn vị thụ hưởng khác tại Việt Nam, bao gồm: Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Giao thông vận tải, Khoa Quốc tế Pháp ngữ – Trường Quốc tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng, Đại học Kinh tế TP.HCM, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM.
Ngoài ra, một cơ quan quản lý nhà nước cũng đóng vai trò đơn vị thụ hưởng là Cục Thông tin, Thống kê – Bộ Khoa học và Công nghệ. Cùng với đó là bốn đối tác đại học quốc tế bao gồm: Tổ chức Đại học Pháp ngữ - Canada/Bỉ, Đại học Strasbourg - Pháp, Đại học Mons - Bỉ, Đại học Patras - Hy Lạp.
Về phía các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế - xã hội đóng vai trò đối tác liên kết, có 12 đơn vị bao gồm: Viettel Solutions, Liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị Thành phố Cần Thơ, DFM-Engineering, Officience, iNet Solution, I&E Việt Nam Education and Technology Development Co., LTD, Linagora Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Mô phỏng Việt Nam, Titops Việt Nam, Viet Nam DX, DMC Mekong Image Travel & Events, Schoolab.
Các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo quốc tế "Hệ sinh thái công nghệ số trong giáo dục đại học tại Việt Nam theo các chuẩn mực quốc tế: Hiện trạng và triển vọng”. Ảnh: BTC
Lễ khởi động dự án ACCEES có sự tham dự của hơn 100 đại biểu đại diện 14 đơn vị thụ hưởng và 12 đối tác liên kết thuộc bốn quốc gia (Việt Nam, Pháp, Bỉ và Hy Lạp).
Cùng ngày, Hội thảo quốc tế "Hệ sinh thái công nghệ số trong giáo dục đại học tại Việt Nam theo các chuẩn mực quốc tế: Hiện trạng và triển vọng” cũng diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tại nhiều đầu cầu (Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, An Giang). Đây là dịp thuận lợi để nhằm tập hợp các sáng kiến góp phần củng cố hệ sinh thái công nghệ số và hoàn thiện chiến lược công nghệ số trong giáo dục đại học Việt Nam dựa trên các chuẩn mực quốc tế.
Trà My
Nguồn Người Đô Thị : https://nguoidothi.net.vn/eu-tai-tro-1-trieu-euro-phat-trien-he-sinh-thai-cong-nghe-so-giao-duc-dai-hoc-tai-viet-nam-47617.html